Tiến tới kỷ niệm 50 năm thành lập trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc (10.1954-10.2004)
Dòng sông vẫn chảy
11:10', 22/10/ 2004 (GMT+7)

Có một giọng ca ngân mãi trong bộ phim "Dòng đời" của Văn nghệ chủ nhật trên truyền hình như thôi thúc tôi viết về dòng sông vẫn chảy suốt trong tôi từ nhiều năm nay. Tôi nhớ mãi dòng nước mát, sông Đáy, bên Khu trường Học sinh miền Nam Chương Mỹ, Hà Đông.

Cựu HSMN 28 Hà Nam chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập Trường HSMN trên đất Bắc

Dãy núi Trầm xa xa kia, nơi chúng tôi thường leo lên trong những ngày chủ nhật như tập cho tôi những bước chân lên những đỉnh cao gai góc trong suốt cuộc đời mình. Nơi chúng tôi học những năm cấp hai là vùng quê lụa Hà Tây có bãi dâu xanh, có dòng sông Đáy nên thơ. Mới ngày nào chúng tôi bập bõm tập bơi mà nay đã có thể đi ra "biển lớn". Khu trường chúng tôi nằm dưới những vườn cây vải xum xuê trĩu quả. Đất Hà Tây nuôi dưỡng nhiều trường Học sinh miền Nam (HSMN) trên đất Bắc. Tình cảm bao thầy, cô còn đọng lại mãi trong lòng chúng tôi. Những năm tháng đó, đất nước còn chiến tranh, chia làm hai miền và nhiều khó khăn. Dù sao chúng tôi cũng được ưu tiên và được chăm lo trong khi nhân dân miền Bắc là hậu phương, phải tập trung lo cho miền Nam là tiền tuyến lớn. Ở trường, các thầy lo từng quyển vở, các cô lo từng bữa ăn, giấc ngủ. Lũ học trò chúng tôi cũng nghịch phá như mọi đứa trẻ ở tuổi ham chơi. Nhiều khi chúng tôi đi tắm sông, leo núi bắt chim, phá vườn ổi, bãi mía, bãi ngô khiến nhiều thầy, cô cũng mất ăn, mất ngủ vì lo lắng. Ở tập thể, chúng tôi gắn bó với nhau, lúc đói lúc no; vui khi nghe tin chiến thắng ở miền Nam, chia sẻ nỗi buồn khi bạn có người thân bị giặc giết ở quê nhà. Nhiều cha, chú, bác của chúng tôi cùng một số anh chị lớn đã hăng hái lên đường ra mặt trận. Lũ chúng tôi còn bé vẫn tiếp tục học tập vì một ngày mai về xây dựng quê hương.

Có những buổi trưa hè nóng nực, chúng tôi ùm ra sông, đằm mình trong dòng nước mát. Sau một ngày học tập và đùa nghịch, lúc bạn bè đi nghỉ, đánh bài vui chơi thì tôi thường tìm cho mình một chỗ yên tĩnh, có thể dưới cây trụ điện sân trường hoặc một góc nhỏ tự tạo nên góc học tập. Tôi đọc sách, lao vào giải những bài toán khó. Các thầy, cô sưu tầm cho chúng tôi những bài toán hay từ sách tiếng Pháp, tiếng Nga, từng tờ báo "Toán học tuổi trẻ"… Hình ảnh những nhà toán học, những nhà khoa học thôi thúc tuổi trẻ đầy ước mơ. Chiến tranh bắt đầu lan ra miền Bắc, chúng tôi về Trường HSMN Đông Triều, Quảng Ninh. Những cung đường bị đạn bom cày xới, hầm hố mọi nơi. Những ngôi trường núp kín dưới vòm cây. Đường giao thông hào đào trong lớp học ngang dọc như ô bàn cờ. Đội mũ rơm, thắp đèn dầu, chúng tôi quyết tâm học tập. Các thầy cô nâng giấc chúng tôi khi ngủ, chăm lo bữa ăn tuy còn đạm bạc nhưng ấm tình người. Lớp chuyên Toán và các kỳ luyện thi học sinh giỏi vẫn tiếp tục mở cho những trò có năng khiếu, dù chiến tranh vẫn đang rất ác liệt. Với cây bút lá tre, lọ mực tím, chúng tôi kiên trì học tập và không ngại khó. Để giải những bài toán khó, bạn bè có khi phải thức sáng đêm. Nhờ những tháng năm siêng năng chăm chỉ và những tấm lòng thầy cô, bầu bạn mà tôi vượt qua các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và đi thi học sinh giỏi toàn miền Bắc. Mỗi học sinh chúng tôi đều mang trong lòng một ước mơ. Chảy suốt dòng đời là một sự tri ân quê hương đất nước, cội nguồn của những thành công và những nỗi niềm.

Một ngày hè dưới một mái tranh ở ngôi nhà khu sơ tán, thầy Hồ Đình Phương, Hiệu trưởng nhà trường kể về ước mơ của mình cho tôi. Khi rời gia đình đi tập kết, thầy để lại ở miền Nam một người vợ trẻ và đứa con mới 6 tháng tuổi. Thầy đã học xong đại học sư phạm và về với mái trường nội trú HSMN, mong gởi gắm tấm lòng vào chúng tôi, vui với đàn em trẻ cho đỡ nhớ quê nhà. Thầy biết lũ trẻ chúng tôi có đứa còn chưa ngoan, nhưng cảm hóa giáo dục là phương pháp thầy hay làm. Buổi chiều đó, sau khi la rầy tôi về những khuyết điểm cần phải sửa, thầy hướng tu dưỡng cho tôi trong đoạn đường đời sắp tới. Lời khuyên của thầy như người cha đối với những đứa con. Khi tôi về tới khu Hổ Lao, nơi sơ tán thì rất bất ngờ nhận được giấy báo gọi đi học đại học ở Liên Xô. Dù biết tôi còn những hạn chế nhất định nhưng thầy vẫn muốn đưa tôi đi học có ích cho đời sau này. Buổi chiều hôm đó là kỷ niệm tôi mãi mang theo trong lòng. Những đêm tuyết mùa đông xứ lạ, tôi hồi tưởng về quê hương mình, nơi có người mẹ ngóng trông con bao năm, có những thầy cô chắp cánh cho chúng tôi đi.

Sau nhiều năm xa cách miền Nam, năm 1975 theo đoàn quân giải phóng tôi vào Sài Gòn. Bên dàn máy tính điện tử IBM 360/50 tại Trung tâm tính toán Phủ Thủ tướng ngụy số 7 đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn), với những kiến thức đã được học ở Liên Xô, chúng tôi tiếp thu và xử lý nhiều bài toán sau khi giải phóng miền Nam. Những người bạn là cán bộ kỹ thuật cũ còn ở lại cũng khá ngạc nhiên vì chúng tôi tiếp thu được loại máy tính IBM của Mỹ, loại máy này khối XHCN và Liên Xô hồi đó chưa có. Người Việt Nam làm chủ kỹ thuật hiện đại, sử dụng ngay chiến lợi phẩm phục vụ cho đất nước mình. Tôi nhớ đến những ngôi trường, trong đó có cái nôi Trường HSMN trên đất Bắc.

Một buổi sáng cuối tháng 7 vừa qua, tôi và người con trai đầu của mình tìm đến thăm thầy Phương tại Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh). Đứa trò nhỏ ngày nào nay tóc đã pha sương ôm thầy giáo già mà rớm nước mắt. Thầy còn nhớ rất rõ một trò nhỏ, một mầm non năng khiếu cần vun đắp. Đứa con tôi cúi xuống bên thầy, một người Thầy, một người Ông. Dòng sông vẫn tiếp tục chảy mãi.

TP Hồ Chí Minh - Quy Nhơn, tháng 9-2004

. Nguyễn Ngọc Điểm

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Sử dụng điện thoại di động ngày càng phổ biến  (21/10/2004)
Vi phạm hành lang an toàn lưới điện: Bao giờ chấm dứt?   (21/10/2004)
27 năm gắn bó với Mầm non   (20/10/2004)
Qua phong trào xây dựng nhà tình thương cho phụ nữ nghèo: Ấm áp nghĩa tình  (20/10/2004)
Những ngôi nhà tình nghĩa ở Tuy Phước  (19/10/2004)
Mênh mông… tiền trường   (19/10/2004)
Học sinh khốn khổ vì... "trường chuẩn"  (18/10/2004)
Những cái tên tình nghĩa   (18/10/2004)
Những dịch vụ "ăn theo" mũ bảo hiểm  (17/10/2004)
Ngôi nhà của tình đồng đội   (15/10/2004)
Thực hiện dự án ngôn ngữ trị liệu: Niềm hạnh phúc của trẻ em sau phẫu thuật nụ cười   (15/10/2004)
Qua 2 năm rưỡi thực hiện NQ 05-NQ/TU: Nâng tầm công tác thanh niên   (14/10/2004)
Nỗi khổ của người đi nuôi bệnh nhân ở bệnh viện tỉnh   (14/10/2004)
Hội nông dân tỉnh: Hành trình 10 năm tham gia xóa đói giảm nghèo   (13/10/2004)
Nhiều đơn vị, doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn  (12/10/2004)