Mùa xuân trong mắt trẻ
20:26', 24/1/ 2004 (GMT+7)

Tại sao cây bàng trước lớp con rụng lá? Tại sao hoa hướng dương lại lớn mà hoa hồng lại nhỏ?… Ai sẽ giúp những đứa trẻ khám phá cái thế giới lung linh âm sắc xung quanh chúng nếu không phải là cô. Đối với những đứa trẻ lên ba, lên năm… cô giáo ở trường là tất cả.

* Con thương cô giáo

Tôi đến trường Mầm non bán công Hoa Hồng vào giờ các cháu ăn trưa. Trong khi chờ cô giáo nhận các suất ăn từ nhà bếp, những cô cậu học trò đã lũ lượt cùng nhau khiêng bàn, xếp ghế và ngồi vào vị trí của mình. Cô giáo bắt nhịp bài hát. Đứa trong tư thế ngồi khoanh tay trên bàn, đứa thẳng lưng trên ghế, đứa choàng tay qua bạn… miệng chúng há tròn, cổ gân lên để hát, hát thật to và say sưa. Như để cái đói đến nhanh. Như  sắp chạm đến niềm vui được ăn ngon. Rồi chúng ăn, chúng ăn một cách ngon lành, trong khi cô giáo vẫn còn giới thiệu các món ăn trưa nay, nào là món canh rau ngót này có nhiều vitamin A, giúp ta sáng mắt… Một đứa trẻ cười, hình ảnh ấy làm bất cứ ai cũng có thể thư giãn. Nhưng một đứa trẻ đang ăn ngon cũng khiến bạn sẽ hài lòng, liên tưởng về sự viên mãn, đủ đầy.

Trẻ thơ là những con người "dễ vỡ" dễ khóc, dễ cười. Để trưởng thành, để không còn "dễ vỡ" nữa những đứa trẻ cần tích tụ rất nhiều những điều hay (dù rất nhỏ) từ những ngày chập chững hôm nay. Ngày Ái Vi - một cô bé khuyết tật - mới đến trường, bé chỉ như con mèo ướt, chân tay co quắp, không tự di chuyển được, ngôn ngữ của cháu cũng chỉ là những tiếng ngắc ngứ khó nhọc. Các cô phải bế cháu vào lớp, phải dìu xuống sân tập thể dục… Đến giờ ăn, Vi phải nhờ bạn cầm bát, nhờ cô xúc cơm. Vậy mà sau 3 năm học ở trường, Vi đã tự vận động, đã nói được thành câu và đặc biệt là cô bé đang tập viết, những nét chữ tròn trịa thật dễ thương. Cô Nguyễn Thị Phường, giáo viên của lớp nhận xét: "Vi rất chịu khó nên tiến bộ nhanh". Nghe tôi hỏi, ba của cô bé xúc động đến rưng rưng: "Tôi không ngờ cháu sẽ được như ngày hôm nay". Còn khi hỏi Vi cô bé chỉ cười xinh, gợi chuyện mãi cháu mới bật mí: "Con còn được học đàn, học họa nữa đấy". Điều kỳ diệu nào đã đến với Vi? Điều kỳ diệu nào đã đến với những đứa trẻ ở trường? Có một lúc nào đó, bạn chợt nhận ra, con mình đang lớn. Cháu lớn từng ngày trong vòng tay yêu thương, chăm chút của cô.

* Người thiết kế tâm hồn

Đối với các cô, cứ mỗi sáng thức dậy là một ngày hoàn toàn mới mẻ. Bởi câu chuyện của ngày hôm nay sẽ không bao giờ giống ngày hôm qua, cả những chuyện... bực mình cũng thế. Trọn một ngày. Cả khi chúng ngủ cô giáo vẫn không rời mắt khỏi chúng. Sẵn sàng chỉnh cho chúng những nết ăn, nết đi, từng câu nói, hành vi, cử chỉ chưa đúng mực. Cô Trương Mộng Thủy tâm sự: "Ở tuổi nhà trẻ, các cháu chỉ muốn được cô âu yếm, vỗ về. Lên đến lớp chồi, lớp lá trẻ đã thực sự giao lưu với cô giáo. Chúng hồn nhiên phê bình cô nếu cô nói mà không đi đôi với làm. Mọi thái độ, cử chỉ của cô đều phải chính xác và đúng mực".

Chuyển sang giờ chơi. Hôm nay các cháu học và chơi với chủ điểm "Tết và mùa xuân", cô giáo kể sự tích "Bánh chưng bánh dày" và yêu cầu các cháu hãy đặt tên cho câu chuyện. Đứa đứng lên thưa cô đó là "câu chuyện về hai cái bánh", "câu chuyện về cánh đồng lúa", "câu chuyện về hoàng tử Lang Liêu"... Cô giáo khen, các con đặt tên nào cũng hay, cũng đẹp. Đối với trẻ lên năm, lên ba, cô giáo là thần tượng, cô giáo là "cô tiên" trong truyện cổ tích. Giờ chơi, chúng xúm xít quanh cô, đứa vuốt tóc, đứa choàng tay qua vai cô, chúng bắt đầu thủ thỉ "cháu thương cô để trong tim đây này". "Cô ơi, má bắt con tô mái tóc búp bê màu đen nhưng con thích tô màu xanh hơn. Má không đúng phải không cô" hay "cô nói tô mái ngói màu đỏ mà ba cứ bảo phải tô thêm màu cam vào…".

* Một bông hồng cho các cô

Chị Phó Thị Kim Xuyến, một cô giáo đã 27 năm trong nghề, kể: "Chúng tôi phải làm việc với cường độ cao suốt từ sáng đến chiều để đáp ứng các yêu cầu chăm sóc, giáo dục cháu. Có như thế mới tạo được uy tín cho trường, mới thu hút được cháu và nhận được lương. Nghề dạy trẻ suốt ngày lúi húi, đi đi lại lại nhiều nên không ít cô mắc hội chứng nghề nghiệp như đau đầu gối và ngang thắt lưng". Các cô giáo lớn tuổi giàu kinh nghiệm nhưng phải đối mặt với một thực tế "độ tuổi cũng như sức lực không còn phù hợp với sự năng động, linh hoạt của cháu "trong khi các cô giáo trẻ lại phấp phỏm lo "mất dạy" khi đến lúc phải thực hiện cái thiên chức làm vợ, làm mẹ. Và còn những lỗ hổng chính sách giữa một giáo viên "biên chế" và giáo viên "hợp đồng" khi họ cùng lao động như nhau nhưng chế độ phụ cấp lại khác nhau... Nhưng mùa xuân đã đến và các cô giáo vẫn đang hy vọng.

Cô giáo Phường tâm sự: "Mỗi ngày rời trường về nhà, tôi thấy mình mệt mỏi rã rời. Nhưng đến sáng tôi lại thấy lòng mình tràn ngập niềm vui". Cô yêu từng đôi mắt sáng, long lanh như những giọt sương… Nghề này vui nhiều mà buồn cũng không ít. "Quản lý 30-40 đứa trẻ đang tuổi hiếu động, cô chỉ cần sơ sẩy một chút là chúng đánh nhau hoặc té, ngã. Nhiều phụ huynh khó tính đến lớp trách cứ cô… Bao giờ mình cũng phải nhận trách nhiệm về mình, những lúc như vậy chính mình cũng cần sự cảm thông". Mùa xuân của đất trời là cây cối đâm chồi nảy lộc. Mùa xuân của cha mẹ là tương lai của những đứa con. Mùa xuân của cô là những ánh mắt tròn. Mùa xuân của xã hội đang bắt đầu từ những hạt giống tốt ở trường mầm non. "Mùa xuân ai đi hái hoa, mà em đi nuôi dạy trẻ". Câu hát sao cứ ngân nga, ngân nga...

NGỌC QUỲNH