Hàng năm đến rằm tháng 8, các cơ quan chức năng, các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và gia đình đều chăm lo tổ chức Trung thu cho trẻ em. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế xã hội, đời sống của nhân dân có khá hơn, nên việc tổ chức Trung thu cho các em cũng rộn ràng và chu đáo hơn.
|
Múa lân mừng Trung thu của các em trường mầm non huyện Tuy Phước |
Tại thị trấn Bồng Sơn và Tuy Phước, Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh phối hợp với huyện Hoài Nhơn và Tuy Phước tổ chức 2 điểm vui Trung thu tập trung cho hơn 1.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (HCKK). Các em tổ chức rước đèn, xem múa lân, văn nghệ, thi hóa trang chú Cuội chị Hằng, thi bày cỗ Trung thu và được lãnh đạo UBND tỉnh cùng các ngành, đoàn thể tặng quà Trung thu.
2 điểm vui Trung thu tập trung nói trên đã để lại nhiều ấn tượng đẹp cho các em và hàng ngàn bậc phụ huynh có mặt chứng kiến. Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh còn tổ chức thăm tặng quà cho 1.000 em mồ côi, khuyết tật và trẻ em nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, mỗi em được nhận quà trị giá 10.000 đồng.
Nét mới của mùa Trung thu năm nay là có một số doanh nghiệp trong tỉnh đã tự liên hệ với các cơ quan chức năng, phối hợp tổ chức Trung thu cho các em như: Trung tâm Thương mại Quy Nhơn phối hợp với Ủy ban DS-GĐ&TE TP. Quy Nhơn tổ chức vui Trung thu cho 300 em có HCKK ở 10 phường nội thành, mỗi em được nhận món quà trung thu trị giá 30.000 đồng. Công ty Bảo hiểm nhân thọ Bình Định phối hợp với Tỉnh Đoàn và Trung tâm Hội chợ - triển lãm tổ chức "Hội trăng rằm" cho 300 trẻ em với số tiền gần 15 triệu đồng. Quỹ bảo trợ trẻ em huyện Phù Cát chi 7 triệu đồng tặng quà cho 350 trẻ em nghèo. Huyện An Nhơn tặng 285 suất quà cho trẻ em khó khăn. Các huyện miền núi tuy còn nhiều khó khăn, nhưng cũng đã chi hàng chục triệu đồng lo Trung thu cho các em.
Tuy nhiên, vẫn còn khá đông trẻ em có HCĐBKK chưa có được một niềm vui Trung thu trọn vẹn, nhất là trẻ em lang thang, trẻ em lao động sớm, một bộ phận trẻ em ở các hộ nghèo thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn trong tỉnh. Đặc biệt, nổi cộm trong mùa Trung thu là tình trạng múa lân bát nháo. Nếu như Trung thu mà không có múa lân, không có tiếng trống thì sẽ rất buồn. Nhưng điều đáng nói ở đây là tình trạng "loạn lân". Nhiều đội lân mới đến 12, 13 tháng 8 âm lịch đã "ra quân" hoạt động náo nhiệt cho đến 16, 17 mới thôi. Có nhiều đội lân vì tranh giành đất làm ăn nên đã xảy ra ẩu đả (nhất là các đội lân lứa tuổi thiếu niên), có đội lân ngang nhiên chặn đầu xe ô tô đang lưu hành trên đường để xin tiền, gây mất trật tự công cộng, mất ý nghĩa Tết Trung thu.
Những năm trước đây, khi mặt trái của cơ chế thị trường chưa tác động đến đời sống xã hội, việc tổ chức múa lân trong các đêm Trung thu thật sự là một nhu cầu của đời sống văn hóa tinh thần, chứ không vụ lợi như bây giờ. Lân dừng lại nhà nào là mang niềm vui đến nhà đó, mọi người trong nhà ai ai cũng vui đón chờ lân, chứ không thấy phiền hà như bây giờ, nhiều nhà mới nghe tiếng trống múa lân đã phải vội ra đóng cửa.
Vì vậy, để có những mùa Trung thu vui và đầy ý nghĩa đối với tuổi thơ, rất cần sự quan tâm chu đáo của người lớn.
. La Ánh |