Chất độc da cam và nỗi đau của những trẻ thơ
12:16', 25/10/ 2004 (GMT+7)

Theo số liệu điều tra chưa chính thức của Hội Chữ thập đỏ Bình Định, hiện nay cả tỉnh có 16.046 trường hợp nhiễm chất độc màu da cam/dioxin, trong đó có đến 2.690 trường hợp là trẻ em. Những đứa trẻ ngây thơ này dù sinh ra sau chiến tranh hàng chục năm nhưng chất độc da cam (CĐDC) đã ngấm vào máu các em từ khi còn nằm trong bụng mẹ.

* Những mảnh đời bất hạnh

Em Nguyễn Hữu Trung, bị nhiễm CĐDC từ khi còn trong bụng mẹ (ảnh Trang Xuân Chi)

Chúng tôi đến thôn Thuận Đức, xã Nhơn Mỹ (An Nhơn), gặp cháu Nguyễn Hữu Trung, con của anh Nguyễn Minh và chị Vũ Thị Thìn, từ khi sinh ra cho đến giờ toàn thân luôn mềm nhũn, phải nằm một chỗ và gần như vô thức. Trung đã 7 tuổi nhưng cân nặng chỉ có 7 kg. Thấy có khách lạ đến nhà, cháu Trung ngước mặt lên nhìn một cánh ngây ngô. Anh Minh cũng không hiểu sao đứa con mình lại bị "tật nguyền" như thế. Chỉ mới đây, khi đoàn công tác của Hội Chữ thập đỏ Bình Định về xã đến thăm và khám cho bệnh cháu Trung thì gia đình mới biết là cháu bị nhiễm CĐDC. Theo lời của chị Thìn, có lẽ chị đã bị nhiễm CĐDC từ khi chị chưa lập gia đình. Ngày đó chị cùng gia đình đã khai hoang ở những khu vực trước kia là bãi chiến trường. Mặc dù cháu Trung bị bệnh trong thời gian dài như thế, nhưng để chạy chữa thì gia đình không có tiền. Anh Minh tâm sự: "Nhà quá nghèo, hai vợ chồng đi làm thuê mỗi ngày góp được 20.000 đồng tiền công chỉ đủ ăn, nhà cửa còn phải ở nhờ nhà của ba mẹ thì lấy đâu ra tiền để chữa trị cho cháu".

Một hoàn cảnh thương tâm khác là gia đình chị Đặng Thị Cúc, ở thôn Tân An, xã An Tân (An Lão). Hai đứa con gái của chị, đứa lớn 12 tuổi, đứa nhỏ 10 tuổi cùng bị nhiễm CĐDC nên bị suy tủy, không sản sinh hồng cầu. Muốn duy trì mạng sống, hàng tháng 2 cháu phải được tiếp máu. Vì vậy, từ 10 năm nay chị Cúc và gia đình phải liên tục đưa hai cháu đi bệnh viện để truyền máu và điều trị. Giờ thì tài sản của gia đình chị đã cạn kiệt vì lo chữa chạy cho hai cháu, chỉ còn trông chờ vào tấm lòng từ thiện của các tổ chức và cá nhân.

"May mắn" hơn nhiều đứa trẻ bị nhiễm CĐDC khác là em Nguyễn Thành Tật, 15 tuổi, ở xã Nhơn Khánh (An Nhơn). Lúc mới sinh, Tật đã bị cụt một tay và một chân, có lẽ vì thế nên cha mẹ Tật đã đặt tên là Thành Tật, nhưng đầu óc của Tật lại "lành lặn" hoàn toàn. Hiện nay Tật đang học lớp 9 Trường THCS Nhơn Khánh và nhiều năm liền là học sinh giỏi của trường.

Trên đây chỉ là vài trường hợp mà chúng tôi đã gặp. Còn biết bao những đứa trẻ bị nhiễm CĐDC khác ở Bình Định với những hình hài dị dạng và trí óc không phát triển, mà mỗi em là một câu chuyện đau lòng.

* Cùng chia sẻ nỗi đau

Em Nguyễn Thành Tật, dù bị khuyết tật do nhiễm CĐDC nhưng vẫn vươn lên học giỏi (ảnh: Trang Xuân Chi)

Bình Định là một trong những tỉnh bị rải chất độc hóa học nhiều trong chiến tranh, đứng thứ 3 cả nước về số phi vụ mà Mỹ đã rải chất độc hóa học (558 phi vụ). Hiện nay, một số vùng vẫn còn bị ảnh hưởng nặng của các chất hóa học này như sân bay Phù Cát, khu An Sơn (xã Phước Thành, huyện Tuy Phước), dọc theo Núi Bà (Phù Cát), Suối Bọng (phường Bùi Thị Xuân, TP. Quy Nhơn)... Không những người dân sống gần khu vực này bị trực tiếp nhiễm CĐDC mà chất độc ác nghiệt đó còn tiếp tục di truyền qua thế hệ con, cháu của họ.

Trong những năm qua các cấp, ngành chức năng trong tỉnh cũng như các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước đã phối hợp triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm giúp trẻ em bị tàn tật, khuyết tật do ảnh hưởng CĐDC có điều kiện hòa nhập cộng đồng. Đã có hàng trăm trẻ em được phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch và phục hồi chức năng do bị bại liệt; được cấp phát xe lăn miễn phí. Hàng năm, các em được hỗ trợ tiền tàu xe đi lại, cấp phát thuốc và nhận được quà tặng trong dịp lễ, tết. Nhưng đó chỉ là con số nhỏ. Bởi số trẻ em bị tàn tật, khuyết tật còn quá đông, đa số lại rơi vào các gia đình khó khăn và vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Ông Phan Như Hải, Phó giám đốc Sở LĐ- TBXH Bình Định, cho biết: "Theo điều tra từ năm 1999, cả tỉnh có 2.690 trẻ em bị nhiễm CĐDC nhưng chỉ có 659 em được hưởng chế độ hàng tháng theo hai mức 85.000 đồng/em/tháng và 170.000 đồng/em/tháng. Bởi theo qui định của Chính phủ, các em bị nhiễm CĐDC được hưởng chế độ hàng tháng phải là con em của các gia đình có công tham gia kháng chiến. Mới đây, Chính phủ ban hành thêm một quyết định mới, bổ sung các trường hợp được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng là gia đình có từ hai người bị nhiễm CĐDC và thuộc diện khó khăn".

Như vậy, sẽ có thêm những nạn nhân CĐDC được hưởng chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên khoản trợ cấp ít ỏi đó chỉ đủ giải quyết phần nào những khó khăn trước mắt của các nạn nhân CĐDC. Về lâu dài, họ rất cần sự san sẻ của cả cộng đồng. Nỗi đau sau chiến tranh là nỗi đau không của riêng ai. Chia sẻ và góp phần làm vơi bớt nỗi đau đó là trách nhiệm của mỗi người chúng ta hôm nay.

. Nguyễn Phúc

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tam Quan Bắc: Xây dựng tủ sách pháp luật đến tận thôn   (22/10/2004)
Dòng sông vẫn chảy  (22/10/2004)
Sử dụng điện thoại di động ngày càng phổ biến  (22/10/2004)
Vi phạm hành lang an toàn lưới điện: Bao giờ chấm dứt?   (21/10/2004)
27 năm gắn bó với Mầm non   (20/10/2004)
Qua phong trào xây dựng nhà tình thương cho phụ nữ nghèo: Ấm áp nghĩa tình  (20/10/2004)
Những ngôi nhà tình nghĩa ở Tuy Phước  (19/10/2004)
Mênh mông… tiền trường   (19/10/2004)
Học sinh khốn khổ vì... "trường chuẩn"  (18/10/2004)
Những cái tên tình nghĩa   (18/10/2004)
Những dịch vụ "ăn theo" mũ bảo hiểm  (17/10/2004)
Ngôi nhà của tình đồng đội   (15/10/2004)
Thực hiện dự án ngôn ngữ trị liệu: Niềm hạnh phúc của trẻ em sau phẫu thuật nụ cười   (15/10/2004)
Qua 2 năm rưỡi thực hiện NQ 05-NQ/TU: Nâng tầm công tác thanh niên   (14/10/2004)
Nỗi khổ của người đi nuôi bệnh nhân ở bệnh viện tỉnh   (14/10/2004)