Tiến tới kỷ niệm 50 năm thành lập các Trường học sinh Miền Nam trên đất Bắc:
Những cái tên tình nghĩa
9:44', 18/10/ 2004 (GMT+7)

Danh sách học sinh miền Nam (HSMN) người Bình Định được Bác Hồ, Đảng đưa ra miền Bắc học tập trong những năm đất nước còn trong chiến tranh, có gần một trăm người thuộc các dân tộc ít người Ba na, H'rê, Chăm. Khi ra đi, các anh chị đều là những cậu bé, cô bé nghèo khổ, lam lũ, nhưng ai cũng có một tuổi thơ dữ dội, nhiều người đã biết tham gia kháng chiến trước khi biết cái chữ.

Tàu Kilanhski của Ba Lan chở cán bộ, bộ đội và các cháu thiếu nhi từ miền Nam tập kết ra Bắc sau Hiệp định Giơnevơ 1954

Khi học hành thành đạt trở về quê nhà, các anh, các chị đã đem hết sức lực và trí tuệ của mình một lòng phục vụ bà con lũ làng, phục vụ bà con, quê hương, đất nước mình. Một trong những kỷ niệm sâu sắc trong thời là HSMN mà các anh chị thường nhắc đến là câu chuyện về những cái tên tình nghĩa.

Chị Yang Thị Ngát, một trong những HSMN người dân tộc tập kết ra miền Bắc trong đợt đầu 1954-1955, có 15 năm làm Phó chủ tịch UBND huyện Vân Canh, kể:

Khi ra Bắc, chị được tập trung ở Trường HSMN số 5 - trường nội trú dành riêng cho HSMN các dân tộc ít người. Hầu hết các bạn chỉ biết có tên gọi, chứ không biết năm sinh, tháng đẻ, và vì vậy không thể làm lý lịch nhập học bình thường được.

Lúc đó, được cấp trên cho phép, lãnh đạo nhà trường có "sáng kiến" thành lập một "Hội đồng cha mẹ" làm "giấy khai sinh" cho các em học sinh trong trường. "Hội đồng cha mẹ" gồm nhiều thầy, cô. Đến nay, Ngát vẫn nhớ trong Hội đồng này có thầy Thý - bác sĩ Thý (nguyên là Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh).

Trước hết là việc đặt tên. Hội đồng gọi từng em lên, nói các em kể ra tất cả những cái tên mà cha mẹ thường gọi ở nhà, từ đó, chọn đặt cho mỗi em một tên riêng, không trùng tên với các bạn khác.

Yang Thị Ngát kể với các thầy: Em có ba, bốn tên, nhưng ở nhà thường gọi hai tên là Yang và Ngat (không có dấu sắc). Trên cơ sở đó, Hội đồng thống nhất đặt cho chị tên là Yang Thị Ngát (Ngát - có dấu sắc) và vì là con gái nên phải có chữ lót là "Thị". Tên "Yang Thị Ngát" có từ dạo đó.

Tiếp theo là xác định ngày, tháng, năm sinh. Hội đồng gọi nhiều em lên cùng một lúc và "nhìn mặt đặt tuổi". Trong số đó, thấy em nào có khuôn mặt non non, có vẻ nhỏ hơn các em khác thì cho sinh sau, em nào có vẻ "già sạn" thì "cho" sinh ra trước, được tuổi lớn hơn. Còn ngày sinh cứ lấy các ngày kỷ niệm lớn trong nước mà ghép vào, vừa cho các em dễ nhớ, vừa có nhiều ý nghĩa, nhắc nhở các em cố gắng học giỏi, phấn đấu tốt để xứng đáng với ý nghĩa to lớn đó.

Cũng như nhiều bạn khác, Yang Thị Ngát đã có tên riêng rất hay rồi. Còn tuổi, thấy Ngát có vẻ "trộng trộng" cao lớn, nhỉnh hơn các bạn gái khác, nên được các thầy cô trong Hội đồng "cho" sinh vào năm 1945, còn ngày sinh thì được lấy ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tức là ngày 3-3 (trước đây, ngày thành lập Đảng là ngày 3-3, sau này mới được xác định lại là 3-2). Với tên và tuổi được các thầy cô cha mẹ đặt cho đó, Yang Thị Ngát luôn luôn là một học sinh học giỏi và thường được khen thưởng vì tham gia nhiều hoạt động của nhà trường.

Yang Nheo, người Ba na (Hoài Ân), là một cựu HSMN. Anh ra Bắc năm 1959, học ở Trường Nội trú dân tộc Trung ương với một cái tên đặc sệt người Kinh: Nguyễn Văn Phúc. Cái tên Nguyễn Văn Phúc đã gắn với cuộc đời anh 46 năm qua. Hiện anh là Phó hiệu trưởng Trường Dân tộc nội trú tỉnh.

Cậu bé Yang Nheo có một tuổi thơ sôi nổi, đầy ắp những kỷ niệm khi làm liên lạc cho các chú trong Tỉnh ủy Bình Định. Cậu đã luồn rừng, đi hàng chục cây số, đưa thư, tài liệu và dẫn các chú cách mạng người Kinh đi công tác bí mật trong các vùng dân tộc... Năm 1959, Yang Nheo được các chú chọn đưa ra Bắc học tập cùng với 13 bạn nhỏ người dân tộc của hai huyện Vân Canh và Vĩnh Thạnh.

Yang Nheo kể: "Khi được sinh ra, cha mẹ đặt tên cho mình là Nheo. Qua lễ cúng Giàng, mình mới được gọi là Yang Nheo. Người dân tộc thuở ấy không ai có họ, chỉ được đặt tên theo tục lệ như vậy. Sau này có cách mạng, một số người được vào Đảng mới có họ để khai trong lý lịch, như cha mình cũng chỉ có tên là Ba, sau khi vào Đảng mới có thêm họ Đinh - Đinh Ba".

Yang Nheo còn kể: Khi tập trung 14 bạn nhỏ chuẩn bị đưa ra Bắc, một chú cán bộ nói: Tên các cháu khó đọc, khó nhớ, mà cũng chưa có họ nên chú đặt tên cho dễ đọc, dễ viết, mỗi người một tên, một họ khác nhau. Yang Nheo được chú đặt cho tên là Phúc - Nguyễn Văn Phúc. Các bạn khác cũng có những cái tên rất hay và đều gắn với một họ như là: Trần Hạnh, Nguyễn Thị Thanh Bình, Lê Văn Đấu, Đinh Canh... Tên của chúng mình được ghép lại thành một chuỗi đầy ý nghĩa, đó là: Vĩnh - Thạnh - Vân - Canh - Đấu - Tranh - Thống - Nhất - Tự - Do- Hòa - Bình - Hạnh - Phúc.

Những bạn HSMN người dân tộc rất vui sướng và tự hào được các chú cán bộ cách mạng đặt cho những cái tên tràn đầy ý nghĩa, là một kỷ niệm sâu sắc gắn bó cả tuổi thơ và trong suốt cuộc đời học tập, phấn đấu trong công tác của mỗi người.

. Hơ Linh

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những dịch vụ "ăn theo" mũ bảo hiểm  (17/10/2004)
Ngôi nhà của tình đồng đội   (15/10/2004)
Thực hiện dự án ngôn ngữ trị liệu: Niềm hạnh phúc của trẻ em sau phẫu thuật nụ cười   (15/10/2004)
Qua 2 năm rưỡi thực hiện NQ 05-NQ/TU: Nâng tầm công tác thanh niên   (14/10/2004)
Nỗi khổ của người đi nuôi bệnh nhân ở bệnh viện tỉnh   (14/10/2004)
Hội nông dân tỉnh: Hành trình 10 năm tham gia xóa đói giảm nghèo   (13/10/2004)
Nhiều đơn vị, doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn  (12/10/2004)
Thắp lửa truyền thống - thắp sáng niềm tin   (12/10/2004)
Quản lý, bảo vệ di sản văn hóa ở Hoài Ân: Những ghi nhận bước đầu   (11/10/2004)
Ở một Hội Phụ nữ có phong trào mạnh toàn diện   (11/10/2004)
Một hình thức bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ  (10/10/2004)
Những chuyến đò bất trắc   (08/10/2004)
Vui buồn qua một mùa Trung thu  (08/10/2004)
An Hưng với sáng kiến đưa luật vào hương ước   (07/10/2004)
Bệnh viện đa khoa tỉnh: Trong hành trình vươn lên tầm khu vực  (07/10/2004)