Tiến tới Kỷ niệm 50 năm thành lập các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc (10-1954 - 10-2004)
Gặp lại thầy Hiệu trưởng Trường HSMN cấp III đầu tiên trên đất Bắc
11:52', 26/10/ 2004 (GMT+7)

Tháng 11-1996, tôi được vinh dự là một trong gần 300 đại biểu toàn quốc tham dự buổi "Gặp mặt truyền thống trọng thể các thế hệ nhà giáo Việt Nam" tại Quốc Tử Giám - Hà Nội do Bộ GD-ĐT tổ chức. Tại đây, tôi có dịp được gặp lại thầy Hiệu Trưởng Trường HSMN cấp III số 24, đó là thầy Lê Phú Lộc, nhà giáo ưu tú.

Thầy Hiệu trưởng, NGƯT Lê Phú Lộc (người đầu tiên, bên trái)

Bốn mươi năm trôi qua, với biết bao kỷ niệm sâu sắc và tốt đẹp về Trường HSMN, giờ đây tôi được gặp lại thầy. Tôi dễ nhận ra thầy vì thầy không khác xưa mấy. Vẫn nét mặt đăm chiêu, nghiêm nghị song rất hiền từ nhân ái, thầy bắt tay tôi và hỏi thăm công việc, bạn bè HSMN cùng lớp trước nay ở đâu, ra sao. Thầy trò chúng tôi chụp ảnh lưu niệm trước lăng các vị tiến sĩ tiền bối của Việt Nam tại Quốc Tử Giám, lòng tràn đầy xúc động khi nhớ lại những kỷ niệm xưa…

Cuối tháng 11-1954, tôi tập kết ra miền Bắc theo tiêu chuẩn con cán bộ trên chuyến tàu thủy Na Uy đến cửa Hội An, tỉnh Nghệ An. Sau ba ngày say sóng, lênh đênh trên biển cả, chúng tôi được đồng bào miền Bắc tiếp đón nồng hậu, được bố trí chỗ ở tươm tất, ăn uống đầy đủ và được cấp phát áo quần, chăn màn, được lĩnh áo len, áo ấm Trung Quốc với đủ các loại màu sắc đẹp đẽ. Thời gian này, thời tiết miền Bắc lạnh cóng. Chúng tôi ăn Tết Ất Mùi. Tuy xa nhà, xa cha mẹ, song được đồng bào miền Bắc đùm bọc, chăm sóc tận tình, lo sắm đủ mọi thứ, được ăn bánh chưng xanh, dưa hành là những đặc sản lần đầu chúng tôi mới biết. Giao thừa, chúng tôi còn được tập trung múa hát, nghe anh phụ trách chúc tết và xem đốt cây pháo hoa.

Năm học 1955-1956, một bộ phận Trường HSMN số 8 ở Dương Liễu, Hà Đông được tách ra, thành lập Trường HSMN số 24 với gần 600 học sinh nam và chuyển về Thượng Cát, Đan Phượng, Hà Đông. Đây là một làng quê nhiều ao, hồ nằm dọc theo con đê sông Hồng, cách Hà Nội chừng vài chục cây số.

Tôi học ở Thượng Cát năm lớp 6, khi lên lớp 7, Trường HSMN số 24 chuyển về Hải Phòng, tọa lạc tại khu lầu Mac-ti gần ga xe lửa An Dương. Cổng trường hướng về cầu Quay bắc ngang qua sông Lấp. Trường nằm trên một khu đất khá rộng với các khu nhà tập thể, lớp học, trạm xá, thư viện, phòng thực hành, phòng hướng nghiệp, sân bóng, nhà ăn tập thể… đều lợp bằng lá đơn sơ, song sáng sủa và sạch sẽ.

Mùa hè năm 1957, tại Trường HSMN số 6 đã tổ chức kỳ thi chuyển cấp nghiêm túc, tuyển chọn bằng 2 hình thức thi cử kết hợp: thi viết và thi vấn đáp. Đối tượng dự thi là các học sinh nam và nữ tốt nghiệp lớp 7 (cấp II) của 3 trường HSMN số 14, số 24 và số 6. Trường HSMN là một mô hình trường phổ thông nội trú đặc biệt cho các đối tượng chính sách xã hội, là con em cán bộ miền Nam, nên vấn đề giáo dục toàn diện và chất lượng đào tạo được đặt lên hàng đầu. Năm học 1957-1958, Trường HSMN số 24 Hải Phòng trở thành trường HSMN có cấp III đầu tiên và thầy Lê Phú Lộc là thầy hiệu trưởng đầu tiên của trường. Thầy là người có nhiều công lao đóng góp trong việc xây dựng và phát triển nhà trường theo đúng với các nguyên lý giáo dục XHCN.

Với mục đích để đào tạo được những HSMN trở thành những người lao động phát triển toàn diện, tạo nguồn lực để kiến thiết miền Nam và cả nước sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thầy cùng với các thầy cô giáo và cán bộ phục vụ nhà trường đã tìm tòi, sáng tạo những hoạt động giáo dục mới, nhằm giáo dục kiến thức kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn với thực tiễn. Ngoài những ngày học tập, nhà trường còn tổ chức tham quan, lao động sản xuất tại các hợp tác xã nông nghiệp.

Dưới thời thầy làm hiệu trưởng, chúng tôi được giáo dục trong một môi trường chuẩn mực: thầy, cô giáo giảng dạy hết lòng; học sinh được đề cao ý thức tự học, tự rèn luyện; nhà trường tạo mọi điều kiện khuyến khích phát huy năng khiếu cá nhân; các cô phục vụ tận tụy chăm lo cơm ngon, canh ngọt… quả đúng là một môi trường giáo dục thầy ra thầy, trò ra trò!

Năm tháng trôi qua, chúng tôi, những học sinh của thầy đã trưởng thành, nhiều người đã là những cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, là các giáo sư, tiến sĩ khoa học, các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, các y, bác sĩ, sĩ quan quân đội… nổi tiếng. Tôi được may mắn, sau khi học xong Trường HSMN số 24 Hải Phòng và Đông Triều, được tiếp tục học đại học và nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Năm 1979, tôi được trở về quê hương phục vụ tại Trường Đại học Quy Nhơn.

. Nguyễn Minh Châu

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Về cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh  (25/10/2004)
Chất độc da cam và nỗi đau của những trẻ thơ  (25/10/2004)
Tam Quan Bắc: Xây dựng tủ sách pháp luật đến tận thôn   (22/10/2004)
Dòng sông vẫn chảy  (22/10/2004)
Sử dụng điện thoại di động ngày càng phổ biến  (22/10/2004)
Vi phạm hành lang an toàn lưới điện: Bao giờ chấm dứt?   (21/10/2004)
27 năm gắn bó với Mầm non   (20/10/2004)
Qua phong trào xây dựng nhà tình thương cho phụ nữ nghèo: Ấm áp nghĩa tình  (20/10/2004)
Những ngôi nhà tình nghĩa ở Tuy Phước  (19/10/2004)
Mênh mông… tiền trường   (19/10/2004)
Học sinh khốn khổ vì... "trường chuẩn"  (18/10/2004)
Những cái tên tình nghĩa   (18/10/2004)
Những dịch vụ "ăn theo" mũ bảo hiểm  (17/10/2004)
Ngôi nhà của tình đồng đội   (15/10/2004)
Thực hiện dự án ngôn ngữ trị liệu: Niềm hạnh phúc của trẻ em sau phẫu thuật nụ cười   (15/10/2004)