Những giải pháp chủ yếu tiếp tục thực hiện NQTƯ 5 (khóa VIII) của Đảng bộ Bình Định
15:29', 6/10/ 2004 (GMT+7)

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Bình Định, qua 5 năm thực hiện NQTƯ 5 (khóa VIII) về "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong tỉnh đã có những chuyển biến tích cực và toàn diện; từng bước xây dựng con người mới vừa mang 5 đức tính được xác định trong NQTƯ 5, vừa mang sắc thái riêng của Bình Định; môi trường văn hóa được xây dựng ngày càng tốt hơn.

Tháp Đôi sau khi được trùng tu

Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" với sự tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã tạo được chuyển biến bước đầu. Sự nghiệp văn học nghệ thuật, báo chí ngày càng mở rộng, tiếp tục phát triển đúng định hướng. Các di sản văn hóa, lịch sử dân tộc được chú trọng bảo tồn, kế thừa và phát huy. Cơ sở vật chất về văn hóa từng bước được tăng cường.

Trên cơ sở nhìn nhận những yếu kém, khuyết điểm và phân tích nguyên nhân, Tỉnh ủy Bình Định đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 10 (khóa IX) về tiếp tục thực hiện NQTƯ 5 (khóa VIII) trong những năm tới. Theo đó, mục tiêu cần phải đạt tới theo Kết luận Hội nghị Trung ương 10 là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ về chất lượng văn hóa. Để thực hiện tốt mục tiêu này, theo Tỉnh ủy Bình Định, cần tập trung vào các giải pháp chủ yếu sau đây:

Nâng cao hiệu quả lãnh đạo của các cấp ủy đảng thực hiện nhiệm vụ văn hóa. Thường xuyên giáo dục, nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, tình hình đất nước, địa phương cho đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, những người làm báo, cán bộ văn hóa; chú trọng công tác phát triển Đảng trong đội ngũ trí thức, những người làm báo, văn nghệ sĩ ưu tú. Nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với lĩnh vực văn hóa, báo chí, xuất bản, tạo điều kiện cho văn hóa, văn học nghệ thuật, báo chí, xuất bản phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, đồng thời đảm bảo quyền tự do, dân chủ cá nhân trong sáng tạo văn hóa, văn học nghệ thuật, báo chí.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ xây dựng con người Bình Định theo 5 đức tính được xác định trong NQTƯ 5 (khóa VIII), đồng thời phát huy phẩm chất nhân văn, thượng võ của người Bình Định đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH-HĐH.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng cơ chế, chính sách, đáp ứng yêu cầu xã hội hóa hoạt động văn hóa nhằm động viên, huy động có hiệu quả sức người, sức của của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức kinh tế-xã hội tham gia xây dựng và phát triển văn hóa. Khuyến khích các tổ chức, tập thể, cá nhân, các thành phần kinh tế tham gia các hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, phục hồi giá trị các sản phẩm văn hóa truyền thống; bảo tồn, phát triển nghệ thuật tuồng, dân ca bài chòi.

Tăng cường quản lý Nhà nước về văn hóa. Nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về văn hóa, báo chí, xuất bản. Xây dựng bổ sung quy chế các giải thưởng của tỉnh, như: Giải thưởng văn hóa-nghệ thuật Xuân Diệu-Đào Tấn, Giải thưởng báo chí tỉnh. Xây dựng mới một số chính sách về văn hóa, văn học nghệ thuật, báo chí. Thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa từ tỉnh đến cơ sở; xây dựng các thiết chế văn hóa ở mỗi xã, phường, thị trấn và thiết chế văn hóa làng, khu phố.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực, trên cơ sở phát hiện, tuyên truyền và nhân rộng các điển hình, nhân tố mới, mô hình mới về văn hóa nhằm phát huy tác dụng mạnh mẽ trong đời sống; đẩy mạnh các phong trào: người tốt việc tốt, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo...

Tăng đầu tư cơ sở vật chất và phương tiện kỹ thuật cho hoạt động văn hóa, báo chí; phấn đấu đến năm 2010 đầu tư cho văn hóa ít nhất đạt 1,8% tổng chi ngân sách địa phương. Huy động các nguồn vốn của Trung ương, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh nhằm đảm bảo kinh phí cho các chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, xây dựng các công trình văn hóa, văn học nghệ thuật đến năm 2010, như: Xây dựng mới Trung tâm văn hóa tỉnh, Bảo tàng tổng hợp tỉnh, Nhà văn hóa lao động, Di tích căn cứ cách mạng Núi Bà, Nhà văn hóa thanh thiếu niên, nhà biểu diễn của Đoàn dân ca bài chòi; tượng đài Quang Trung tại Bảo tàng Quang Trung, tượng đài nghĩa trang liệt sĩ Quy Nhơn, di tích từ đường Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng, biểu tượng địa điểm tập kết ra Bắc 300 ngày đêm (1954-1955) của cán bộ, bộ đội Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Đầu tư xây dựng, nâng cấp các di tích lịch sử, cách mạng và kháng chiến phù hợp với quy mô và tính chất của từng sự kiện như: chiến thắng An Lão, chiến thắng Đồi 10 (Hoài Nhơn), khởi nghĩa Vĩnh Thạnh, nhà tù Phú Tài, Nhà đèn Quy Nhơn, Vụ thảm sát Gò Dài; xây dựng di tích nơi dừng chân của Bác Hồ trước khi vào Nam ở Tây Sơn, Bảo tàng Chăm tại An Nhơn. Quy hoạch chi tiết, phân kỳ và phân cấp đầu tư xây dựng, bảo vệ, trùng tu tôn tạo, chống xuống cấp các di tích khảo cổ học, di tích kiến trúc, nghệ thuật như: các tháp Dương Long, Bình Lâm, Phú Lốc, Thủ Thiện, Tháp Đôi, Tháp Cánh Tiên, Thành Hoàng Đế, Chùa Thập Tháp...

. Khánh Hoàng

                                                             

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cần nhiều chiếc "cần câu" hơn nữa   (06/10/2004)
Ghi nhận ở một trường dẫn đầu khối THPT toàn tỉnh   (05/10/2004)
Người cựu chiến binh năng nổ   (05/10/2004)
Cuộc sống mới ở Xóm Tiêu   (04/10/2004)
Quyền dân chủ của nhân dân được tăng cường và mở rộng hơn   (04/10/2004)
Hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh phổ thông: Chưa đạt được yêu cầu   (03/10/2004)
Niềm vui mới ở làng Cam   (01/10/2004)
Chuyện hai người già nhất tỉnh   (01/10/2004)
Tuổi cao chẳng quản việc công  (01/10/2004)
Cơm công nhân: Ai ăn nấy biết   (30/09/2004)
Phong trào thanh niên tình nguyện: Khơi dậy sức trẻ   (30/09/2004)
Còn sức còn cống hiến   (30/09/2004)
"Vó câu" rong ruổi đường quê  (29/09/2004)
Những đóng góp tích cực góp phần phát triển đời sống KT-XH   (28/09/2004)
Khi cả xã cùng chung sức   (28/09/2004)