|
Tượng Hoàng đế Quang Trung tại công viên Quang Trung, TP Quy Nhơn (ảnh: Đào Tiến Đạt) |
Trong sự nghiệp vĩ đại của đời mình, công đức lớn nhất của Quang Trung là xóa bỏ ranh giới chia cắt đất nước, đánh giặc ngoại xâm, giữ vững nền độc lập dân tộc. Song bên cạnh những võ công bách chiến bách thắng, ông đã bền lòng thực hiện chiến thuật tâm công vẻ vang không kém nhằm cứu vớt nhân cách của thời đại mình khỏi sự suy đồi, trả lại cho nó những giá trị đích thực, để rồi đến lượt mình, các nhân cách đó góp phần cùng ông làm vinh danh cho quốc gia, triều đại.
Ngọn cờ Tây Sơn dựng lên trong một thời buổi loạn lạc. Ở Đàng trong, Trương Phúc Loan chuyên quyền, quan lại tham ô, cường hào ác bá nổi lên như rươi, nhân dân lầm than khổ cực. Phần lớn trai tráng không có ruộng cày, học văn học võ không có chỗ đắc dụng. Cướp bóc trở thành một "nghề" kiếm sống phổ biến. Khi vâng mệnh anh là đệ nhất trại chủ Nguyễn Nhạc đi chiêu tập anh tài, Nguyễn Huệ lọc ra giữa bụi lầm thời cuộc những anh hùng lỡ vận. Theo Tây Sơn lương tướng ngoại truyện của Nguyễn Trọng Trì, thì trước khi gặp Nguyễn Huệ, Nguyễn Văn Tuyết nguyên là một tay anh chị ở chợ Gò Chàm, từng nổi danh với vụ nửa đêm lẻn vào dinh tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên trộm con ngựa quý của chúa Nguyễn rồi tự tay đề lên vách "kẻ trộm ngựa chúa là Nguyễn Văn Tuyết ở Tuy Viễn". Võ Văn Dũng là một tướng cướp, hành nghề "lạc thảo" ở vùng rừng núi Phú Phong. Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân mang thân phiêu linh trôi giạt. Giữa cơn sóng gió thời cuộc, họ không là kẻ cướp thì là dân phiêu tán giang hồ, không là kẻ trốn chạy sự truy đuổi của triều đình thì là kẻ bị áp bức cùng đường. Chính Nguyễn Huệ đã dang tay đón họ, đưa họ về với phong trào Tây Sơn, tập hợp những người tứ cố vô thân dưới mái nhà tụ nghĩa, biến họ từ kẻ cướp thành lương tướng. Nguyễn Văn Tuyết sau là đại đô đốc Tuyết, từng theo Nguyễn Huệ đánh Nguyễn, diệt Trịnh, bình Thanh, được giao cùng Ngô Văn Sở lo việc Bắc Hà. Võ Văn Dũng sau theo Nguyễn Huệ lập nhiều công lớn, được phong đại đô đốc Chiêu viễn hầu, thời Cảnh Thịnh thăng đến chức đại tư đồ, là người chủ trương cuộc thanh trừ loạn thần Bùi Đắc Tuyên. Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Đặng Đình Minh, Đặng Văn Long, Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Võ Đình Tú, Nguyễn Văn Lộc … Hàng ngàn hàng vạn người, nếu không nói là cả một thế hệ, ví như không có cuộc khởi nghĩa Tây Sơn và Nguyễn Huệ - họ sẽ mãi mãi chỉ là thành phần bị bóc lột cùng đinh, nói chi đến chuyện trở thành nghĩa quân, danh tướng, được biết niềm hạnh phúc xả thân vì đại nghĩa, được sống một cuộc sống hào hùng, được sử sách lưu danh muôn thuở.
Thử thách lớn nhất mà Quang Trung - Nguyễn Huệ gặp phải là công cuộc chinh phục kẻ sĩ, vốn là tầng lớp được coi là tinh túy nhất của xã hội phong kiến. Phong trào khởi nghĩa Tây Sơn là cuộc nổi dậy của tầng lớp nông dân bị áp bức, và những người lãnh đạo nó là những người áo vải. Đó là một ưu điểm lớn xét về bản chất lịch sử, song trong thời điểm bấy giờ, nó lại là một nhược điểm khiến cho phong trào khó tiếp cận tầng lớp trí thức vốn mang nặng tư tưởng tôn phò chính thống. Các lãnh tụ Tây Sơn, đặc biệt là Nguyễn Huệ ý thức rất rõ điều này, cho nên không chỉ trong bước khởi nghiệp mà mãi đến khi đã hình thành nhà nước Tây Sơn, Nguyễn Huệ rất lo lắng vì sự thiếu vắng đội ngũ trí thức trong lực lượng cách mạng của mình. Trong thư gửi La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, ông không giấu giếm nỗi lo ngại: "Những kẻ giúp việc trong nhất thời đều là những kẻ mạnh bạo… Đạo trị dân đại để có nhiều điều làm cứng cỏi phiền nhiễu."
Thời bấy giờ những trí thức có chút danh giá ở Đàng trong trốn theo chúa Nguyễn, còn giới sĩ phu Đàng ngoài đã quen nhìn Đàng trong là láng giềng hoặc "phía bên kia". Khi Nguyễn Huệ kéo quân ra nêu cao chính nghĩa diệt Trịnh phò Lê, họ đã nhìn đội quân Tây Sơn như một lũ giặc mọi rợ, gọi xách mé là "man tặc", là lũ "giặc lông đỏ". Trong một bài thơ của mình, Phan Huy Ích gọi quân Tây Sơn là "tặc phong lai" - lũ giặc đến theo hơi gió. Các dòng trí thức lớn đều chiêu mộ hào kiệt "dò hư thực thế nào để tìm cách bắt lấy Huệ". Bùi Dương Lịch ở Nghệ An thấy Nguyễn Thiếp không chịu ra hợp tác với Nguyễn Huệ đã làm thơ ca ngợi. Không phải Nguyễn Huệ không biết điều đó. Theo Hoàng lê nhất thống chí, Nguyễn Huệ hơn một lần khiêm xưng mình là kẻ ở hang núi xa xôi, nhưng trước hàng trăm cặp mắt của những kẻ tự nhận là bậc thức giả quan sát ông, kẻ ở hang núi luôn "coi xét lễ nghi hết sức chu đáo" trong mọi ứng xử với triều đình nhà Lê. Hai lần ra Bắc, Nguyễn Huệ có thừa cơ hội và sức mạnh để nắm lấy quyền thống trị đất nước. Song cả hai lần Nguyễn Huệ đều hành động rất cao thượng, không hề nhân chỗ yếu của người mà làm lợi riêng cho mình, chấp nhận quyền giám quốc của Sùng Nhượng công, kêu gọi cựu thần nhà Lê ra làm việc lại. Ông chủ trương dung nạp rộng rãi những người muốn ra hợp tác, và ông luôn lấy mắt xanh để nhìn kẻ sĩ.
Kể ra bấy giờ dưới trướng ông đã có những kẻ sĩ tài giỏi như Trần Văn Kỷ, Ngô Thế Lân, … nhưng với quan niệm "Dựng nước lấy đạo học làm đầu; cai trị lấy nhân tài làm gốc", ông biết sau những chiến công, nền văn trị mà ông tiến hành rất cần các tài năng lớn. Khi Ngô Thì Nhậm đến ra mắt, Nguyễn Huệ đã nhận ra chân tài từ cái nhìn đầu tiên, ông bảo: "Đây là trời để dành người tài cho ta dùng" rồi ban ngay chức tước xứng đáng, phong Ngô Thì Nhậm làm Tả thị lang bộ Lại, tước Tình phái hầu, lại cho đứng đầu tất thảy quan lại cựu triều. Không riêng Ngô Thì Nhậm, mà với Phan Huy Ích, Nguyễn Bá Lan, Vũ Huy Tấn…, Nguyễn Huệ đều đón nhận và không câu nệ mới cũ. Đối với Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huệ dành một sự biệt đãi khác thường, ba lần gửi thư mời kèm theo lễ trọng, lời thư trước sau một mực thiết tha tôn kính. Nguyễn Thiếp nặng lòng với nhà Lê, ba lần từ chối. Mãi đến khi Lê Chiêu Thống rước quân Thanh về nước, Nguyễn Huệ lên ngôi lấy hiệu Quang Trung rồi xuất binh ra Bắc đánh quân xâm lược, Nguyễn Thiếp mới chịu thừa nhận chính nghĩa Tây Sơn. Khi Nguyễn Huệ dừng ở Nghệ An lấy quân, Nguyễn Thiếp ra gặp Nguyễn Huệ và nói: "Bây giờ trong nước trống không, lòng người tan rã. Quân Thanh ở xa tới đây không biết tình hình quân ta yếu hay mạnh, không hiểu rõ nên đánh nên giữ ra sao. Chúa công ra đi chuyến này, không quá mười ngày, giặc Thanh sẽ bị dẹp tan". Thật ra, với quyết tâm và phương lược đã định để đánh giặc Thanh, dù Nguyễn Thiếp có nói ngược Quang Trung vẫn không đổi chí, song lời bàn ấy khiến ông vô cùng vui mừng coi đây là dấu hiệu tốt đẹp đầu tiên trong quan hệ giữa ông với La Sơn phu tử. Khi chiến thắng trở về, ông đã ghé Nghệ An thăm Nguyễn Thiếp và cảm tạ: "Người xưa có nói: một lời nói mà dấy nổi cơ đồ. Lời tiên sinh quả có thế thật." Quang Trung lại kiên trì thuyết phục nhiều lần nữa, và cuối cùng, dường như sự dịu dàng bền bỉ của nước đã thấm đượm vào từng thớ đá, Nguyễn Thiếp bằng lòng hợp tác, đầu tiên là giúp vua chấm thi, coi đất, rồi nhận lời ra làm viện trưởng viện Sùng Chính. Cần nói thêm rằng Quang Trung lập viện Sùng Chính ở Nghệ An, là ông đã hiểu đối tượng ở những chỗ vi tế nhất. Với một chức vụ thiên về giáo dục hơn là chính trị, mà La Sơn phu tử đã từng dạy học, người ta sẽ không thấy bỡ ngỡ khi ông ra dịch sách hay đào tạo nhân tài, do vậy Nguyễn Thiếp có thể yên tâm làm việc mà không sợ suy giảm thanh danh. Nếu không có tấm lòng rộng rãi, hết mực yêu sĩ chuộng hiền, chắc chắn Quang Trung không thể đưa nhà ẩn sĩ đất La Sơn trở lại với đời, để "hưng khởi chính học", "khiến cho nhân tài có thể thành tựu", "phong tục trở lại tốt đẹp" như ông từng mong muốn.
Hoàng Phủ Ngọc Tường đã rất có lý khi nhận định: "Như thể rằng Nguyễn Huệ đã quên đi sức mạnh sấm sét của mình để sống với người tài bằng một quả tim lớn (…) Nguyễn Huệ đã buộc những người trí thức hoài nghi phải tin theo ông, bằng cách cho họ thấy rằng ông trao cả niềm tin cho họ, không chật hẹp, không dè chừng, không phân biệt".
Khác với Trịnh Sâm dùng người cốt để thỏa mãn quyền giá ngự của mình (Việt sử thông giám cương mục chép: "Sâm tự cậy tài cán, cho rằng trong thiên hạ không việc gì là không thể làm được, trăm quan không người nào là không thể giá ngự được"), Quang Trung - Nguyễn Huệ đối với kẻ sĩ bằng sự chân thành. "Tùy tài mà bổ dụng" đó là chủ trương hết sức sáng suốt của Nguyễn Huệ. Ông tỏ ra nắm chắc khả năng thuộc cấp và tìm ra chỗ bố trí hợp lý nhất để mỗi người có thể phát huy hết khả năng của mình. Đúng như lời ông tuyên bố về Ngô Thì Nhậm: "Đây là người do ta gây dựng lại!", ông đã tái tạo lại cả một tầng lớp nho sĩ, tạo cho họ cơ hội giúp đời.
"Sao tất phải chầu về Bắc thần. Người hiền tất phải do thiên tử sử dụng" - Ngô Thì Nhậm đã viết như thế để mở đầu bài Chiếu cầu hiền. Trong thâm tâm, Ngô Thì Nhậm đã coi vua Quang Trung là một vị vua xứng mặt thiên tử, hơn nữa, thiên tử của người hiền và ông dốc lòng báo đáp: "Đại để vua tôi chủ ở nghĩa, cha con chủ ở ơn, cái luân lý lớn của đạo làm người chỉ là một. Nhưng vua biết tôi, cha biết con, đối với sự cảm kích cái ơn cái nghĩa lại phải thế nào?" (Lời dẫn của Ngô Thì Nhậm trước bài thơ Sóc vọng thị tấu nhạc Thái tổ miếu cung ký).
Có thể nói rằng Quang Trung - Nguyễn Huệ là một lãnh tụ nổi tiếng về có sức cảm hóa và chinh phục được nhiều bậc kỳ tài trong thiên hạ. Khi ông băng hà, không có người đủ tầm vóc kế tục nên những bầy tôi lương đống đã trở thành kẻ bơ vơ. Danh thần Phan Huy Ích đã thốt lên tiếng nấc tận đáy lòng: "Tao tế cơ duyên nan tái đắc/Tòng kim ký lữ nhạn thần cô" (Duyên may gặp gỡ khó có được lần nữa - từ nay ở quê người thần như chiếc nhạn cô đơn).
Sau khi Quang Trung mất, Ngô Thì Nhậm ngẫm lại và thấy rằng đó là một ông vua hiếm có. Đêm đêm lòng quặn đau, ông đã khóc Quang Trung với tấm lòng tri kỷ, ly rượu trên tay ngậm giọt nước mắt của bậc cô thần rơi xuống: "Lệ lạc hàm bôi dạ dạ tâm" (Thơ Ngô Thì Nhậm).
Mãi đến năm 1797, tức là 5 năm sau khi vua Quang Trung từ trần, Ngô Thì Nhậm còn mơ thấy nhà vua về gọi mình bàn việc nước. Ông kính cẩn chép: "Mùa xuân năm Đinh Tỵ, tôi bị ốm nằm mộng thấy Tiên đế ngự ra Bắc thành, tôi hầu thảo chiếu thư. Câu cuối cùng ngự bút chữa là "Trẫm lạc nhân hoàn lưu chính trị" (trẫm xuống cõi đời lưu chính trị), rồi ngoảnh lại bảo tôi: Trẫm thêm bảy chữ, ngươi thấy thế nào? Tôi khấu đầu khen hay" (Lời dẫn của Ngô Thì Nhậm trước bài thơ Khâm vãn Đan Dương lăng). Chết cũng như sống, tình vua tôi vẫn nồng nàn tương đắc. Lòng thương nhớ của Ngô Thì Nhậm đối với Quang Trung thật là mãnh liệt. Song câu chuyện này không chỉ để gửi lòng thương nhớ, cái chính là Ngô Thì Nhậm qua đó ngầm khuyên Cảnh Thịnh đừng để xói mòn nền chính trị mà vua cha đã xây dựng trên cơ sở "chí nhân đại nghĩa", "hậu trạch thâm ân". Ngô Thì Nhậm vô hạn cô đơn khi vị vua chân chính hiểu ông và trọng dụng ông đã mất. Trước Cảnh Thịnh, ông cảm thấy mình là thuyền côi giữa sóng (cô chu), là núi bên trời quạnh quẽ (cô sơn), là thông đứng một mình (cô tùng). Ông quyết định rút khỏi quan trường, đi vào nghiên cứu những huyền bí của cõi thiền.
Nguyễn Thiếp khi hay tin Quang Trung từ trần, đã viết những lời rút ruột trong một tờ biểu gửi về triều, như để nhận lỗi trước vong linh người quá cố: "Trông về quyết đình ở phương Nam thêm thảm thiết khôn xiết… Tấm lòng gắn bó chưa lấy gì bày tỏ được". Những dòng tiếp theo như sự sịch mở của một cánh cửa trầm tịch, mà đằng sau nó là cả một cõi riêng chưa từng hé lộ: "Nay sự ninh lăng đã xong, xin cẩn thận cho tử đệ vào thay, dâng biểu này để bộc bạch tấm lòng thành thật, giải tỏ một phần tấc riêng ngưỡng mộ và đau xót".
Đây là lần đầu Nguyễn Thiếp nói về Quang Trung với tư cách cá nhân. Suốt bao nhiêu năm khuôn mình theo Khổng giáo, Nguyễn Thiếp đã tự đặt mình trong cái ràng buộc của những quan niệm mang tính chuẩn mực, với ý thức mình là kẻ phát ngôn cho đạo lý, cái đạo lý mà ông không biết rằng đã quá lỗi thời và trở thành trở lực của sự phát triển. "Chút mang danh giá báu trên đời", ông luôn nhân danh sĩ phu Bắc Hà khi giao thiệp với Quang Trung, vì vậy ông đã che giấu tình cảm riêng tư, để tiếng nói của mình hợp đạo. Thế rồi Quang Trung mất, ông bàng hoàng nhận ra con người ấy không chỉ từng tồn tại trước ông, mà đã thâm nhập vào tâm hồn ông một cách sâu sắc đến chính ông cũng không ngờ được. Từ lâu, con người ấy luôn cố tìm nơi ông tiếng nói tri âm, nhưng ông quá câu nệ và để lỡ rất nhiều điều. Nỗi ân hận đã buộc ông phải bộc bạch, phải giải tỏ để bớt ray rứt lương tâm.
Khi nhà Tây Sơn mất, những văn thần võ tướng mà Quang Trung từng hiểu và dành cho họ sự trân trọng, không một ai phản bội lại ông. Nguyễn Thiếp quay về cuộc sống ẩn sĩ. Trần Văn Kỷ trốn về quê, Nguyễn Ánh cho quân bắt đến gặp và mời hợp tác, ông xin về thu xếp việc nhà, rồi ngồi thuyền xuôi sông Hương, đến ngả ba Sình gieo mình tự vẫn. Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích cùng nhiều đại thần Tây Sơn bị Gia Long - Nguyễn Ánh hạ ngục rồi đem ra đánh đòn tại Văn miếu; Ngô Thì Nhậm bị đánh đến chết. Đô đốc Tuyết và vợ hy sinh trong trận chống quân Nguyễn tại thành Xương Giang năm 1801. Đặng Văn Long, Nguyễn Văn Lộc, Phan Văn Lân làm thân hạc nội mây ngàn. Võ Văn Dũng quay về Tây Sơn thượng đạo đau đáu một niềm báo phục không thành, ôm hận lên núi Xanh biệt tích. Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân và rất nhiều tướng sĩ Tây Sơn bị Nguyễn Ánh xử cực hình, đã không đổi sắc mặt khi nhận cái chết giữa pháp trường. Nữ tướng Bùi Thị Xuân trước giờ chết đến vẫn hiên ngang đối đáp cùng Nguyễn Ánh. Nguyễn Ánh hỏi: "Ta và Nguyễn Huệ, ai hơn?". Bà đáp: "Tiên đế ta bách chiến bách thắng, hai bàn tay trắng dựng nên cơ đồ, còn nhà ngươi trốn chui trốn nhủi phải cầu viện ngoại bang. Tiên đế ta lấy nhân nghĩa mà đối xử với kẻ thất thế như đã đối xử với Nguyễn Huỳnh Đức, tôi của nhà ngươi; còn nhà ngươi dụng tâm của kẻ tiểu nhân mà đối với những bậc nghĩa liệt hết lòng vì chúa, chẳng nghĩ rằng ai vì chúa nấy. Ngươi sánh với Tiên đế ta sao được?".
Tinh ba tú khí của non sông và mấy nghìn năm văn hiến Việt đã sản sinh ra những con người vĩ đại mà Quang Trung - Nguyễn Huệ là một. Ông là người đã khơi dậy cái nghĩa thâm viễn của những tâm hồn tri âm hạnh ngộ để nó song hành cùng nghĩa vua tôi. Từng văn thần võ tướng dưới triều đại Quang Trung đã có diễm phúc cảm nhận bên cạnh nhịp đập của trái tim họ là nhịp đập trái tim của một lãnh tụ sáng suốt, bao dung và kiệt xuất. Ông là một lãnh tụ chân chính, một người vun trồng nhân cách thời đại bằng trái tim không ngừng thao thức, bằng trí tuệ đổ mồ hôi và bằng sự xác lập nhân cách của bản thân mình. Trong bàn tay ông, không một giá trị nào bị lãng phí. Đó là lý do vì sao ngay cả sau khi ông không còn nữa, hình bóng ông vẫn sống trong trái tim những người cộng sự, để rồi, cùng với sự tỏa sáng nhân cách và khí phách của họ giữa hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, giữa sự lựa chọn khắc nghiệt nhất, họ đã làm ông trở thành bất tử trong trái tim dân tộc.
TRẦN THỊ HUYỀN TRANG |