Vi phạm hành lang an toàn lưới điện: Bao giờ chấm dứt?
10:51', 21/10/ 2004 (GMT+7)

Theo thống kê của Điện lực Bình Định, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 1.584 trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ), trong đó riêng TP. Quy Nhơn có đến 984 trường hợp và đang trở thành điểm nóng về vấn đề này. Tuy nhiên, ngành điện lại không có thẩm quyền trong việc xử lý các trường hợp vi phạm.

* Bất chấp nguy hiểm

Một ngôi nhà trên đường Nguyễn Thái Học đang xây dựng ngay dưới lưới điện 22 KV (ảnh: PX)

Do cuộc sống phát triển, người dân có nhu cầu lớn về nhà ở và các ngôi nhà mới, nhà sửa lại, cơi nới đua nhau xuất hiện. Nhưng khi thi công, một số người lại không quan tâm xem việc xây dựng của mình có vi phạm HLATLĐ hay không. Trên địa bàn TP. Quy Nhơn, các trường hợp vi phạm HLATLĐ chủ yếu tập trung ở các tuyến đường nội thành. Chỉ riêng tuyến đường Trần Hưng Đạo đã không thể... đếm hết số hộ xây dựng nhà ở vi phạm HLATLĐ. Bên cạnh đó có những bảng quảng cáo còn vươn ra chạm cả vào lưới điện. Những hộ vi phạm này khi bị ngành điện phát hiện và lập biên bản, thường họ không đồng ý ký vào biên bản vì lý do "nhà tôi, tôi cứ xây, có gì tôi chịu". Điều đáng sợ là có nhiều nhà hiện nay cố tình xây lấn ban công thêm ra phía ngoài, cách đường dây điện chưa đầy 0,5m.

Đành rằng không phải ai cũng biết rõ những quy định của pháp luật về bảo vệ HLATLĐ, nhưng có những cơ quan biết rất rõ mà vẫn cứ bất chấp. Điển hình như Trường THPT bán công Chu Văn An (phường Nhơn Phú, TP. Quy Nhơn). Năm 2000, trường này được xây dựng ngay dưới... đường dây điện 22 KV đã có từ năm 1977. Sau đó ngành điện đã lập biên bản và đành phải di dời lưới điện cách xa trường để đảm bảo cho tính mạng của thầy cô và học sinh ở đây.

Bản quảng cáo trên đường Trần Hưng Đạo vươn ra sát với lưới điện (ảnh: Văn Lưu)

Ông Trần Văn Nhã, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn bảo hộ lao động (Điện lực Bình Định), cho biết: "Hiện nay ở TP. Quy Nhơn, có nhiều nhà đã và đang xây nằm gần với lưới điện. Nếu đường dây bị hỏng, hoặc sự cố xảy ra có thể phóng điện rất mạnh vào những ngôi nhà này và hậu quả thật khó lường hết được, nhất là vào mùa mưa thì nguy cơ này rất lớn". Mới đây tại ngã ba Ông Thọ (phường Nhơn Bình), một ngôi nhà đang xây vi phạm HLATLĐ, trong lúc leo lên mái nhà lợp tôn, ông Nguyễn Ngọc Sang, một thợ xây, dù chưa chạm vào dây điện nhưng đã bị đường dây 15 KV đang vận hành phóng điện làm bỏng nặng phải nhập viện điều trị cả tháng. Hay vụ làm rơi bảng hiệu quảng cáo tại số nhà 320 Lê Hồng Phong làm cho lưới điện 22 KV bị đứt, rất may là không có thiệt hại về người nhưng lại gây mất điện trong nhiều giờ liền. Dù vậy nhưng đến nay, phối hợp với các cấp, ngành khác trong tỉnh, Điện lực Bình Định mới chỉ mới xử lý được 5 trường hợp vi phạm HLATLĐ.

* Ai xử lý?

Hành lang bảo vệ của đường dây dẫn điện trên không được giới hạn: Đối với điện áp từ 6 KV đến 35 KV thì các công trình xây dựng phải có khoảng cách 3 m đối với dây trần và 2 m dây bọc, đối với điện áp từ 66 KV đến 500 KV thì khoảng cách từ 4- 7 m. (Theo Nghị định 54/1999/NĐ-CP)

Trước tình trạng các trường hợp vi phạm HLATLĐ ngày càng gia tăng như hiện nay, Điện lực Bình Định đã phải nỗ lực rất nhiều trong công tác bảo đảm sự an toàn cho hành lang lưới điện như: Đề ra nhiều biện pháp của ngành nhằm hạn chế đến mức tối thiểu các trường hợp vi phạm phát sinh thêm; phân công từng công nhân trực tiếp quản lý cụ thể các khu vực lưới điện để tăng cường kiểm tra dọc các đường dây điện cao và trung thế nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm; tuyên truyền sâu rộng về bảo vệ HLATLĐ đến mọi người dân.

Theo ông Vương Thái Hòa, Phó giám đốc Điện lực Bình Định, trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh tuy chưa xảy ra trường hợp tai nạn nào dẫn đến tử vong do vi phạm HLATLĐ nhưng tình trạng này ngày càng tăng so với trước đây, trong đó chủ yếu là các trường hợp xây nhà, lắp đặt các bảng quảng cáo, hộp đèn... Ngành điện chỉ là một đơn vị kinh doanh nên không có quyền xử lý các trường hợp vi phạm, do đó tình trạng vi phạm HLATLĐ cứ tiếp tục tăng.

Mặc dù trong Nghị định 54/1999/NĐ-CP đã nêu rõ "Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm HLATLĐ", nhưng hiện công tác này vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Trong khi đó, các trường hợp vi phạm HLATLĐ ở Bình Định ngày càng tăng như một sự thách thức.

. Nguyễn Phúc

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
27 năm gắn bó với Mầm non   (20/10/2004)
Qua phong trào xây dựng nhà tình thương cho phụ nữ nghèo: Ấm áp nghĩa tình  (20/10/2004)
Những ngôi nhà tình nghĩa ở Tuy Phước  (19/10/2004)
Mênh mông… tiền trường   (19/10/2004)
Học sinh khốn khổ vì... "trường chuẩn"  (18/10/2004)
Những cái tên tình nghĩa   (18/10/2004)
Những dịch vụ "ăn theo" mũ bảo hiểm  (17/10/2004)
Ngôi nhà của tình đồng đội   (15/10/2004)
Thực hiện dự án ngôn ngữ trị liệu: Niềm hạnh phúc của trẻ em sau phẫu thuật nụ cười   (15/10/2004)
Qua 2 năm rưỡi thực hiện NQ 05-NQ/TU: Nâng tầm công tác thanh niên   (14/10/2004)
Nỗi khổ của người đi nuôi bệnh nhân ở bệnh viện tỉnh   (14/10/2004)
Hội nông dân tỉnh: Hành trình 10 năm tham gia xóa đói giảm nghèo   (13/10/2004)
Nhiều đơn vị, doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn  (12/10/2004)
Thắp lửa truyền thống - thắp sáng niềm tin   (12/10/2004)
Quản lý, bảo vệ di sản văn hóa ở Hoài Ân: Những ghi nhận bước đầu   (11/10/2004)