Hỗ trợ người khuyết tật nghèo và nạn nhân chất độc da cam:
Cần nhiều chiếc "cần câu" hơn nữa
10:31', 6/10/ 2004 (GMT+7)

Tiếp theo giai đoạn 1, giai đoạn 2 của Dự án Hỗ trợ người khuyết tật (NKT) nghèo và nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) Bình Định cũng đã được Hội CTĐ tỉnh triển khai từ tháng 6-2003 và đến nay đã gần về đích.

Một NNCĐDC ở Cát Hiệp (Phù Cát) được Dự án hỗ trợ 6 triệu đồng để xây nhà

Giai đoạn 2 của Dự án Hỗ trợ NKT nghèo và NNCĐDC Bình Định được triển khai tại 6 xã: Nhơn Hưng, Nhơn Khánh (An Nhơn), Cát Hiệp, Cát Minh (Phù Cát), Tam Quan Nam và Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn). Đây là những địa phương có nhiều NKT nghèo và NNCĐDC có cuộc sống vô cùng khó khăn. Họ ốm đau nhưng không có tiền thuốc thang; muốn phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng cũng không có tiền để chi phí; nhà cửa hư hỏng muốn xây dựng lại cũng không được; muốn chăn nuôi, trồng trọt thì không có cây, con giống, không có vốn và thiếu hiểu biết về KHKT… Họ vừa mặc cảm cho thân phận khuyết tật của mình, vừa tủi thân vì nghèo đói.

Trong số hơn 1.000 hộ có NKT ở 6 xã trên, dự án đã chọn 126 hộ có NKT và NNCĐDC có hoàn cảnh cần được giúp đỡ nhất. Ở đây, nỗi đau màu da cam hiện hữu với nhiều cảnh ngộ bệnh tật khác nhau: tâm thần, thiểu năng trí tuệ, ngọng, câm, điếc, mù, liệt, khoèo chân tay, tai biến mạch máu não… Họ rất cần được giúp đỡ để cải thiện cuộc sống, làm nhà, học nghề, chữa bệnh… với những nhu cầu rất cụ thể và thực tế. Gia đình cháu Chu Văn Phú (Nhơn Hưng) muốn đưa cháu đi phẫu thuật để phục hồi chức năng cho 2 chân bị khoèo; anh Huỳnh Văn Huy (Cát Hiệp) bị mù 1 mắt và điếc 1 tai muốn có một chiếc máy trợ thính và học nghề sửa xe máy; chị Phạm Thị Phòng (Cát Minh) bị teo cơ cả 2 chân muốn được hỗ trợ để xây một căn nhà mới; chị Nguyễn Thị Quá (Tam Quan Nam) bị khoèo 2 chân thì muốn một chiếc xe lắc để dễ dàng đi lại, một tủ tạp hóa để buôn bán tại nhà vì chị không thể lao động nặng được... Bao nhiêu hoàn cảnh là bấy nhiêu nhu cầu, ước vọng. Đơn giản là để cho cuộc sống dễ thở hơn, vậy thôi.

Dự án Hỗ trợ NKT nghèo và NNCĐDC Bình Định (do Hội CTĐ Việt Nam và Hội CTĐ Mỹ tài trợ):

* Giai đoạn 1 (2001-2002): Hỗ trợ 205 hộ NKT nghèo và NNCĐDC ở 11 xã thuộc 3 huyện An Nhơn, Phù Cát và Hoài Nhơn. Tổng kinh phí: 500 triệu đồng.

* Giai đoạn 2 (2003-2004): Hỗ trợ 126 hộ NKT nghèo và NNCĐDC ở 6 xã thuộc 3 huyện An Nhơn, Phù Cát và Hoài Nhơn. Tổng kinh phí: 712,5 triệu đồng

Dẫu chưa hết khó khăn nhưng sự hỗ trợ của Dự án đã giúp cho NKT nghèo và NNCĐDC cải thiện một bước về đời sống và sức khỏe. Sau khi nhận được chiếc máy chẻ lác trị giá gần 2 triệu đồng, công việc dệt chiếu của mẹ con chị Trần Thị Mai (Hoài Châu Bắc) đã đỡ nhọc nhằn hơn, cuộc sống cũng được cải thiện nhờ thu nhập khá hơn. Với chiếc máy ép nước mía được Dự án hỗ trợ, cùng với quầy tạp hóa nhỏ của mình, bà Nguyễn Thị Tuyển (Cát Minh) cũng có thêm được 10.000 - 15.000đ/ngày để chăm lo cho con là Trần Thị Bích Hồng bị thiểu năng trí tuệ. Và còn rất nhiều người khác cũng được hỗ trợ như thế, người có nhà mới, người được học nghề, tập huấn nghề, người được cấp xe lăn, máy trợ thính, người được mổ chỉnh hình, phục hồi chức năng...

Ông Đào Duy Chấp - Chủ tịch Hội CTĐ Bình Định, Trưởng Ban điều hành Dự án Hỗ trợ NKT nghèo và NNCĐDC Bình Định - đánh giá: "Nhu cầu của NKT nghèo và NNCĐDC Bình Định là rất lớn và sự hỗ trợ của dự án chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu đó. Tuy nhiên, cái được lớn hơn là ở dự án này, chúng tôi đã tập trung hỗ trợ có trọng điểm cho những nhu cầu cụ thể. Có nghĩa là nếu như ở giai đoạn 1 của dự án, việc hỗ trợ cho NKT nghèo và NNCĐDC mang tính tình thế thì ở giai đoạn này là sự hỗ trợ mang tính phát triển, bền vững, tập trung vào những vấn đề cơ bản như: đời sống, sức khỏe, nghề nghiệp - việc làm".

Mặt khác, dự án này cũng đã góp phần đổi mới nhận thức của đội ngũ cán bộ CTĐ các cấp trong tỉnh, đó là hỗ trợ NKT nghèo và NNCĐDC có trọng điểm, tập trung, nhằm tạo hiệu quả bền vững chứ không hỗ trợ dàn trải, tủn mủn, cho mỗi người một ít. Đơn cử như Đội thanh niên CTĐ xung kích huyện Tây Sơn đã vận động được 10 triệu đồng để hỗ trợ cho một hộ khuyết tật nghèo làm chuồng bò và mua bò nuôi.

Cho NKT nghèo và NNCĐDC một chiếc "cần câu" và hướng dẫn họ "câu", đó là nguyên tắc chung để giúp đỡ người nghèo, người khó khăn một cách hiệu quả. Tuy vậy, mỗi dự án cũng chỉ có thể giúp đỡ được vài trăm NKT nghèo và NNCĐDC, trong khi cả tỉnh đang có đến hơn 14.000 người bị nghi là NNCĐDC và hầu hết đều có cuộc sống rất khó khăn. Trong bối cảnh hiện nay, khi làn sóng ủng hộ, hỗ trợ các NNCĐDC Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ, đó cũng là điều kiện thuận lợi để Bình Định kêu gọi, phát động phong trào xã hội hóa các hoạt động giúp đỡ NNCĐDC.

. Nguyên Sương

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ghi nhận ở một trường dẫn đầu khối THPT toàn tỉnh   (05/10/2004)
Người cựu chiến binh năng nổ   (05/10/2004)
Cuộc sống mới ở Xóm Tiêu   (04/10/2004)
Quyền dân chủ của nhân dân được tăng cường và mở rộng hơn   (04/10/2004)
Hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh phổ thông: Chưa đạt được yêu cầu   (03/10/2004)
Niềm vui mới ở làng Cam   (01/10/2004)
Chuyện hai người già nhất tỉnh   (01/10/2004)
Tuổi cao chẳng quản việc công  (01/10/2004)
Cơm công nhân: Ai ăn nấy biết   (30/09/2004)
Phong trào thanh niên tình nguyện: Khơi dậy sức trẻ   (30/09/2004)
Còn sức còn cống hiến   (30/09/2004)
"Vó câu" rong ruổi đường quê  (29/09/2004)
Những đóng góp tích cực góp phần phát triển đời sống KT-XH   (28/09/2004)
Khi cả xã cùng chung sức   (28/09/2004)
Phổ cập giáo dục THCS đã về đích   (27/09/2004)