Trong số mấy chục trường học sinh miền Nam (HSMN) trên đất Bắc, phần lớn tập trung ở Hải Phòng, có hai trường bổ túc văn hóa dành cho những học sinh lớn tuổi. Đó là Trường HSMN số 12 đóng tại Thanh Liệt và Trường HSMN số 16 đóng tại Đa Sỹ thuộc tỉnh Hà Đông. Là giáo viên tập kết ra Bắc, tôi được Bộ Giáo dục phân công về dạy tại Trường HSMN số 16.
Các năm học 1955, 1956, 1957, trường 16 chỉ có khoảng 200 học sinh, phần lớn là các em quê ở Nam Bộ, số học sinh khu V rất ít. Hiệu trưởng là thầy Mạn, quê miền Bắc, Phó hiệu trưởng là thầy Duy, quê Quảng Nam. Vì là những em lớn tuổi không được học bài bản ở các lớp đầu cấp Một, kiến thức bị hẫng hụt nên đa số các em tiếp thu bài giảng rất khó khăn. Mặt khác, do sinh hoạt phí được cấp có hạn nên đời sống vật chất của các em vô cùng thiếu thốn. Là dân Nam bộ vốn quen cuộc sống phóng khoáng, nay ăn uống kham khổ, tiền tiêu vặt không có, thêm vào đó là sự thiếu thốn về tình cảm gia đình, da diết nhớ quê hương nên tư tưởng của các em có nhiều diễn biến phức tạp. Tình hình trên đòi hỏi giáo viên phải hội đủ hai yếu tố: thật sự có lòng yêu thương, độ lượng đối với học sinh và có phương pháp giảng dạy tốt, vừa khoa học, vừa nghệ thuật. Đối với những học sinh học kém, hoang nghịch phải tận tình khuyên bảo, giúp đỡ, thuyết phục, cảm hóa bằng những việc làm thiết thực tạo nên sự mến mộ của các em. Điều vất vả là giáo viên phải tốn nhiều thời gian kèm cặp, hướng dẫn, chỉ bảo học sinh kém trở nên tiến bộ. Đó là một trong những giải pháp hiệu quả khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, quậy phá. Trong cuộc sống hằng ngày, giáo viên cũng phải rộng rãi đối với các em, một khi đã được các em cảm phục thì việc dạy dỗ thuận lợi. Những học sinh chăm ngoan là điểm tựa tinh thần, là nguồn an ủi, động viên đối với thầy giáo chúng tôi. Khi thấy bạn xúc phạm thầy thì các em liền đến xin lỗi thầy và trách mắng bạn. Dùng các em chăm ngoan kìm chế các em quậy phá là thượng sách.
Vì thấy học sinh ở trong nhà dân có nhiều điều bất tiện nên Khu Giáo dục học sinh miền Nam đã đầu tư xây dựng một khu trường tại Chương Mỹ (Hà Đông) rộng rãi, thoáng mát. Năm học 1957-1958, cả hai trường 12 và 16 đều dời về đây. Cấp trên đã điều thầy Minh, quê Nam bộ, về làm Hiệu trưởng thay thầy Mạn nhận công tác khác. Thầy Minh rất nghiêm và mạnh tay đối với học sinh vô kỷ luật nên các em gán cho thầy biệt danh "Bun-ga-nin" (hồi đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô nổi tiếng quyền uy). Nhờ đó mà tình hình học sinh bỏ học, quậy phá giảm nhiều. Ngoài việc học tập văn hóa, học sinh còn tham gia lao động sản xuất như làm mộc, gò hàn, trồng rau màu trong trường. Năm học này, trường 16 có vinh dự lớn lao là được Bác Hồ đến thăm. Bác xem nơi ăn chốn ở, nhà bếp, khu vệ sinh, các phòng học, các cơ sở sản xuất, vui chơi, luyện tập thể dục, thể thao… Bác biểu dương những cố gắng của thầy và trò; ân cần nhắc nhở thầy giáo phải yêu thương học sinh như con em mình, phải dạy làm người, dạy văn hóa thật tốt; học sinh phải cố gắng học tập chăm ngoan để đền đáp công ơn đồng bào và những người thân đang hy sinh chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, và để sau này góp phần tái thiết quê hương…
Năm học sau đó, cả hai trường 12 và 16 đều chuyển về Đông Triều, một vùng trung du xa xôi, hẻo lánh cách biệt đô thị và đi về Hà Nội rất không thuận tiện nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của cuộc sống thị thành. Trường được xây dựng theo mô hình "cần công, kiệm học". Năm học này, trường đã có lớp 8 và lớp 9. Tôi còn nhớ cảnh thầy trò "thư sinh" thi nhau cuốc đất, làm ruộng, cấy lúa, đỉa đeo bám ê ẩm, nhưng không một ai dám kêu ca, bỏ cuộc. Vì chủ trương của trường là tạo ra những ruộng lúa năng suất cao làm hình mẫu cho nhân dân địa phương bắt chước làm theo. Phong trào thể thao, văn nghệ, nhất là biểu diễn cải lương phát triển rất mạnh thu hút đông đảo nhân dân địa phương đến xem…
Ba năm dạy Văn, Sử cấp II và III tại trường 16, năm nào tôi cũng được bình chọn là Chiến sĩ thi đua của Khu Giáo dục học sinh miền Nam, được Bộ Giáo dục tặng nhiều bằng khen và năm học 1959-1960 được cử đi đào tạo tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đây là phần thưởng ghi nhận sự đóng góp nhỏ bé của tôi đối với trường học sinh miền Nam.
Sau hơn 20 năm chưa một lần được gặp lại những học sinh trường 16 cũ, năm 1980, có dịp vào thành phố Hồ Chí Minh công tác, tình cờ tôi gặp em học sinh cũ là Tô Dùng, Phó trưởng ban Kinh tế Thành ủy Hồ Chí Minh. Lập tức em Dùng thông báo cho bạn bè cùng lớp tổ chức cuộc gặp mặt thầy trò tại một Nhà hàng nổi trên sông Sài Gòn. Những bí thư tỉnh ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, giám đốc sở, giám đốc xí nghiệp, giám đốc bệnh viện… đón mừng tôi niềm nở, trìu mến như đón người nhà đi xa lâu ngày mới về.
Những năm giảng dạy tại Trường HSMN số 16 đầy khó khăn, thách thức nhất trong quãng đời làm thầy giáo đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên về tình nghĩa thầy trò.
. Nguyễn Công Hoàng |