Hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh phổ thông: Chưa đạt được yêu cầu
15:42', 3/10/ 2004 (GMT+7)

Tuy số học sinh (HS) bỏ học nghề tại các Trung tâm (TT) Kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp dạy nghề (KTTH-HNDN) hiện nay phần nào đã được khống chế, nhưng tình trạng HS bỏ học nghề do chưa xác định được động cơ, mục đích học còn khá phổ biến, mà một trong những nguyên nhân là do các TT chưa thích ứng được với yêu cầu của người học

* Từ chuyện HS không muốn học

Rất ít HS học làm thợ như thế này

Cứ vào đầu tháng 10, các TT KTTH-HNDN sẽ bắt đầu tổ chức khai giảng cho HS lớp 8 (đối với bậc THCS) và lớp 10, 11 (THPT). Tuy nhiên, việc đi học nghề tại TT lâu nay vẫn không hấp dẫn được đa số HS. Một HS lớp 10 Trường Quốc Học Quy Nhơn cho biết: "Em được học nghề tin học nhưng không hứng thú lắm vì đã biết ít nhiều về môn này. Đến TT lại phải nghe giáo viên dạy lại rất mất thời gian. Còn đăng ký học nghề khác thì không được…". Ông Trần Xuân Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Quốc Học Quy Nhơn, giải thích: "Chỉ tiêu của từng nghề đã được TT ấn định xuống trường. Do đó, nhà trường cũng theo đó mà ấn định xuống các lớp nên sẽ có một số HS không được đáp ứng nguyện vọng". Tại sao lại có chuyện đó?

Theo sự tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, các nghề được dạy tại các TT vẫn không được thay đổi mấy so với hơn chục năm về trước. HS nữ thì được học thêu, đan, may, móc, nấu ăn. HS nam học mộc, gò, điện, điện tử, xe máy, vẽ kỹ thuật… Để thích ứng với yêu cầu của xã hội, một vài năm gần đây, các TT đã mở thêm nghề tin học và nghề này đã được phần đông số HS lựa chọn. Tuy nhiên, nếu chỉ dạy tin học thì cơ sở vật chất và đội ngũ GV của các nghề khác sẽ dôi dư. Do đó, TT phải cân đối chỉ tiêu của từng nghề cho các trường để đảm bảo công tác đào tạo và ổn định bộ máy.

Theo quy định, HS có chứng chỉ nghề sẽ được cộng điểm ưu tiên trong thi tốt nghiệp cuối cấp (từ 1-2 điểm) và hầu hết phụ huynh HS được hỏi đều cho rằng, cho con đi học nghề chủ yếu là để được cộng thêm điểm chứ chẳng hy vọng sẽ thành "nghề ngỗng" gì. Đã vậy, theo lời ông Bình, phần lớn HS Quốc Học có học lực tương đối khá cũng không muốn mất nhiều thời gian cho việc học nghề để được cộng điểm.

Vốn đã không hứng thú với việc học nghề lại phải học nghề không đúng với nguyện vọng nên việc HS bỏ học nghề là điều khó tránh khỏi.

* Đến nguy cơ "xóa sổ" của một TT

Hiện nay, toàn tỉnh đã thành lập được 9 TT KTTH-HNDN tại các huyện, thành phố. Riêng TP Quy Nhơn, ngoài TT KTTH-HNDN Quy Nhơn còn có TT tỉnh. Do đó, HS của các trường trên địa bàn được phân vùng để học nghề tại hai TT.

Tại TT KTTH-HNDN Quy Nhơn, cảnh tượng trông vắng vẻ như "chùa bà Đanh". Ông Trần Đình Mỹ, Giám đốc TT thì đang băn khoăn vì "miếng bánh" tuyển sinh đang mất dần mà nguyên nhân là do các trường THCS thuộc vùng tuyển sinh của TT đang có xu hướng giữ HS tại trường để dạy nghề tin học. Việc HS Quy Nhơn không đến TT để học nghề có căn nguyên là từ năm học trước, Sở GD-ĐT đã cho phép Phòng GD-ĐT Quy Nhơn chọn từ 4-5 trường tiểu học và 3-5 trường THCS để tổ chức dạy tin học cho HS để rút kinh nghiệm cho các trường khác vào các năm học tiếp theo. Và theo xu thế này, năm nay, Phòng GD-ĐT Quy Nhơn tiếp tục đề nghị Sở GD-ĐT cho thêm một số trường nữa có điều kiện tổ chức dạy tin học cho HS thay cho học nghề tại các TT. Bên cạnh đó, Phòng GD-ĐT Quy Nhơn cũng khuyến khích tư nhân đầu tư dạy tin học cho HS ở các trường vùng ven như Bùi Thị Xuân, Nhơn Bình….

Bà Trần Thị Kim Cương, chuyên viên phòng GDCN, Sở GD-ĐT giải thích: "Chủ trương của Sở là khuyến khích HS tham gia học tất cả các nghề nhưng do không có văn bản nào bắt buộc HS phải học nghề tại các TT nên cũng khó ngăn cản, bắt buộc". Còn ông Mỹ thì tỏ ra chua xót: "Chỉ riêng nghề tin học, hiện tại TT có 4 phòng máy với 55 máy vi tính và 6 GV tin học. Nếu không tổ chức giảng dạy được sẽ là sự lãng phí rất lớn".

* Làm thế nào bớt sự lệch pha?

Theo số liệu thống kê của Sở GD-ĐT, năm học 2003-2004, toàn tỉnh có 13.231 HS THCS tham gia học nghề tại các TT, đạt tỷ lệ 39,56%; 9.538 HS THPT tham gia học nghề, đạt tỷ lệ 59,47%. Tuy nhiên, một thực tế đặt ra, mục tiêu giáo dục hướng nghiệp - dạy nghề cho HS đã thật sự phát huy hiệu quả?

Để đánh giá điều này, trước tiên cần phải xác định lại chức năng chính của các TT là thông qua dạy nghề để hướng nghiệp cho HS phổ thông chứ không đơn thuần chỉ là dạy nghề. Tuy nhiên, hầu hết các TT đều không làm được vai trò này. Ông Đào Đình Quốc, Giám đốc TT KTTH-HNDN tỉnh, cho biết: "Người làm công tác hướng nghiệp phải có đầu óc tổng hợp và khả năng tư vấn nghề trong khi biên chế ở TT lại không có". Cũng vì chưa làm tốt chức năng này nên lâu nay việc phân luồng HS và làm thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh về việc "làm thầy" hay "làm thợ" rất kém hiệu quả.

Làm sao để HS có đầy đủ thông tin về thế giới nghề nghiệp, thị trường lao động, nắm bắt được tình hình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước và địa phương. Từ đó, nắm bắt được xu hướng của thị trường lao động? Làm sao giúp HS tự đánh giá về năng lực bản thân theo những tiêu chí và yêu cầu nghề nghiệp? Có được như vậy thì các em mới có thể chọn được nghề, chọn hướng học tập đúng với năng lực và phù hợp với xu thế phát triển của địa phương, của đất nước. Bằng không, nếu chỉ dạy cho HS một cái nghề "vu vơ" với mục tiêu giúp các em "biết chút ít về nghề" sẽ không tạo ra hiệu quả thực sự.

. Ngọc Quỳnh

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Niềm vui mới ở làng Cam   (01/10/2004)
Chuyện hai người già nhất tỉnh   (01/10/2004)
Tuổi cao chẳng quản việc công  (01/10/2004)
Cơm công nhân: Ai ăn nấy biết   (30/09/2004)
Phong trào thanh niên tình nguyện: Khơi dậy sức trẻ   (30/09/2004)
Còn sức còn cống hiến   (30/09/2004)
"Vó câu" rong ruổi đường quê  (29/09/2004)
Những đóng góp tích cực góp phần phát triển đời sống KT-XH   (28/09/2004)
Khi cả xã cùng chung sức   (28/09/2004)
Phổ cập giáo dục THCS đã về đích   (27/09/2004)
Trung úy Lê Sinh Ngọc: Thợ sửa chữa vũ khí "tinh" nghề   (27/09/2004)
Những người lính xung kích  (27/09/2004)
Làm cách nào để ngăn chặn tai nạn nổ?   (24/09/2004)
Mùa lân...   (24/09/2004)
Quá tải công chứng và chứng thực: Không chỉ có nhu cầu tăng   (23/09/2004)