Cùng với việc tăng cường trang thiết bị, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, BVĐK tỉnh đã thu hút ngày càng đông bệnh nhân (BN) đến điều trị. Một bộ phận BN ở đây xuất xứ từ các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi... Với số BN đông như vậy, bệnh viện trở nên quá tải, còn người đi nuôi bệnh trở thành mối lo.
* Bệnh nhân đau một, người nuôi khổ hai
|
Quá tải ở khoa Ngoại thần kinh cột sống BVĐK tỉnh |
Tai BV, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 700 - 750 lượt người đến khám và điều trị. Và cũng xấp xỉ số người như vậy đi nuôi bệnh. Tình trạng, người nuôi BN phải ngủ hành lang, trong những chiếc lều tạm bợ hay trên những chiếc võng dù được treo, móc vội vàng nơi nhành cây, cột nhà… đã trở nên quen thuộc đối với BV. Nơi tập trung lều, võng đông nhất phải kể đến là phía trước khoa Ngoại thần kinh. Giữa một khoảng đất chưa tới 35 m2 chen chúc cảnh người ngồi, nằm la liệt với lỉnh kỉnh chăn, màn, gối chiếu... Khi trời mưa, hầu như những nơi nào có thể trú đều được trưng dụng một cách triệt để.
Vấn đề nấu nướng cũng là một trở ngại lớn. Ngoại trừ số người ăn cơm bình dân trước cổng bệnh viện, phần lớn họ tự tổ chức nấu ngay trong BV. Để nấu được bữa cơm, họ phải "xoay xở" từ việc tìm chỗ nấu, nước sạch, cho đến củi lửa… Chị Nga (đến từ Bình Dương - Phù Mỹ) đi nuôi chồng bị bệnh tại khoa Ngoại Chấn thương - bỏng, nói: "Ban đầu thì tui nấu bằng lò gas mini nhưng thấy tốn kém quá nên chuyển sang nấu củi. Do nấu ngoài trời nên những ngày mưa gió, tui phải tìm nơi khuất".
Giặt giũ, tắm rửa đối với người nuôi bệnh cũng là một nhu cầu đang gặp nhiều bức xúc do hệ thống công trình phụ của BV xuống cấp. Người nuôi BN bạ đâu tắm đó (vì không thể vào buồng tắm BN), trong khi đó nếu tắm ở dịch vụ thì phải mất 2.000 đồng/người. Nhiều người đã phải chọn cách... nhịn tắm trong nhiều ngày liền hoặc đi tắm nhờ nhà người quen. Còn quần áo thì giặt xong đem phơi phóng khắp các dãy nhà trong BV.
Ngoài ra, người đi nuôi bệnh còn phải đối phó với nạn trộm cắp vặt. Anh Nguyễn Sơn Hải - Đội phó đội bảo vệ BV cho biết: "Phổ biến nhất là nạn ăn cắp giày, dép do mấy đứa trẻ ở ngoài vào".
* Giải pháp tình thế
Bác sĩ Võ Xuân Châu - Giám đốc BV cho biết: "Mặc dù BV đã có những quy định cụ thể đối với người nhà BN trong việc thăm, nuôi bệnh. Nhưng chúng tôi không thể cấm họ được, vì nhu cầu cần hỗ trợ giữa người nhà BN và BV là rất cần thiết. Một số người có tiền thì thuê nhà trọ phía trước cổng bệnh viện, nhưng phần lớn họ đều nghèo nên ngại tốn kém; hơn nữa, khi BV cần thì họ lại không có mặt kịp thời".
Để chấn chỉnh hiện trạng này, cuối năm nay BV sẽ đưa vào sử dụng khu nhà trọ có quy mô 40 chỗ ở, giúp người nuôi BN có điều kiện tốt hơn trong thời gian nội trú tại BV. Đây là công trình do tập thể cán bộ, nhân viên BV đóng góp.
Nhưng với số lượng quá đông người nhà BN như hiện nay, xem ra giải pháp này chỉ mang tính tình thế. Còn những vấn đề về an ninh, môi trường, hệ thống công trình phụ… BV vẫn chưa có hướng giải quyết triệt để. Như thế, cũng đồng nghĩa với việc một số đông người nuôi BN vẫn còn tiếp tục tình trạng cũ và bộ mặt của BV cũng sẽ khó cải thiện trong khi BV đang cố gắng phấn đấu để đạt mục tiêu BVĐK khu vực Nam Trung bộ vào năm 2005.
. Quốc Việt
|