Kể từ năm 1999 đến nay, mỗi năm học có hơn 700 học sinh của Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (Quy Nhơn) phải ngồi học trong tư thế "khòm lưng" vì những bộ bàn ghế ở đây không phù hợp kích cỡ, dù số bàn ghế này là chuẩn quốc tế, còn nhà trường đã được công nhận là trường chuẩn quốc gia. Hầu hết phụ huynh học sinh có con em đang theo học tại trường này đều "phát sốt" vì lo cho sức khỏe của con em mình.
* Bất cập ngay từ đầu
|
Bàn ghế không đúng tầm như thế này lại là chuẩn quốc tế (?) |
Năm 1999, từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản tài trợ, ngành GD-ĐT Bình Định đã xây dựng Trường tiểu học Lý Thường Kiệt thành một ngôi trường khá khang trang và đầy đủ tiện nghi, trong đó được trang bị những bộ bàn ghế theo tiêu chuẩn quốc tế do Công ty tư vấn Quốc tế MATSUDA thiết kế mẫu và đơn vị trực tiếp thi công là Công ty TODA (cả hai đều của Nhật). Nhưng khi đưa vào sử dụng thì những bộ bàn ghế "chuẩn" này lại không phù hợp với tầm vóc học sinh và cũng không khớp với chuẩn của Bộ GD-ĐT đưa ra. Thế là từ đó, học sinh của trường phải chịu "còng lưng" mỗi khi đến lớp, dù phụ huynh học sinh của trường đã nhiều lần kiến nghị xin nâng chiều cao của bàn hoặc thay thế bộ bàn ghế mới cho phù hợp hơn.
Ngay tại buổi lễ khánh thành trường và đưa vào sử dụng (có sự tham dự của đại diện đơn vị tài trợ, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Bình Định và Phòng GD-ĐT TP. Quy Nhơn), Ban giám hiệu nhà trường đã thấy được sự bất cập này và đã có kiến nghị nhưng lúc ấy, đại diện của các bên "giải thích": đó là chuẩn quốc tế, không có lý gì là không phù hợp (?!). Cũng ngay sau khi khánh thành trường, Bộ GD-ĐT đã công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Vậy là, bàn ghế chuẩn quốc tế, trường chuẩn quốc gia nhưng học sinh của trường thì cứ phải khòm lưng khi ngồi học. Thật đúng là khốn khổ vì "chuẩn".
Thấy sự bất hợp lý này kéo dài đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con em mình, năm 2002, các bậc phụ huynh đã đồng loạt kiến nghị nhà trường phải có biện pháp thay thế bàn ghế mới cho phù hợp hoặc phải nâng bàn cao thêm. Đi đầu trong việc này là Chi hội phụ huynh học sinh lớp 3D (nay là lớp 5D), các phụ huynh lớp 3D đã bàn bạc với nhau là tự góp tiền để nâng số bàn trong lớp cao hơn cho đúng tầm với các em. Nhưng những nguyện vọng của các bậc phụ huynh cũng chỉ được Ban giám hiệu nhà trường "tiếp thu và xin ý kiến chỉ đạo của Phòng GD-ĐT TP. Quy Nhơn". Đáng buồn là đến nay, sau 2 năm "xin ý kiến", nhà trường vẫn chưa có câu trả lời cho các bậc phụ huynh hay triển khai các biện pháp khắc phục.
Hiện nay, Trường tiểu học Lý Thường Kiệt có 20 lớp với tổng số 747 học sinh từ lớp 1 cho đến lớp 5. Theo Ban giám hiệu và các thầy cô giáo của trường, số bàn học của khối lớp 4 và 5 nếu đem thay thế cho khối lớp 1 và 2 ngồi học thì lại... vừa tầm với học sinh các khối lớp này. Còn số bàn của khối lớp 1 và 2 phải nâng thêm 0,16 m thì mới phù hợp với học sinh lớp 4 và 5.
Ngày 13-10, ông Nguyễn Trọng Phiệt, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Thường Kiệt, dẫn chúng tôi đi "mục sở thị" các lớp. Tình cờ bước vào lớp 2A, trong giờ học môn Tập viết, chúng tôi nhìn thấy một số em đã ngồi bệt xuống đất để viết, vì nếu ngồi trên ghế thì bàn quá thấp không thể viết được. Một em học sinh nam của lớp 2A ngập ngừng cho biết: "Đến giờ tập viết là em phải ngồi bệt xuống đất, như vậy đỡ phải khòm lưng mà viết lại dễ hơn".
* Cần phải sớm khắc phục
|
Học sinh lớp 2A đang ngồi học trong tư thế khòm lưng vì bàn học quá thấp |
Đến kỳ tổng kết năm học 2003-2004, cũng như ngày họp phụ huynh học sinh đầu năm học 2004-2005 diễn ra ngày 3-10 mới đây, thì sự việc "bàn ghế chuẩn" này lại tiếp tục được đem ra "mổ xẻ". Dù trước đó, ngày 5-8-2004, Ban giám hiệu nhà trường đã làm tờ trình gửi lên Phòng GD-ĐT TP. Quy Nhơn xin nâng chiều cao bàn ghế cho phù hợp với học sinh và nguyện vọng của phụ huynh nhưng vẫn chưa có một ý kiến "hồi âm" nào từ Phòng GD-ĐT. Ông Nguyễn Đồng, Chủ tịch Hội phụ huynh học sinh của trường, bức xúc: "Việc nhỏ như thế mà cứ kéo dài mãi, nếu Phòng GD-ĐT TP. Quy Nhơn không phê duyệt kinh phí để nâng cao bàn cho các em thì phụ huynh chúng tôi sẽ tự bỏ tiền túi ra để cùng nhau nâng bàn ghế cho đúng tầm với các em. Lâu nay các em phải ngồi học trên những bộ bàn ghế có hiệu số chiều cao chênh lệch nhau quá lớn, làm cho các em phải nhìn vào vở rất gần mới đọc và viết được nên nhiều em bị cận thị, ngoài ra các em còn dễ bị lệch cột sống vì khi viết phải nâng vai lên, nghiêng mình qua một bên. Thực tế, hiện nay tỉ lệ học sinh của nhà trường bị cận thị ngày càng nhiều. Tại sao lại phải căn cứ vào cái "chuẩn quốc tế" ở đâu đâu ấy khi nó vừa sai so với chuẩn của Bộ GD-ĐT, vừa không phù hợp với thể chất của các em hôm nay?".
Theo tờ trình mà Ban giám hiệu nhà trường gửi lên Phòng GD-ĐT TP. Quy Nhơn, tổng số kinh phí để nâng cao 200 bộ bàn khoảng 11,5 triệu đồng. Đây là số tiền không lớn nhưng đến nay, Phòng GD-ĐT TP. Quy Nhơn vẫn chưa trả lời dứt khoát. Giải thích việc này, ông Phan Văn Chung, Phó Phòng GD-ĐT TP. Quy Nhơn, cho biết: "Phòng đang cử chuyên viên phụ trách cơ sở vật chất xuống trường để nghiên cứu có nên chắp vá hay trang bị lại bàn ghế mới. Sau đó sẽ xin ý kiến chỉ đạo của Sở GD-ĐT Bình Định, vì đây là trường do Chính phủ Nhật tài trợ".
Lẽ nào chỉ vì "do Chính phủ Nhật tài trợ" mà suốt 5 năm qua, hàng ngàn học sinh của Trường tiểu học Lý Thường Kiệt phải bò lên bàn mà viết và tiếng kêu khẩn thiết của các bậc phụ huynh cứ bị đưa qua đẩy lại? Xin ngành GD-ĐT Bình Định trả lời câu hỏi này.
. Nguyễn Phúc |