Huyện Vĩnh Thạnh vừa tổ chức Hội thi cán bộ cơ sở "làm dân vận khéo" lần thứ I năm 2004. 7 xã trong huyện được chia làm 7 đội, mỗi đội có 5 thí sinh, trong đó có 15 thí sinh là người dân tộc Ba na đã tham gia hội thi.
Mỗi đội phải trải qua 3 phần thi bắt buộc: lý thuyết, xử lý tình huống và tiểu phẩm. Các đội tham gia đều có sự chuẩn bị chu đáo và kỹ càng cả nội dung và cách thể hiện.
|
Tiểu phẩm "Giác ngộ" của xã Vĩnh Thịnh đạt giải nhì trong Hội thi cán bộ cơ sở Làm dân vận khéo huyện Vĩnh Thạnh lần 1 năm 2004 |
Mặc dù Vĩnh Kim và Vĩnh Hòa nằm trong khu vực lòng hồ Định Bình mới di dời, còn gặp nhiều khó khăn nhưng cả 2 xã đã chuẩn bị rất tốt để tham gia cuộc thi này. Bá Đoàn - Trưởng đoàn xã Vĩnh Kim tâm sự: "Là một xã nằm trong khu vực lòng hồ có 4 làng đã di dời còn 3 làng ở lại, việc gặp gỡ cách trở, khó khăn. Nhưng thực hiện kế hoạch của Ban Dân vận Huyện ủy, chúng tôi đã cố gắng tập luyện, động viên anh em tham gia hội thi".
Ở phần thi lý thuyết và xử lý tình huống, các thí sinh bắt thăm câu hỏi, hội ý và trả lời, thể hiện năng khiếu diễn đạt. Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo nên các thí sinh đều bình tĩnh, tự tin, trả lời rất mạch lạc, lưu loát và đạt điểm khá cao. Những tình huống mà Ban tổ chức đưa ra, các thí sinh đã vận dụng thực tiễn trong công tác dân vận để giải thích, động viên và hướng dẫn hợp tình, hợp lý; tuyên truyền cho người dân nắm được các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật Nhà nước.
Qua hội thi đã giúp cho các thí sinh có dịp giao lưu học hỏi lẫn nhau giữa các đội nhằm nâng cao kiến thức trong công tác dân vận. Đây cũng là một trong những hình thức bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ dân vận, bởi thông qua cuộc thi này, mỗi thí sinh chắt lọc, tìm ra những nội dung hay, phương pháp vận động tốt để vận dụng vào thực tế công việc sau này. Thí sinh Cao Hoài Phúc, đơn vị xã Vĩnh Hảo, tâm sự: "Cuộc thi này giúp cho bản thân tôi cũng như các cán bộ dân vận ở cơ sở nắm bắt những kinh nghiệm để phục vụ tại địa phương được tốt hơn. Và theo tôi, đó cũng là cơ hội nhằm đánh giá công tác dân vận ở cơ sở trong tình hình mới".
Phần thi năng khiếu là phần sôi nổi và hấp dẫn nhất. Mỗi đội trình bày một tiểu phẩm với chủ đề gần gũi với cuộc sống thường ngày như: công tác xóa đói giảm nghèo; nạn mê tín dị đoan; việc gìn giữ tình làng nghĩa xóm; bảo vệ và phát triển rừng... Có nhiều tiểu phẩm được Ban giám khảo đánh giá cao và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong khán giả như: "Vượt lên số phận" của xã Vĩnh Hảo, "Giác ngộ" của xã Vĩnh Thịnh... Hai xã Vĩnh Kim và Vĩnh Hòa đem đến hội thi những tiểu phẩm nói lên sự quyết tâm của đồng bào Ba na xây dựng cuộc sống mới ở khu tái định cư làm cho đời sống ngày càng ổn định, buôn làng ấm no và giàu đẹp. Có đội tuyên truyền dân làng cách làm ăn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư bằng những vần thơ thật dễ hiểu, dễ nhớ như tiểu phẩm "Dân vận khéo" của xã Vĩnh Sơn.
Đánh giá về cuộc thi này, ông Nguyễn Văn Long - Trưởng Ban giám khảo, Phó Ban tổ chức - cho biết: "Hội thi này được các xã chuẩn bị kỹ càng và chu đáo cả nội dung lẫn hình thức thể hiện. Đặc biệt, các đội tổ chức tập luyện tiểu phẩm rất công phu và thể hiện sân khấu rất tốt, tuyên truyền được nhiều nội dung trong một tiểu phẩm".
. Long Vũ |