27 năm gắn bó với Mầm non
15:57', 20/10/ 2004 (GMT+7)

Đó là cô giáo Trương Thị Biên, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo xã miền núi Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ. So với nhiều đồng nghiệp, chị Biên là người có thâm niên gắn bó với ngành học Mầm non khá dài, 27 năm. Và chừng ấy năm đã trôi qua, thế nhưng khi nhắc về những kỷ niệm trong nghề "gõ đầu trẻ", chị Biên vẫn không quên những kỷ niệm khốn khó khi mới vào nghề.

Chị Biên kể: Năm 1978 chị được địa phương cử đi học chuyên môn 1 tháng ở Bình Dương, sau đó được đi học sơ cấp Mầm non rồi về tham gia giảng dạy. Những năm sau ngày giải phóng, khi đất nước còn khó khăn, chị phải đi vận động các bậc phụ huynh đưa con em đi học rồi mượn nhà dân để tổ chức việc dạy học. Lớp học ngày một đông thì chị mượn các nhà kho của các HTX rồi vận động một số chị em khác đi học chuyên môn về tham gia dạy học cho lũ trẻ trong xã.

Khó khăn là vậy nhưng chị Biên vẫn kiên trì gắn bó với nghề. Thời bao cấp, các cô giáo Mầm non ở đây đi dạy chẳng có lương bổng gì, chỉ được các HTX nông nghiệp trả lương bằng công điểm, đến vụ thu hoạch thì quy ra thóc, nên ngành học Mầm non và đời sống các cô giáo vốn khốn khó lại càng khốn khó thêm.

Chị Biên còn kể với chúng tôi một chuyện đáng nhớ: Những năm thời bao cấp, cuộc sống quá khó khăn nên đã có lúc 13 cô giáo dạy các lớp mầm non ở xã Mỹ Đức đã đồng loạt bỏ nghề, riêng chị thì không. Chị Biên đã chạy vạy đi xin các HTX nông nghiệp mỗi tháng trả cho các cô giáo Mầm non trong xã mỗi tháng 10kg thóc, rồi lại đi vận động các cô giáo và các bậc phụ huynh ra lớp. Vượt lên bao khó khăn của những lo toan cơm áo, gạo, tiền hàng ngày, chị Biên tiếp tục gắn bó với nghề cô nuôi dạy trẻ cho đến tận mãi hôm nay.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Biên cho rằng sở dĩ chị "thủy chung" với nghề như vậy là ngoài lòng yêu nghề, mến trẻ chị còn nhận được rất nhiều sự động viên, giúp đỡ của "ông xã". Vợ chồng chị làm ruộng, công việc đồng áng đầu tắt mặt tối suốt ngày nhưng công việc dạy học rồi một số hoạt động của ngành, của địa phương khiến chị phải đi thường xuyên, thế là tất cả công việc nhà đều dồn lên đôi vai của người chồng. Tuy nhiên, chồng chị chưa bao giờ phàn nàn hay phản đối công việc chị đã chọn và gắn bó, mà cặm cụi gánh vác hết để giúp chị an tâm công tác.

Những nỗ lực không biết mệt mỏi của chị Biên đã góp phần không nhỏ giúp cho ngành học Mầm non của xã Mỹ Đức ngày một khởi sắc. Đến thời điểm này, dẫu còn khó khăn nhưng nhờ được sự quan tâm đầu tư của nhà nước, của chính quyền địa phương và sự hỗ trợ, đóng góp của các bậc phụ huynh, cơ sở vật chất của các điểm Trường Mẫu giáo xã Mỹ Đức đã được xây dựng khang trang hơn, trang thiết bị đồ dùng dạy học, đồ chơi cũng khá hơn trước. Đặc biệt từ năm ngoái đến nay, học sinh mẫu giáo ở xã miền núi Mỹ Đức đã được miễn học phí nên các cháu ra lớp đông hơn. Toàn xã hiện có 7 điểm trường mẫu giáo với 11 lớp và hơn 160 học sinh.

Mặc dù trường lớp mẫu giáo cũng như đội ngũ giáo viên ở Mỹ Đức hiện nay đã có nhiều tiến bộ hơn trước rất nhiều nhưng trong câu chuyện với chúng tôi, chị Biên vẫn luôn trăn trở về 4 phòng học ở các thôn An Giang, Hòa Tân đang xuống cấp nặng nhưng chưa được sửa chữa, đồ dùng đồ chơi của các cháu còn thiếu nhiều; rồi việc chuyển trường Mẫu giáo Mỹ Đức từ hệ dân lập sang hệ công lập đã có chủ trương nhưng sao vẫn chưa thực hiện… Và chị không ngừng mơ ước về một điều kiện dạy và học tốt hơn.

Nghe chị Biên nói về những mong ước mà trong đó chẳng có một mong ước nào cho riêng bản thân chị, chúng tôi mới thấy tấm lòng chị thật đáng quý làm sao. Khi được hỏi về điều gì đã giúp chị vượt lên bao khó khăn của cuộc sống đời thường cũng như những khó khăn chung của ngành học Mầm non để gắn bó với nghề, chị Biên đã lý giải giản dị: Đó là lòng yêu nghề, mến trẻ và nhiệt tình với công việc.

. Xuân Nguyên

           

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Qua phong trào xây dựng nhà tình thương cho phụ nữ nghèo: Ấm áp nghĩa tình  (20/10/2004)
Những ngôi nhà tình nghĩa ở Tuy Phước  (19/10/2004)
Mênh mông… tiền trường   (19/10/2004)
Học sinh khốn khổ vì... "trường chuẩn"  (18/10/2004)
Những cái tên tình nghĩa   (18/10/2004)
Những dịch vụ "ăn theo" mũ bảo hiểm  (17/10/2004)
Ngôi nhà của tình đồng đội   (15/10/2004)
Thực hiện dự án ngôn ngữ trị liệu: Niềm hạnh phúc của trẻ em sau phẫu thuật nụ cười   (15/10/2004)
Qua 2 năm rưỡi thực hiện NQ 05-NQ/TU: Nâng tầm công tác thanh niên   (14/10/2004)
Nỗi khổ của người đi nuôi bệnh nhân ở bệnh viện tỉnh   (14/10/2004)
Hội nông dân tỉnh: Hành trình 10 năm tham gia xóa đói giảm nghèo   (13/10/2004)
Nhiều đơn vị, doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn  (12/10/2004)
Thắp lửa truyền thống - thắp sáng niềm tin   (12/10/2004)
Quản lý, bảo vệ di sản văn hóa ở Hoài Ân: Những ghi nhận bước đầu   (11/10/2004)
Ở một Hội Phụ nữ có phong trào mạnh toàn diện   (11/10/2004)