Vừa qua, tại TP Quy Nhơn, Liên đoàn Lao động, Sở KH&CN, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh phối hợp tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình trong hoạt động khoa học công nghệ và phong trào lao động sáng tạo toàn tỉnh. Hội nghị đã trao Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng cho 20 cá nhân của tỉnh Bình Định.
|
Cảng Quy Nhơn - nơi có phong trào Lao động sáng tạo hoạt động khá mạnh (ảnh: Cát Hùng) |
Từ năm 1991 đến nay, ở tỉnh Bình Định đã có 192 lượt người được Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam tặng Bằng và Huy hiệu lao động sáng tạo (LĐST), với 1.543 đề tài, giải pháp kỹ thuật có giá trị kinh tế cao và hàng ngàn sáng kiến cải tiến kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất và phục vụ sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Trong đó, qua kết quả của 3 lần tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh, chất lượng của các giải pháp dự thi đã được nâng cao hơn. Các giải pháp được trao giải thưởng trong các lần Hội thi Sáng tạo kỹ thuật của tỉnh, cũng như các giải pháp được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng và Huy hiệu LĐST qua các năm phần lớn là cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao trình độ công nghệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao với chi phí sản xuất thấp.
Tiêu biểu là các giải pháp kỹ thuật như: "Thiết kế, chế tạo máy giặt BDF-50" của Dược sĩ Lê Minh Tấn và các cộng sự thuộc Công ty Dược-trang thiết bị Y tế Bình Định; giải pháp "Thiết kế, chế tạo và phục hồi Rulo ma sát của thiết bị kiểm tra phanh MB 8000" của kỹ sư Võ Bá Trọng và tập thể cán bộ kỹ thuật trạm đăng kiểm 7701 S thuộc Sở Giao thông vận tải Bình Định; đề tài "Kỹ thuật sấy đường 2 cấp" nhằm nâng cao chất lượng đường kính trắng" của kỹ sư Lê Ngọc An, Trưởng phòng kỹ thuật Công ty cổ phần Đường Bình Định; đề tài "Cải tiến phương pháp giảng văn, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học văn" của giáo viên Đỗ Em, Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Quý Đôn; đề tài "Ghi cước tập trung các tổng đài độc lập STAREX ngay tại tổng đài HOST FETEX - 150", của thạc sĩ Võ Văn Hoàng, Phó giám đốc Công ty Điện báo-Điện thoại Bình Định.
Song song với các giải pháp, đề tài kỹ thuật, đề tài về tổ chức quản lý đã xuất hiện nhiều trong những năm gần đây nhằm nâng cao hiệu quả công tác, chẳng hạn như giải pháp "Xây dựng mô hình kinh doanh xổ số kiến thiết Bình Định" của tác giả Dương Thế Đào, Giám đốc Công ty Xổ số kiến thiết.
Ở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, lần đầu tiên đã có mô hình tổ chức quản lý, bước đầu mang lại hiệu quả của tác giả Nguyễn Minh Phương, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Minh Phương.
Cùng với các giải pháp cải tiến và nâng cao trình độ công nghệ của sản xuất, còn có các giải pháp kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác cây trồng, vật nuôi, góp phần chuyển đổi cơ cấu nông, lâm, ngư nghiệp. Đó là giải pháp kỹ thuật "Phân lập và xác định một số đặc tính sinh vật, hóa học và các yếu tố của vi khuẩn Ecoli trong bệnh phù đầu lợn con và biện pháp chữa trị" của Thạc sĩ Phan Trọng Hổ, Giám đốc Trung tâm KHKT vật nuôi tỉnh. Hoặc các giải pháp nâng cao hiệu quả phục vụ, chẩn đoán và phẫu thuật bệnh nhân vẹo gù cột sống của Tiến sĩ Phạm Tỵ, Bệnh viện đa khoa tỉnh v.v...
Cùng với hàng trăm đề tài, hàng ngàn sáng kiến đã được áp dụng, hoạt động khoa học công nghệ và phong trào LĐST ở Bình Định trong những năm qua còn tạo được môi trường tốt để chăm lo đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động.
Có thể khẳng định rằng, trong thử thách của quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý, hoạt động khoa học công nghệ và phong trào LĐST ở Bình Định đã gắn liền với sự tồn tại và phát triển sản xuất kinh doanh trong từng đơn vị, từng doanh nghiệp. Nhận thức được trong cơ chế quản lý mới việc sống còn là phải tự thân vận động; thông qua các hội nghị khoa học, hội nghị chuyên đề, các đơn vị, doanh nghiệp từng bước tiếp cận với cách làm ăn mới, qua đó tạo những bước đi đột phá cần thiết. Trong đó, việc vận động công nhân viên chức và lao động hưởng ứng các hoạt động khoa học công nghệ và phong trào LĐST, góp phần vượt qua những khó khăn, thử thách của cơ chế thị trường, chống nguy cơ đình đốn trong sản xuất, trì trệ trong công tác là nhiệm vụ thường xuyên và trọng tâm của phong trào. Công ty Dược-Trang thiết bị Y tế, Công ty Bia Quy Nhơn, Công ty cổ phần Đường Bình Định, Bệnh viện đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế thành phố Quy Nhơn, Trường THCS Hoài Thanh Tây-Hoài Nhơn, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong-Quy Nhơn, Trường Cao đẳng sư phạm Bình Định, Công ty cổ phần xây lắp điện Tuy Phước, Công ty cổ phần khoáng sản Bình Định... là những doanh nghiệp, đơn vị đạt nhiều kết quả tốt trong phong trào.
Tóm lại, hoạt động khoa học công nghệ và phong trào LĐST ở Bình Định trong những năm qua, trong điều kiện chung là xa các trung tâm nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật đa ngành và chuyên ngành, đã giúp cho nhiều đơn vị, nhiều doanh nghiệp đứng vững trong cơ chế thị trường.
. Khánh Hoàng |