Những giọt mưa đầu mùa bắt đầu nặng hạt, dòng nước từ các sông Kim Sơn, An Lão đổ dồn xuống dòng Lại Giang ra cửa An Dũ (Hoài Nhơn) mỗi lúc càng dâng cao. Mùa nắng, người dân muốn qua lại con sông phải bắc cầu vỉ; mùa mưa, những chiếc cầu chông chênh này không còn đủ sức chống chọi với dòng nước lũ cuộn xiết nên phải tạm… nghỉ đông. Thay vào những chiếc cầu vỉ là những con đò nan để đưa khách sang sông. Tuy nhiên, có lắm điều đáng ngại từ những bến đò "dã chiến" này.
* Đắm đò
|
Quang cảnh bến đò Thạnh Xuân (Hoài Hương) |
Trong những ngày đầu mùa mưa bão năm nay, khi về một số xã phía đông huyện Hoài Nhơn để tìm hiểu công tác an toàn giao thông đường thủy ở đây, chúng tôi đã nghe người dân địa phương kể lại những tai nạn thật thương tâm. Ngày 12-12-2003, có lẽ là ngày mà người dân ở các xã Hoài Hương, Hoài Hải không thể nào quên được. Chiếc đò máy của Đỗ Trung Kiên (sinh năm 1980) ở xã Hoài Hương có tải trọng không quá 400 kg, nhưng vì chủ quan, Kiên đã chở cùng lúc trên đò đến 30 người đi từ hướng bến đò thôn Thạnh Xuân (Hoài Hương) sang thôn Kim Giao (Hoài Hải). Điều đáng nói là trên chiếc đò máy của Kiên có đến 25 hành khách là học sinh ở xã Hoài Hải sang học ở trường THPT Nguyễn Du (Hoài Hương). Do chở quá tải, khi đến giữa dòng sông bất ngờ gặp gió lốc và nước xoáy, chiếc đò bị đánh lật úp. Toàn bộ hành khách trên đò rơi xuống dòng nước xiết, mặc dù được nhiều người dân ở gần bờ đến cứu nhưng "thủy thần" đã cướp đi mạng sống của 3 người, trong đó có chủ đò. Sau khi vụ tai nạn xảy ra, các cơ quan chức năng mới phát hiện ra rằng, Đỗ Trung Kiên mới vào nghề được… hai mùa lũ, không hề có giấy phép hành nghề và cũng chưa được qua đào tạo lái đò.
Trước đó, vào năm 1991, cũng tại bến đò Thạnh Xuân (Hoài Hương), chiếc đò máy của ông Võ Lai trú tại địa phương chở 20 người chạy ra đến giữa dòng sông thì bất ngờ hỏng máy, bị dòng nước nhấn chìm làm chết 6 người…
* Đến những bến đò đầy bất trắc
|
Đò ngang ở Tân Xuân (Ân Hảo - Hoài Ân) |
Theo khảo sát của chúng tôi, trên hệ thống sông Kim Sơn (Hoài Ân), sông Lại (Hoài Nhơn), sông An Lão, có trên 15 bến đò "tự phát", hoạt động vào mùa mưa bão. Bến đò lớn nhất hiện nay ở Hoài Nhơn có thể kể đến là bến đò Thạnh Xuân (Hoài Hương). Bến này thường xuyên có khoảng 40 chiếc đò nan và 10 chiếc đò máy hoạt động. Những người lái đò chủ yếu là phụ nữ độ tuổi từ 40 đến 55; ngày thường họ làm nghề nông, đan lưới, buôn bán nhỏ, đến mùa mưa lũ họ lại lên đò để mưu sinh. Chị Nguyễn Thị Bảy ở Hoài Hải cho biết, ngày thường chị chủ yếu đan lưới kiếm tiền nuôi hai con ăn học. Mùa mưa bão nghề đan lưới gặp khó khăn nên chị chuyển sang làm nghề lái đò. Hàng ngày, khi trời chưa sáng hẳn, đã thấy dáng chị chông chênh trên con đò nan cũ kỹ để đưa khách sang sông.
Khi chúng tôi đến bến đò Thạnh Xuân, nhìn những chiếc đò nan xếp hàng chờ khách, nhiều người không khỏi e ngại khi bước lên, bởi trên đò không có lấy một chiếc phao cứu sinh hoặc can nhựa nào phòng khi bất trắc. Có được hai người khách là đò có thể xuất bến, nhưng có khi lên tới 15-20 người, lái đò cũng "hân hạnh phục vụ quý khách". Lại một con đò rời bến, nhìn hơn 10 người chông chênh trên chiếc thuyền nan cũ kỹ, con nước xiết mạnh vào mạn thuyền làm chao đảo tay chèo, chúng tôi chợt rùng mình, lo lắng. Đò ra tới giữa dòng, nhìn từ xa chỉ thấy toàn là người, chiếc đò bị sức nặng nhấn chìm gần hết. Không chỉ chở khách, trên đò còn chuyên chở cả xe đạp, xe máy cồng kềnh chiếm hết không gian còn lại. Người đi đò nếu biết chèo thì phụ chèo với chủ, nhưng nếu là khách vãng lai không quen với sông nước thì rất nguy hiểm. Khi chúng tôi đề cập đến việc trang bị phao cứu sinh để phòng khi bất trắc thì hầu như người lái đò nào cũng ngơ ngác và cho rằng từ bao năm nay, họ vẫn chèo đò bình thường, có cần "phao phiếc" gì đâu! Có lẽ vì kém hiểu biết về vấn đề an toàn giao thông đường thủy nên họ không hề quan tâm gì đến công tác bảo đảm an toàn cho hành khách đi đò. Vả lại, nghề lái đò trong mùa mưa bão có thu nhập khá nên họ bất chấp tất cả.
Chị Trần Thị Thu - lái đò ở bến đò Tân Xuân, xã Ân Hảo (Hoài Ân) - cho biết: "Mỗi ngày, một chiếc đò có thể chở được từ 4 - 6 chuyến, thu nhập bình quân từ 40.000 - 60.000 đồng. Tuy biết việc lái đò trong mùa mưa lũ là nguy hiểm nhưng nếu chị em chúng tôi không đưa đò thì ai làm?". Đang trò chuyện với chúng tôi thì có mấy người khách cần qua sông. Chị Thu đón khách rồi cho thuyền quay mũi hướng về bờ bên kia. Chị vươn cánh tay chèo như muốn che chở tính mạng của những người khách trên đò. Nhưng giữa dòng nước xiết, ầm ào những con sóng bạc đầu, cánh tay của chị Thu dường như quá nhỏ bé...
* Ai quản lý các bến đò?
Nhu cầu giao thông đi lại của người dân ở dọc theo các con sông vào mùa mưa lũ là rất lớn, tuy nhiên công tác quản lý các bến đò vẫn còn khá lỏng lẻo. Theo thống kê, mỗi ngày tại bến đò Thạnh Xuân (Hoài Hương) có khoảng 500 lượt người thường xuyên qua lại. Số phận của hành khách đều phó thác vào kinh nghiệm của những người lái đò. Trên các con đò vẫn chưa được trang bị các phương tiện đảm bảo an toàn đường thủy. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay các bến đò trên sông trực thuộc sự quản lý của chính quyền các xã, nhưng hầu như các địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác này. Do đó, liên tục nhiều năm trở lại đây, tai nạn chìm đò, lật đò vẫn thường xuyên xảy ra, gây bao nỗi đau xót cho nhiều gia đình.
Một mùa mưa bão nữa lại đến. Thiết nghĩ, việc tăng cường quản lý chặt chẽ các bến đò là việc làm cần thiết, nhằm tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.
. Nguyễn Hân - Ngọc Oanh
* Ông Lê Xuân Hồng, Chủ tịch UBND xã Hoài Hương: Thực trạng các bến đò trên địa bàn xã Hoài Hương lâu nay là rất bức xúc. Chính quyền địa phương không thể quản lý được vì hầu hết các bến đò này đều hoạt động tự phát, chủ yếu là vào các tháng mưa lũ. Vừa qua, chúng tôi đã phối hợp với lãnh đạo xã Hoài Hải bàn các biện pháp tăng cường quản lý các bến đò. Theo đó, các chủ lái đò phải là nam giới từ 18 tuổi trở lên, có sức khỏe tốt, trên đò phải trang bị các phương tiện cứu sinh thì mới được phép hoạt động. Quy định là thế nhưng thực tế thì rất khó kiểm soát. |