Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại (KN) - tố cáo đã được Quốc hội thông qua ngày 1-6-2004 và có hiệu lực thi hành vào ngày 1-10-2004. Bên cạnh những quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước trong việc giải quyết KN, tố cáo của công dân, Luật sửa đổi còn tăng cường, mở rộng quyền dân chủ của nhân dân, cụ thể:
Đối thoại trong giải quyết KN lần đầu là một thủ tục bắt buộc:
Điều 37 của Luật KN, tố cáo được sửa đổi, bổ sung như sau: "Người giải quyết KN lần đầu phải gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người KN, người bị KN để làm rõ nội dung KN, yêu cầu của người KN và hướng giải quyết KN; người giải quyết KN các lần tiếp theo tổ chức việc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người KN, người bị KN khi cần thiết".
Thực tiễn công tác giải quyết KN, tố cáo cho thấy việc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp giữa người KN, người bị KN và người giải quyết KN là hết sức cần thiết, đặc biệt là đối với KN lần đầu. Thông qua việc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp, người giải quyết KN có thể hiểu rõ tính chất, mức độ, nguyên nhân việc KN, yêu cầu, nguyện vọng của người KN từ đó có hướng giải quyết chính xác, kịp thời.
Mặt khác, thực tế công tác giải quyết KN cho thấy, người KN bao giờ cũng có mong muốn được gặp gỡ người giải quyết KN để trình bày nguyện vọng của mình; đồng thời các vụ việc KN nếu được gặp gỡ, đối thoại trước khi ra quyết định thì thường được giải quyết dứt điểm.
Nâng cao vai trò của Tòa hành chính trong giải quyết các khiếu kiện hành chính:
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KN, tố cáo còn nhằm thể chế hóa một bước quan điểm của Đảng về giải quyết khiếu kiện là: "khắc phục tình trạng chồng chéo, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, gây khó khăn, chậm trễ trong công việc và giải quyết khiếu kiện của dân".
Điều 39 của Luật KN, tố cáo được sửa đổi, bổ sung, trong đó quy định: "Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết quy định tại Điều 36 của Luật KN, tố cáo mà KN không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết KN lần đầu mà người KN không đồng ý, thì có quyền KN đến người có thẩm quyền giải quyết KN tiếp theo hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của pháp luật; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn nói trên có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 ngày. Trong trường hợp người KN không đồng ý với quyết định giải quyết KN lần đầu của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác".
Đối với các quyết định giải quyết KN lần đầu của chủ tịch UBND cấp tỉnh liên quan đến quản lý nhà nước về ngành và lĩnh vực thì người KN vẫn có quyền KN lên bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo quy định của Luật KN, tố cáo năm 1998, trừ KN quyết định hành chính về đất đai thì theo quy định của Luật Đất đai.
Với những quy định trên, quyền dân chủ của nhân dân được tăng cường, mở rộng hơn cũng như nâng cao vai trò, trách nhiệm giải quyết KN, tố cáo của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước trong việc giải quyết các KN, tố cáo của nhân dân, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, từ đó hạn chế phát sinh đơn thư KN tồn đọng, kéo dài.
. Phan Trung
|