Quản lý, bảo vệ di sản văn hóa ở Hoài Ân: Những ghi nhận bước đầu
15:57', 11/10/ 2004 (GMT+7)

Vốn là vùng đất có bề dày truyền thống đấu tranh, Hoài Ân có nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và kho tàng văn hóa dân gian của 3 dân tộc anh em Kinh, Ba na, H'rê... Đây là di sản văn hóa quý giá, được địa phương quản lý, bảo vệ, nhưng vẫn còn không ít điều bất cập.

Bia di tích lịch sử được UBND huyện cho xây dựng vào năm 2003, tại nơi giành chính quyền cách mạng Tháng 8-1945

Trong nhiều năm qua, Hoài Ân đã có nhiều cố gắng sưu tầm, bảo quản hơn 300 hiện vật, tài liệu, hình ảnh phản ánh sinh động quá trình đấu tranh anh dũng của nhân dân huyện nhà qua các thời kỳ lịch sử cách mạng. Huyện đã tổ chức kiểm kê, lập danh mục 49 di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng trên địa bàn, từng bước phân loại lập hồ sơ khoa học đề nghị các cấp xếp hạng. Đến nay, đã có 4 di tích được UBND tỉnh xếp hạng, xây dựng bia bảng, biểu tượng và Nhà tưởng niệm; UBND huyện lập kế hoạch xây dựng bia bảng cho 8 di tích. Đặc biệt, ngành Văn hóa - Thông tin huyện đã tổ chức sưu tầm biên soạn các loại hình lễ hội văn hóa dân gian của các dân tộc trong huyện như: Lễ Cốm lúa mới, Lễ Ăn trâu cầu phúc của người Ba na, Lễ Cúng bến nước, Lễ Cưới của dân tộc H'rê, Lễ Cúng đầu năm (cúng Chồm) của người Kinh xã Ân Phong. Nhiều nghệ nhân đã tự tìm tòi, phục hồi nhiều loại nhạc cụ dân tộc, tự tập luyện, nâng cao và truyền dạy cho thanh thiếu niên địa phương. Nhiều làn điệu dân ca, hát ru, kể khan, dân vũ của các dân tộc được sưu tầm, lưu giữ.

Ngoài ra, hàng năm, nhân các dịp lễ, Tết, việc tổ chức triển lãm các hiện vật, tài liệu, hình ảnh qua các thời kỳ cách mạng được các cấp, ngành hưởng ứng; tất cả các di tích cách mạng đã xếp hạng bảo vệ được huyện đầu tư kinh phí xây dựng bia bảng, hợp đồng người chăm coi; đồng thời khuyến khích các cấp, ngành tổ chức các hoạt động "về nguồn", đi tìm "địa chỉ đỏ", tham quan, dã ngoại, nói chuyện truyền thống cho nhiều tầng lớp nhân dân, nhất là cho lực lượng thanh thiếu niên trong huyện. Đặc biệt, các loại hình văn hóa phi vật thể được phát huy có hiệu quả thông qua các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, lễ hội văn hóa - thể thao các dân tộc trong huyện được tổ chức hàng năm... góp phần cho việc giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ.

Tuy nhiên, xã hội hóa công tác gìn giữ, phát huy tác dụng di sản văn hóa ở Hoài Ân cũng còn nhiều khó khăn, trở ngại. Công tác tuyên truyền giáo dục người dân thực hiện Luật Di sản văn hóa chưa được sâu rộng; còn để xảy ra nạn xâm hại di tích, danh lam thắng cảnh. Bên cạnh đó, một bộ phận nhân dân thiếu ý thức tôn trọng di sản văn hóa, vì cái lợi trước mắt đã đem bán hoặc đổi một số bộ chiêng quý, đập phá một số chứng tích để lấy sắt phế liệu đem bán; một số thanh niên thờ ơ với các làn điệu dân ca, dân vũ, không muốn học và không muốn biết đến các loại hình văn hóa dân gian của dân tộc mình. Thêm vào đó, chính quyền các cấp cơ sở ít quan tâm đến công tác gìn giữ, bảo quản, tôn tạo và phát huy di tích, nên qua thời gian, do tác động của thiên nhiên, con người... một số di sản văn hóa trên địa bàn huyện đã xuống cấp.

Thiết nghĩ, để mỗi tên đất, tên làng, mỗi hiện vật bảo tàng, mỗi loại hình văn hóa dân gian của các dân tộc ở Hoài Ân trở thành kho tàng tri thức, là "trang sử sống" cho các thế hệ hôm nay và mai sau học hỏi, vấn đề đặt ra là mỗi cấp, mỗi ngành và nhân dân quan tâm hơn nữa đến việc quản lý, lưu giữ, bảo quản, phát huy di sản văn hóa dân tộc.

. Hà Hoài Ân

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ở một Hội Phụ nữ có phong trào mạnh toàn diện   (11/10/2004)
Một hình thức bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ  (10/10/2004)
Những chuyến đò bất trắc   (08/10/2004)
Vui buồn qua một mùa Trung thu  (08/10/2004)
An Hưng với sáng kiến đưa luật vào hương ước   (07/10/2004)
Bệnh viện đa khoa tỉnh: Trong hành trình vươn lên tầm khu vực  (07/10/2004)
Những giải pháp chủ yếu tiếp tục thực hiện NQTƯ 5 (khóa VIII) của Đảng bộ Bình Định   (06/10/2004)
Cần nhiều chiếc "cần câu" hơn nữa   (06/10/2004)
Ghi nhận ở một trường dẫn đầu khối THPT toàn tỉnh   (05/10/2004)
Người cựu chiến binh năng nổ   (05/10/2004)
Cuộc sống mới ở Xóm Tiêu   (04/10/2004)
Quyền dân chủ của nhân dân được tăng cường và mở rộng hơn   (04/10/2004)
Hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh phổ thông: Chưa đạt được yêu cầu   (03/10/2004)
Niềm vui mới ở làng Cam   (01/10/2004)
Chuyện hai người già nhất tỉnh   (01/10/2004)