Lễ hội kỷ niệm 215 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa:
Tưng bừng từ ngày đầu tiên
15:33', 25/1/ 2004 (GMT+7)

Khách du lịch nước ngoài đến Bảo tàng Quang Trung (ảnh: Công Tâm)

Những ngày này, không khí thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn), nơi diễn ra lễ hội (LH) kỷ niệm 215 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2004) đã bắt đầu khá náo nhiệt. Dọc trên các tuyến phố chính của thị trấn trung du này, rợp cờ hoa và rộn ràng với những đoàn khách khắp trong Nam, ngoài Bắc. Người từ vùng Tây Sơn thượng đạo xuống, kẻ dưới hạ bạn lên, hay người ở xa, trở về quê ăn Tết, du khách thập phương đến Bình Định… thảy đều không thể bỏ qua một LH truyền thống đặc sắc và mang đầy tinh thần thượng võ này.

Những chuyến xe không ngớt đưa khách từ trung tâm thành phố Quy Nhơn, các huyện trong tỉnh và bè bạn các tỉnh về dự LH. Ngoài ra, còn có một lượng khách du lịch được các đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành trong tour du lịch của mình, đã chọn Tây Sơn là điểm dừng chân trong dịp diễn ra LH.

Một cổ động viên của Hội thi tìm hiểu về phong trào Tây Sơn (ảnh: Công Tâm)

Đặc biệt, do LH năm nay được tổ chức công phu, trọng thể và có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với sự tham gia của 2.200 diễn viên, học sinh, cũng là lần đầu tiên LH huy động cả voi và ngựa thật, với những màn đồng diễn rất hoành tráng... nên số lượng người đông đảo đã đổ về Tây Sơn trong những ngày diễn ra LH.

Trước ngày diễn ra LH, không khí tại Tây Sơn đã nhộn nhịp hẳn. Mọi người tranh thủ về sân vận động Phú Phong để xem tổng duyệt chương trình LH lần cuối. Các dịch vụ phục vụ LH cũng bắt đầu khởi động. Khách sạn Hải Âu tổ chức hẳn một khu phục vụ ăn uống, với hơn 60 món ăn dân gian, trong đó, phải kể đến món rượu Bầu Đá, gié… Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó giám đốc Khách sạn Hải Âu, cho biết: "Cùng một lúc, các quầy ăn uống của khách sạn có thể phục vụ cho hơn 1.000 khách".

Việc phục vụ nơi nghỉ ngơi cho du khách phương xa về thăm LH cũng được chú trọng. Khách sạn Phú Phong với 16 phòng không còn trống chỗ từ trước khi diễn ra LH một tuần. Ông Ba Đàm, Chủ Khách sạn Phú Phong, cho biết: "Phần lớn khách thuê phòng là Việt kiều, số còn lại đến từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khác. Họ đã gọi điện và đặt phòng từ trước Tết. Hiện nay, nhiều đoàn cũng tìm đến đây đặt phòng nhưng chúng tôi không thể đáp ứng được".

Đông đảo khách du lịch đến dự Lễ hội tại Bảo tàng Quang Trung (ảnh: Cát Hùng)

Hội thi tìm hiểu phong trào nông dân Tây Sơn và anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ, một trong những hoạt động đầu tiên của LH, tổ chức vào sáng mùng 4 Tết, cũng đã thu hút khá đông người đến xem và cổ vũ. Bạn Ngô Thanh Tùng, học sinh lớp 11, Trường THPT Quang Trung (huyện An Khê, Gia Lai), cho biết: "Suốt đêm qua, em không thể nào chợp mắt được, chỉ mong cho trời sáng để cùng với các bạn xuống Tây Sơn tham gia LH. Ngoài việc xuống cổ động cho các bạn cùng trường tham gia Hội thi chuyến đi này còn là dịp để em được tham quan, tìm hiểu thêm về thân thế và sự nghiệp của người anh hùng áo vải Quang Trung- Nguyễn Huệ…". Khách đến xem Lễ hội cũng tìm mua cho mình một chiếc nón "Nghĩa binh Tây Sơn" vừa để đội đầu tránh nắng, vừa có thể mang về làm kỷ niệm. Chị Trúc, chủ một quầy bán nón tại thị trấn Phú Phong, cho biết: " Cả ngày mồng 3, quầy của em đã bán hơn 30 chiếc rồi, có lẽ ngày mai, người mua sẽ nhiều hơn".

Bốn con voi được đưa từ Đắc Lắc xuống để phục vụ cho lễ hội (ảnh: Cát Hùng)

Trong số lượng khá đông đảo về dự LH trong ngày đầu này, có không ít người là Việt kiều về quê ăn Tết và tham dự LH. Chị Nguyễn Thị Thanh, Việt kiều tại Mỹ, 53 tuổi và đã định cư tại Mỹ 12 năm nay. Đây là lần đầu tiên chị đến Bình Định và cũng là lần đầu tiên đến thăm Bảo tàng Quang Trung vào đúng lúc đang diễn ra LH. Chị Thanh cho biết: "Mặc dù xa quê hương từ khá lâu, nhưng trong lòng tôi lúc nào cũng nhớ về miền đất chôn nhau cắt rốn. Tôi rất vui mừng khi nhìn thấy những di tích cổ xưa, những mốc son lịch sử còn được lưu lại cho con cháu đời sau. Mọi cảnh vật ở Việt Nam mỗi năm mỗi đổi thay và càng giàu đẹp hơn lên mà tôi không dám nghĩ tới. Nhất là việc tổ chức một LH rất lớn như LH Đống Đa năm nay. Nếu có thời gian tôi sẽ ở lại Tây Sơn nhiều hơn nữa, để tham quan cho hết những địa danh lịch sử cũng như những điểm du lịch nổi tiếng ở đây".

Còn bà Hồng Loan, một Việt kiều tại Pháp, 67 tuổi và đã sang Pháp định cư 50 năm nay. Đây là lần thứ 4 bà Loan về thăm lại quê, nhưng cũng là lần đầu tiên đến Bảo tàng Quang Trung. Bà Loan thổ lộ: "Tôi vốn là một người rất thích đọc sách về lịch sử, ở nước ngoài tôi hay đọc sách về Tây Sơn - Nguyễn Huệ. Trong dịp về ăn Tết tại Việt Nam, tôi đã dành thời gian theo đoàn du lịch để đến tham quan Bảo tàng Quang Trung. Nơi mà ba anh em áo vải cờ đào Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đã làm rạng danh dân tộc Việt Nam".

Theo chị Nguyễn Thị Thảo, hướng dẫn viên du lịch của Công ty du lịch văn hóa Việt tại TP. Hồ Chí Minh, đoàn du khách tham quan Bảo tàng Quang Trung trong sáng 25-1 do Công ty dẫn đi có 42 người thì có đến 95% là du khách Việt kiều (Mỹ, Pháp, Canada, Úc...). Họ đều bày tỏ sự ngạc nhiên khi đặt chân đến Bảo tàng Quang Trung. Họ chăm chú lắng nghe lời thuyết trình của người hướng dẫn khi đến từng khu di tích của Bảo tàng. Và thật sự họ đến đây không ngoài mục đích du lịch, mà còn đến tham dự một LH được tổ chức hoành tráng như LH này.

. Viết Thọ - Công Tâm - Tiến Sỹ - Nguyễn Phúc

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Mùa xuân trong mắt trẻ   (24/01/2004)
Khắp nơi tưng bừng đón giao thừa  (22/01/2004)
Tết, Tết, Tết…đến rồi  (21/01/2004)
Cuộc sống là mơ ước và vươn lên  (21/01/2004)
Những gì còn lại  (20/01/2004)
Đón Tết ở ba biên   (19/01/2004)
Canh Tiến đón Tết   (19/01/2004)
Tết này, dân khu 9 sẽ có nước   (18/01/2004)
Làng cúc vào xuân   (16/01/2004)
Tết này, rượu Bầu Đá sang Tây  (19/01/2004)
Cát Hải những ngày giáp Tết  (14/01/2004)
Tết sớm ở vùng rốn lũ   (13/01/2004)
Niềm vui khi nước sạch về làng  (12/01/2004)
Giáp Thân nay nhớ Mậu Thân xưa  (11/01/2004)
Thăng trầm đời con trâu  (09/01/2004)