Mênh mông… tiền trường
10:20', 19/10/ 2004 (GMT+7)

Có những khoản thu ngoài quy định được một số phụ huynh học sinh (HS) chấp nhận vì phục vụ lợi ích cho chính con em họ. Nhưng cũng có những khoản thu  chỉ mang tính hình thức, phô trương không được họ đồng tình. Nên chăng các trường gộp tất cả các khoản thu lắt nhắt thành khoản thu lớn gọi là "phí" đi học?

* Nỗi lo của con nhà nghèo

Để học sinh có những bộ đồng phục thể dục gọn gàng, thoải mái, phụ huynh học sinh lại phải thêm một khoản mua sắm

Theo sự tìm hiểu của chúng tôi, các khoản tiền trường của HS hiện nay khá đa dạng và tùy thuộc vào mỗi trường, mỗi cấp học. Chị Thảo Vi, một phụ huynh có con học lớp 2, trường tiểu học N. liệt kê các khoản đóng góp cho con ngay đầu năm học mới: tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể: 55.000 đồng; quỹ hội phụ huynh 20.000 đồng; quỹ lớp 50.000 đồng, quỹ khuyến học (tự nguyện) 20.000 đồng; tiền hỗ trợ nhà trường bắt hệ thống nước uống xử lý bằng tia cực tím 60.000 đồng; tiền mua dụng cụ thực hành (đối với HS học chương trình thay sách) 24.000 đồng; tiền kế hoạch nhỏ 5.000 đồng, tiền học bán trú 130.000 đồng… Hai vợ chồng chị đều là cán bộ hưởng lương hành chính sự nghiệp, thu nhập khoảng 1,7 triệu đồng/tháng. Đầu năm học mới, chị đã phải mua sắm cho các con nào là đồng phục, sách giáo khoa, vở, quần áo học thể dục… ngót nghét gần triệu bạc. Bây giờ lại là đủ các khoản tiền trường. Chị tỏ ra chua xót: "Thôi thì, tất cả vì tương lai con em chúng ta vậy!".

Chị Ngọc Hòa, một phụ nữ làm nghề may gia công ở phường Ngô Mây, thu nhập chỉ vỏn vẹn 300.000 - 350.000 đồng/tháng cho biết: "Để chuẩn bị cho con vào năm học mới, khoản bút vở, tôi đã phải mua dần từ mấy tháng trước, sách giáo khoa thì đi xin mấy đứa trẻ trong xóm lên lớp mới bỏ lại, quyển nào thiếu mới mua thêm… tiết kiệm bằng mọi cách rồi mà nhìn vào các khoản đóng góp của các cháu còn thấy... ngộp thở!".

* Trăm dâu đổ đầu tằm

Theo quy định, chỉ có 3 khoản thu được phép thu trong nhà trường, đó là tiền học phí, tiền xây dựng trường và quỹ hội phụ huynh. Một phụ huynh tâm sự: "Tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể nói là tự nguyện nhưng cô giáo lại đứng ra thu…, khoản này thiết thực thôi thì cũng được, song "bực bội" nhất là các khoản thu "ủng hộ" dưới danh nghĩa Hội phụ huynh đứng ra thu. Trước đây, tiền quỹ hội phụ huynh được các trường thu cao và tùy tiện, gây nên sự phản ứng của nhiều người, buộc UBND tỉnh phải ra quy định cho phép thu tối đa 20.000 đồng/HS/năm. Hầu hết các trường đều chấp hành mức thu này nhưng lại nảy sinh một khoản thu khác "bù lại" là quỹ lớp và khoản thu này thường cao hơn quỹ hội." Chị Thúy, nhiều năm giữ chức chi hội trưởng phụ huynh bấm bụng: "Nói là quỹ lớp nhưng chủ yếu là dùng để "quà cáp" cho giáo viên vào các dịp lễ, tết. Thế nhưng, đa số phụ huynh đều rất "nhiệt tình" đóng góp với hy vọng cô giáo sẽ quan tâm đến con em mình hơn".

Có bao nhiêu khoản tiền trường? Thật khó mà kể cho hết, bởi ngay từ khoản thu cho phép như tiền xây dựng trường cũng đã phát sinh nhiều mức theo nhu cầu của mỗi trường. Để xã hội hóa các nguồn lực đầu tư xây dựng trường lớp, UBND tỉnh đã quy định, việc đầu tư xây dựng trường ở thành phố Quy Nhơn được thực hiện theo phương thức "50-50". Có nghĩa, Nhà nước chỉ phải bỏ 50% kinh phí, địa phương phải tự huy động các nguồn kinh phí khác góp thêm 50% vốn xây dựng. Và cách nhanh nhất mà hầu hết các trường, các địa phương đều áp dụng là xin thu tăng tiền xây dựng trường của phụ huynh (được HĐND, UBND thành phố cho phép). Đúng là "trăm dâu đổ đầu tằm".

Anh Sơn, một phụ huynh ở phường Lê Hồng Phong, cho biết: "Tuy đã đóng tiền xây dựng trường nhưng mỗi khi lớp thiếu quạt, phòng học không đủ ánh sáng, bàn ghế HS hư hỏng, cần màn che cửa, cần bảng chống lóa… phụ huynh đều phải góp tiền để trang bị thêm, thật là vô lý!".

* Vĩ thanh

Các khoản thu ngoài quy định phần lớn đều là những khoản thu lắt nhắt. Anh Trang, một phụ huynh tâm sự: "Cháu xin tiền để đóng tiền vệ sinh phí, tiền quỹ Đội…, tôi tán đồng vì nghĩ để con đem chổi đến quét lớp hay nhặt nhạnh giấy loại, mẻ chai… làm "kế hoạch nhỏ" như thời chúng tôi đi học cũng không còn phù hợp nữa rồi!". Cho con đi học là chấp nhận sự tốn kém và hầu hết các bậc phụ huynh đều mong muốn điều kiện học tập ở trường của con em mình ngày một tốt hơn và các trường cũng huy động đóng góp không ngoài lý do này. Một hiệu trưởng của một trường tiểu học ở TP Quy Nhơn cho biết: "Cực chẳng đã mới phải thu ngoài quy định vì người chịu trách nhiệm đầu tiên là hiệu trưởng. Bên cạnh việc đầu tư, quan tâm đến chất lượng giáo dục thì hình thức cũng quan trọng và có sự tác động qua lại. Tâm lý của nhiều người, nhìn vào một trường mà HS ăn mặc nhếch nhác, cơ sở vật chất thiếu thốn thì không ai bảo là trường đó dạy tốt, học tốt được".

Quả thật, đến một trường phổ thông được nhìn thấy HS hồn nhiên, vui tươi trong những bộ đồng phục xinh xắn; giờ thể dục lại thấy các em gọn gàng nhanh nhẹn trong đồng phục thể thao… ai cũng thấy phấn khởi. Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp thì việc một bộ phận phụ huynh HS có điều kiện chia sẻ trách nhiệm với nhà trường là điều có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, đây chỉ là chuyện hoàn toàn tự nguyện, không bắt buộc. Và các trường cũng không nên bày vẽ ra quá nhiều khoản thu kiểu như: may áo ngủ trưa cho HS bán trú, đóng tiền mua bình hoa, khăn trải bàn giáo viên hay HS cuối cấp góp tiền mua ghế đá kỷ niệm lại cho trường… làm giảm sự trong sáng, lành mạnh của môi trường giáo dục.

. Ngọc Quỳnh

 

Ông Trần Văn Quí, Giám đốc Sở GD-ĐT: Sở GD-ĐT đã có công văn đề nghị các Phòng GD-ĐT và các trường THPT trực thuộc chỉ đạo các trường không được thu bất cứ một khoản thu nào của HS trong tháng 9, vì vào đầu năm học, cha mẹ HS đã phải chuẩn bị rất nhiều khoản tiền để mua SGK, vở, áo quần cho HS nên có không ít người gặp nhiều khó khăn; nghiêm cấm các trường thu các khoản ngoài quy định khi chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền. Nếu đơn vị nào tự ý thu làm ảnh hưởng đến ngành GD-ĐT hoặc cha mẹ HS khiếu nại thì hiệu trưởng đơn vị đó chịu trách nhiệm và Sở GD-ĐT sẽ có biện pháp xử lý. Về các khoản đóng góp của phụ huynh nhất thiết phải dùng để chi cho HS, không nên dùng để chi cho các hoạt động của giáo viên cũng như bồi dưỡng, khen thưởng cho giáo viên.

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Học sinh khốn khổ vì... "trường chuẩn"  (18/10/2004)
Những cái tên tình nghĩa   (18/10/2004)
Những dịch vụ "ăn theo" mũ bảo hiểm  (17/10/2004)
Ngôi nhà của tình đồng đội   (15/10/2004)
Thực hiện dự án ngôn ngữ trị liệu: Niềm hạnh phúc của trẻ em sau phẫu thuật nụ cười   (15/10/2004)
Qua 2 năm rưỡi thực hiện NQ 05-NQ/TU: Nâng tầm công tác thanh niên   (14/10/2004)
Nỗi khổ của người đi nuôi bệnh nhân ở bệnh viện tỉnh   (14/10/2004)
Hội nông dân tỉnh: Hành trình 10 năm tham gia xóa đói giảm nghèo   (13/10/2004)
Nhiều đơn vị, doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn  (12/10/2004)
Thắp lửa truyền thống - thắp sáng niềm tin   (12/10/2004)
Quản lý, bảo vệ di sản văn hóa ở Hoài Ân: Những ghi nhận bước đầu   (11/10/2004)
Ở một Hội Phụ nữ có phong trào mạnh toàn diện   (11/10/2004)
Một hình thức bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ  (10/10/2004)
Những chuyến đò bất trắc   (08/10/2004)
Vui buồn qua một mùa Trung thu  (08/10/2004)