Những dịch vụ "ăn theo" mũ bảo hiểm
16:30', 17/10/ 2004 (GMT+7)

Qui định đội mũ bảo hiểm (MBH) đối với người đi xe máy trên những đoạn đường bắt buộc ngày càng thắt chặt thì không chỉ những nhà sản xuất, kinh doanh MBH được dịp phát tài mà còn nhiều dịch vụ khác cũng nở rộ ăn theo. Cho thuê và giữ MBH là một "nghề" đang phổ biến hiện nay ở Bình Định.

* Vượt "chướng ngại vật"

Dịch vụ cho thuê MBH

Chiếc xe chúng tôi đang đi ngon trớn trên đường Tây Sơn (Quy Nhơn) thì bỗng nhiên nghe một tiếng thét bên tai: "Công an kia, nè anh ơi". Lập tức chúng tôi dừng lại ngay trước biển báo buộc đội MBH ở đoạn đường này. Xe vừa dừng, một phụ nữ đã xuất hiện trước mặt với 2 chiếc MBH, mời chào: "Đội MBH đi anh ơi, công an đang đứng đằng kia kìa." Vừa nói xong, chị đặt ngay chiếc mũ trên gương chiếu hậu xe tôi. Sau đó, chị lấy tiếp chiếc MBH để trước giỏ xe đạp đưa cho người bạn ngồi sau. "Vậy à? Bao nhiêu tiền một cái?" - Tôi hỏi. "2.000 đồng, 2 anh đội 2 cái là 4.000 đồng. Em đạp xe qua trước đứng chờ, khi nào qua khỏi "trạm" trả mũ và đưa tiền luôn!" - Nói xong, chị nhảy lên xe, cố đạp nhanh lên trước, không cần biết là tôi có đồng ý thuê không. Lúc này nhìn lại, xung quanh tôi vẫn còn hơn 10 người nữa đang cầm MBH để "tiếp thị", chủ yếu là trẻ em và phụ nữ, và sẵn sàng nhào ra chặn đầu những ai đi xe máy không đội MBH qua đoạn đường này.

Tôi nhẩm tính: 4.000 đồng, quá rẻ so với giá tiền phạt đối với 2 người đi xe máy không đội MBH. Đội chiếc MBH vừa thuê trên đầu, chúng tôi yên tâm tiến thẳng. Quả thật, đi được 500m thì xuất hiện 2 cảnh sát giao thông (CSGT) đang đứng bên lề đường. Đi thêm vài trăm mét, thì xuất hiện người phụ nữ đang đứng đón. Chúng tôi dừng xe lại, đang định tháo MBH ra trả thì bất ngờ xuất hiện 2 CSGT khác đang trờ xe máy tới. "Đi tiếp đi anh, qua kia em lấy." Nói xong, chị ta nhảy lên xe đi tiếp. Xe đang còn nổ máy, sẵn trớn tôi chạy luôn. Đi được một đoạn, chúng tôi dừng lại trả MBH và 4.000 đồng. "8.000 đồng chứ anh". "Sao kỳ vậy, lúc nãy nói 4.000 đồng mà" - bạn tôi phản ứng. "Đấy là giá tụi anh qua một trạm, còn vừa rồi hai anh qua 2 trạm mà." Nói xong, chị chìa tay ra nói: "Cho em xin 8.000 đồng. Nhanh, em còn cho người khác thuê nữa." Nhận được 8.000 đồng, chị "quên" ngay chúng tôi và dõi mắt nhìn ra phía đường xa để tìm "khách hàng" khác. Như vậy, với 8.000 đồng, coi như chúng tôi đã qua được hai "chướng ngại vật".

* Những dịch vụ ăn theo

CSGT lập biên bản phạt những người không đội MBH

Hàng ngày, tại khu vực đường Tây Sơn - nơi các CSGT thường làm điểm chốt để kiểm tra giao thông có khoảng 20 người chuyên cho thuê MBH, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Họ thường xuất hiện ngay sau khi phát hiện CSGT đứng chốt tại nơi này. Phương tiện "hành nghề" của họ ngoài MBH ra còn có thêm xe đạp hoặc xe máy để giao, nhận "hàng". Trẻ em không có phương tiện nhưng bù lại có đôi chân chạy khá nhanh. Chị Liên - người đang "hành nghề" cho thuê MBH tại khu vực này cho biết: "Mỗi ngày tại khu vực này "mấy ổng" đứng chốt khoảng 2 lần, mỗi lần một tiếng. Như vậy nếu đều đều thì mỗi ngày tôi cũng kiếm được 30.000-40.000 đồng từ tiền cho thuê MBH.". "Chị không sợ công an bắt à?" - Tôi hỏi. "Nhiều khi mấy ổng biết là tụi tui cho thuê MBH cho người đi đường qua trạm, mấy ổng cũng la. Nhưng mình làm như vậy đâu có tội tình gì đâu mà sợ mấy ổng bắt, người ta cần MBH thì mình cho thuê chứ mình có ép ai đâu." - Chị đáp lại.

Tuy không nhiều như khu vực đường Tây Sơn, nhưng từ khi việc bắt buộc đội MBH trên những đoạn đường qui định đội MBH trong tỉnh càng thắt chặt, thì hầu hết các nơi có chốt công an đứng kiểm soát đều xuất hiện người cho thuê MBH. Với những nơi CSGT thường xuyên đứng chốt thì xuất hiện nhiều người cho thuê MBH hơn. Một CSGT Công an TP. Quy Nhơn, bức xúc: "Mình biết là không ít những người đi xe máy đã thuê MBH để đối phó qua trạm kiểm soát nhưng không làm gì được vì thực tế khi mình kiểm tra thì họ đang đội MBH trên đầu. Biết là vậy nhưng đành phải chịu thôi. Còn với những người cho thuê MBH thì càng không làm gì được họ vì chưa có quy định nào cho việc làm của họ là vi phạm pháp luật".

Bên cạnh đó, hiện nay còn có khá nhiều người kiếm được không ít tiền từ việc giữ MBH, như một số nhà xe của các bệnh viện trong tỉnh. Bệnh viện đa khoa tỉnh là một ví dụ điển hình. Nhà giữ xe của Bệnh viện tỉnh đã dành hẳn một phòng để làm dịch vụ giữ MBH với giá 500 đồng/MBH, ngang với giá giữ một chiếc xe máy tại nơi này.

Có thể nói rằng, hiện nay thực tế đang tồn tại những dịch vụ ăn theo MBH, nhưng dường như xung quanh những dịch vụ này có điều gì đó bất ổn, đặc biệt những người cho thuê MBH, vì họ là những người trực tiếp "tiếp tay" cho người đi xe máy đối phó với qui định pháp luật.

. Anh Tú

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ngôi nhà của tình đồng đội   (15/10/2004)
Thực hiện dự án ngôn ngữ trị liệu: Niềm hạnh phúc của trẻ em sau phẫu thuật nụ cười   (15/10/2004)
Qua 2 năm rưỡi thực hiện NQ 05-NQ/TU: Nâng tầm công tác thanh niên   (14/10/2004)
Nỗi khổ của người đi nuôi bệnh nhân ở bệnh viện tỉnh   (14/10/2004)
Hội nông dân tỉnh: Hành trình 10 năm tham gia xóa đói giảm nghèo   (13/10/2004)
Nhiều đơn vị, doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn  (12/10/2004)
Thắp lửa truyền thống - thắp sáng niềm tin   (12/10/2004)
Quản lý, bảo vệ di sản văn hóa ở Hoài Ân: Những ghi nhận bước đầu   (11/10/2004)
Ở một Hội Phụ nữ có phong trào mạnh toàn diện   (11/10/2004)
Một hình thức bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ  (10/10/2004)
Những chuyến đò bất trắc   (08/10/2004)
Vui buồn qua một mùa Trung thu  (08/10/2004)
An Hưng với sáng kiến đưa luật vào hương ước   (07/10/2004)
Bệnh viện đa khoa tỉnh: Trong hành trình vươn lên tầm khu vực  (07/10/2004)
Những giải pháp chủ yếu tiếp tục thực hiện NQTƯ 5 (khóa VIII) của Đảng bộ Bình Định   (06/10/2004)