Đi theo con chữ vùng cao
17:21', 27/1/ 2004 (GMT+7)

Một góc làng Hà Văn Trên, Vân Canh

Để cho con chữ nảy mầm, sinh sôi trên những triền núi cao, đồi hoang là sự phi thường được kết tinh trong những cái bình thường của những người gieo chữ. Vào một ngày cuối năm, tôi đã lên Vân Canh để ghi nhận thêm một bước đi khó nhọc của hành trình con chữ.

1. Theo chân Mang Thị Di, một cô bé đang thơ thẩn chơi với những đứa trẻ ở làng Canh Tân tôi về nhà của em ở cách đó không xa. Cuộc sống của gia đình Di gặp rất nhiều khó khăn do cha Di đã bỏ đi, mẹ phải một mình nuôi hai con và ông ngoại Di luôn đau yếu. Mẹ Di, một phụ nữ còn trẻ nhưng không biết chữ và cũng không nhớ được tuổi của mình, gặp tôi đã vội khoe: "Con Di học giỏi lắm, năm nào cũng được nhận giấy khen của Nhà nước!". Rồi chị với tay lên chiếc rương cũ kỹ, lấy đưa cho tôi tờ giấy chứng nhận cấp học bổng học sinh nghèo vượt khó học giỏi của Hội khuyến học Bình Định cho "học sinh Mang Thị Di, lớp 3, Trường Tiểu học số 1 thị trấn Vân Canh". Mắt của ông ngoại và mẹ cùng nhìn về phía Di ánh lên vẻ tự hào. Hai thế hệ không biết chữ trong ngôi nhà này đang hy vọng rất nhiều vào tương lai của con, cháu.

Trong chiếc cặp cũ sờn của cô học sinh giỏi Mang Thị Di chỉ có mấy quyển vở, vài cuốn sách giáo khoa đã rách đầu, rách cuối. Nét chữ trong vở của Di nguệch ngoạc và còn sai chính tả khá nhiều. Nhưng dù sao cô bé cũng đang được thụ hưởng những thành quả của giáo dục miền núi. Nhớ lại khoảng hơn một thập kỷ trước đây, khi tôi còn là một phóng viên non tuổi đời, tuổi nghề, hăm hở lên Canh Liên, một xã cao nhất, xa nhất của huyện để ghi nhận về công tác giáo dục miền núi và đã hoàn toàn thất vọng với cảnh không trường, không lớp, không giáo viên và cả những thế hệ người làng từ trẻ đến già không biết chữ… Theo thời gian, những "con số không" đầy ám ảnh đó lại lần lượt rời khỏi bản làng như sự rời bỏ của cái đói, cái rét... Trước đây, giáo viên các bản làng vùng cao Vân Canh chỉ là những thầy giáo "cơm chấm cơm" được ngành giáo dục huyện "so bó đũa chọn cột cờ" từ một số ít người có ít trình độ văn hóa trong làng thì giờ đây Canh Liên đã là một địa phương có đội ngũ giáo viên trẻ nhất và được đào tạo chuẩn nhiều nhất. Trường, lớp ngày một mở mang theo từng bước chân người làng.

Để có những học sinh người dân tộc thiểu số trụ được với trường, với lớp để học tiểu học, lên cấp 2, vào cấp 3 là sự đa dạng các mô hình trường nội trú, bán trú, trường nhô… Trình độ văn hóa người dân đã được nâng lên, các làng cũng không còn hiếm những học sinh tốt nghiệp cấp 3, vào đại học… Theo sự mở mang của cái chữ, nhận thức của người miền núi về sự học cũng đã cao dần lên. Nếu như vài năm về trước, huy động được trẻ em người dân tộc thiểu số đến trường, đến lớp đã là sự thành công, thì giờ đây, bài toán nan giải là làm sao nâng cao được chất lượng giáo dục cho học sinh người dân tộc.

2. Trường Tiểu học số 1 thị trấn Vân Canh mang những nét rất đặc thù của một ngôi trường miền núi. Nơi vừa có học sinh người Kinh, vừa có học sinh dân tộc ít người. Tiếng là trường thị trấn, nhưng nhà trường vẫn không thoát khỏi mô hình trường nhiều điểm trường, lớp còn lớp ghép. Điểm trường Suối Mây, điểm trường Canh Tân, Đắk Đâm… mỗi điểm trường có 1 lớp 1 và 1 lớp ghép 2+3 với khoảng 30-40 học sinh. Trong số 481 học sinh của trường thì đã quá nửa là học sinh người dân tộc Bana, Chăm. Cô Lê Thị Thu Lợi, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Học sinh người dân tộc đi học được Nhà nước cấp vở, cấp bút, cấp sách giáo khoa và hầu như không phải đóng một khoản phí nào. Thế mà, dạy được cho chúng cái chữ thật không phải dễ". Năm học này, Trường Tiểu học số 1 thị trấn đang "dốc sức" để xây dựng trường chuẩn quốc gia. Đây cũng sẽ là mô hình trường chuẩn đầu tiên của huyện Vân Canh. Tuy nhiên, theo nhận xét của cô hiệu trưởng, trường vẫn đang cố gắng tiến đến những cái mốc tối thiểu của mô hình trường chuẩn.

Trường chuẩn quốc gia, một yêu cầu hết sức bình thường của một nền giáo dục hiện đại nhưng để có được nó đối với một trường học miền núi lại là một sự nỗ lực quá lớn lao. Cô Lợi cho biết: "Để xây dựng được trường chuẩn quốc gia, chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn để nâng cao chất lượng học tập của học sinh người dân tộc ít người. Chỉ riêng một tiêu chí "học sinh vào lớp 1 năm năm trước học hết lớp 5 phải đạt 80%" mà mãi đến năm học này trường mới đạt được".

3. Tại nhà công vụ giáo viên của huyện, nguyên gốc là một dãy phòng học tiểu học cũ, tôi bắt gặp những mảnh đời thường của giáo viên miền xuôi lên "chi viện" cho miền núi. Hai cô giáo Nguyễn Thị Giang, Lê Thị Hồng Tâm quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh vào đây dạy học đã trên dưới 5 năm. Cả hai cô đều đã có gia đình và nhận Vân Canh làm quê hương thứ hai. Trong một lớp học cũ tuềnh toàng là cuộc sống của hai gia đình và những người mẹ đang phải nuôi con nhỏ… thật khó có thể hình dung ra sự tạm bợ nào hơn. Vậy mà họ vẫn sống và dạy học bằng tất cả những gì mình có. Nguyễn Thị Giang, cô giáo được mệnh danh "chuyên gia dạy làng" kể chuyện: "Học sinh với cô giáo ngôn ngữ bất đồng nên tiếp thu bài rất chậm. Đến trường học chữ được chữ mất, lại không có thời gian tự học ở nhà, trong khi các em vẫn phải học chung một chương trình tiểu học thống nhất cho học sinh cả nước".

Cạnh phòng ở của hai gia đình cô giáo Giang, Tâm là cuộc sống của thầy Nguyễn Minh Hoàng và cô giáo Đoàn Thị Mai. Họ là những nhà giáo thâm niên đã từng lăn lộn hết trường này đến trường khác theo yêu cầu điều động giáo viên của ngành giáo dục huyện. Cuối cùng gặp nhau tại Trường Tiểu học số 1 thị trấn và nên vợ nên chồng. Cuộc đời nhà giáo vùng cao sóng gió vất vả nên dễ nhận được sự đồng cảm, sẻ chia. Lận đận với nghề nhiều năm nên hai vợ chồng vẫn chưa tạo dựng được mái nhà riêng cho mình. Sống tạm bợ nhưng dạy học thì không thể tạm bợ. Vợ chồng thầy Hoàng - cô Mai đã nỗ lực vươn lên trong chuyên môn. Anh Hoàng đã tiếp tục đi học và tốt nghiệp Đại học tiểu học bằng phương thức học từ xa, chị Mai cũng đã học xong Cao đẳng sư phạm hệ tại chức. Nhiều năm liền thầy Hoàng, cô Mai đều giữ được danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Họ vẫn đang "giữ lửa" cho mình để tiếp tục hành trình gieo chữ cho vùng cao.

QUỲNH HOA

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chúng tôi rất tự hào về ba Ngài  (26/01/2004)
Tưng bừng từ ngày đầu tiên  (25/01/2004)
Mùa xuân trong mắt trẻ   (24/01/2004)
Khắp nơi tưng bừng đón giao thừa  (22/01/2004)
Tết, Tết, Tết…đến rồi  (21/01/2004)
Cuộc sống là mơ ước và vươn lên  (21/01/2004)
Những gì còn lại  (20/01/2004)
Đón Tết ở ba biên   (19/01/2004)
Canh Tiến đón Tết   (19/01/2004)
Tết này, dân khu 9 sẽ có nước   (18/01/2004)
Làng cúc vào xuân   (16/01/2004)
Tết này, rượu Bầu Đá sang Tây  (19/01/2004)
Cát Hải những ngày giáp Tết  (14/01/2004)
Tết sớm ở vùng rốn lũ   (13/01/2004)
Niềm vui khi nước sạch về làng  (12/01/2004)