Được Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đầu tư kinh phí, từ tháng 1-2003 đến nay, Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức triển khai thực hiện Dự án ngôn ngữ trị liệu cho 150 trẻ em sau phẫu thuật nụ cười còn nói ngọng ở 5 huyện: Tuy Phước, Hoài Ân, An Nhơn, Phù Cát, Hoài Nhơn và TP Quy Nhơn.
|
Trẻ em sứt môi hở hàm ếch đang khám kiểm tra trước khi vào phòng mổ |
Trong những năm qua, Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh đã phối hợp tổ chức trên 10 đợt phẫu thuật cho 1.110 trẻ em bị khe hở môi và vòm miệng. Việc phẫu thuật thẩm mỹ trả lại nụ cười nói trên đã đem lại nhiều niềm vui cho các em và gia đình. Đa số các em sau phẫu thuật sức khỏe phát triển tốt, giọng nói bình thường. Nhưng cũng còn không ít em do phẫu thuật muộn và thói quen phát âm sai từ trước, nên sau phẫu thuật vẫn còn phát âm không bình thường.
Sự mặc cảm về giọng nói đã khiến một số em xa lánh bạn bè, người thân dẫn đến bỏ học, hoặc học kém. Để giúp đỡ các em có điều kiện hòa nhập, trả lại nụ cười trọn vẹn cho các em, Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh phối hợp tổ chức triển khai thực hiện Dự án ngôn ngữ trị liệu, bước đầu dự án tác động đến 150 trẻ em sau phẫu thuật còn nói ngọng. Tham gia dự án có 3 cán bộ điều hành cấp tỉnh, 4 giám sát viên cấp huyện và 25 cộng tác viên là cán bộ chuyên trách DS-GĐ&TE xã, phường, nhân viên y tế thôn, cán bộ hội phụ nữ thôn, xã. Sau hội nghị tập huấn các kỹ năng phát âm cho đội ngũ cộng tác viên, chốt danh sách các em sau phẫu thuật còn nói ngọng và phân công mỗi cộng tác viên chịu trách nhiệm tập luyện cho 6 em, mỗi em được cộng tác viên hướng dẫn tập phát âm trong vòng 12 tháng.
Tuy nhiên, có một số em sau 12 tháng tập luyện vẫn còn phát âm sai do còn lỗ thông vòm miệng hoặc mắc quá nhiều âm lỗi… nên cộng tác viên tiếp tục tập luyện cho các em đến khi có kết quả. Hàng tháng, các giám sát viên đi kiểm tra 3 trẻ của 3 cộng tác viên khác nhau và tổ chức giao ban báo cáo kết quả huấn luyện, giúp đỡ trao đổi chuyên môn.
Song song với công tác huấn luyện cho trẻ, cộng tác viên cũng đã hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình các em cách luyện phát âm, kết hợp với công tác tuyên truyền về các hoạt động của dự án. Có 104/149 gia đình có trẻ tham gia dự án nắm được phương pháp tập luyện phát âm, để tiếp tục tập luyện cho các em khi dự án kết thúc (tỉ lệ 70%). 150 trẻ em khi tham gia dự án có 50 em còn lỗ thông vòm miệng (tỉ lệ 34%), 4 em nghe kém (tỉ lệ 2,7%), 42 em có từ 10 âm lỗi trở lên (tỉ lệ 28%), 108 em đang đi học tỉ lệ 72%. Khi tham gia dự án, 100% số trẻ phát âm không chuẩn, những âm khó các em không phát âm được nên thường bị bạn bè trêu chọc, việc truyền đạt kiến thức giữa cô giáo và học trò gặp rất nhiều khó khăn, các em tiếp thu bài không tốt, thường viết sai chính tả dẫn đến kết quả học tập kém.
Qua tác động của dự án, đến nay có 66 em phát âm bình thường (tỉ lệ 44,3%), 48 em có nhiều tiến bộ về phát âm (tỉ lệ 32,2%), có em lần đầu tiên đã biết hát cho các bạn nghe, nhiều em học tập tiến bộ, tự tin hơn trong giao tiếp và đang dần hòa nhập với cuộc sống như bao trẻ em khác. Tuy nhiên, vẫn còn 35 em chậm tiến bộ về phát âm (tỉ lệ 23,5%) số em này rơi vào các trường hợp còn lỗ thông vòm miệng, gia đình có người mắc khuyết tật giống trẻ, nghe và thiểu năng trí tuệ kém nên không giúp được nhiều cho trẻ, có một vài trường hợp gia đình thiếu quan tâm, thiếu phối hợp với cộng tác viên trong luyện tập. 123 em được đi học bình thường (tỉ lệ 83%), số còn lại do trẻ chưa đến tuổi đi học hoặc do các em bị đa khuyết tật.
Với những kết quả nêu trên, tuy chưa đạt như mong muốn nhưng dự án đã đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho các em và gia đình. Hy vọng, trong thời gian đến Dự án ngôn ngữ trị liệu sẽ tiếp tục được triển khai nhân rộng ra cho các địa phương khác.
. La Ánh
|