Sở GD-ĐT vừa tổ chức gặp mặt giáo viên mầm non (GVMN) tiêu biểu ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Buổi gặp mặt đã để lại ấn tượng sâu đậm trong mỗi người. Từ nắng, gió và cuộc sống còn khó khăn ở vùng cao, họ về với phố biển Quy Nhơn trong niềm vui khó tả.
|
Các GVMN chụp ảnh kỷ niệm nhân buổi gặp mặt |
Cô Hồ Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Cát Tài (Phù Cát) tâm sự: "Tôi dạy mẫu giáo dân lập (MGDL) ở vùng sâu, vùng xa đã hơn hai chục năm nay, bây giờ mới có dịp được cùng bạn bè về thăm thành phố Quy Nhơn... Cứ như một giấc mơ". Thấu hiểu được sự thiệt thòi của các cô giáo vùng sâu, vùng xa nên Ban tổ chức đã dành cả một buổi chiều cho các cô được đi thuyền ngắm biển, thăm con đường Quy Nhơn - Sông Cầu uốn lượn giữa núi và biển đẹp, vào thăm Trung tâm thương mại Quy Nhơn. Nghe các cô tâm sự mà xót xa. Có cô giáo quê ở tận Nam Định rời quê hương lên dạy học ở huyện Vĩnh Thạnh đã 7 năm rồi chưa được về thăm nhà vì không đủ tiền tàu xe. Đến thăm một trường mầm non bạn ở thành phố, tuy đây chưa phải là mô hình trường mầm non đạt chuẩn theo đúng yêu cầu nhưng đối với các cô giáo ở vùng sâu, vùng xa đó đã là "thiên đường dạy học" chưa bao giờ dám mơ ước...
Từ câu chuyện ngày hôm nay, chúng ta thử nhìn lại đôi chút về thực trạng của ngành học mầm non trong tỉnh với những con số đáng buồn: 82,2% số phòng học không đủ quy cách, xuống cấp, ẩm thấp, khu vệ sinh không có hoặc không phù hợp. Trường học thì đa phần không có tường rào, cổng ngõ, không có sân chơi. Ngoài các trường mầm non ở thành phố, thị trấn, hầu hết các trường, lớp mẫu giáo ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn nhiều thiếu thốn trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho cháu. Chế độ chính sách của Nhà nước dành cho đội ngũ GVMN còn nhiều bất cập. GV ngoài biên chế trải qua một thời gian dài không được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... Tiền lương của đa số giáo viên đã thấp lại không ổn định và phụ thuộc vào tình hình kinh tế, đời sống của người dân trong vùng. GVMN ngoài công lập lớn tuổi tham gia giảng dạy nhiều năm nhưng khi nghỉ dạy không có chế độ thôi việc...
Trong cái khó, cái khổ chung đó, GVMN ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, gian khổ hơn gấp nhiều lần. Có những cô giáo mười tám, hai mươi tuổi, tốt nghiệp sư phạm mầm non quay về địa phương dạy học đã phải đối mặt với chuyện thiếu trường, thiếu lớp, trẻ không ra lớp, đồng lương vốn dĩ nhỏ nhoi lại còn bị địa phương nợ đến 5-7 tháng... Trong môi trường gian khổ ấy, nhiều GV không bám trụ được đã đành phải bỏ nghề.
Không để kéo dài khoảng cách giữa thành phố với nông thôn, vùng sâu vùng xa trong đội ngũ giáo viên làm nhiệm vụ vỡ lòng, truyền thụ kiến thức cho thế hệ tương lai, ngày 15-11-2002 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 161 về một số chính sách cho GVMN. Đây có thể xem như là chiếc chìa khóa mở ra những trang mới cho ngành học mầm non trong cả nước. Ở Bình Định, Sở GD-ĐT đã phối hợp với các sở liên quan xây dựng Đề án "Phát triển giáo dục mầm non Bình Định đến năm 2010". Đề án vừa được UBND tỉnh chính thức phê duyệt đã mở ra cho GVMN nói chung và GVMN vùng sâu, vùng xa nói riêng nhiều tín hiệu lạc quan.
Đã có vài trăm GVMN vượt lên chính mình, vượt lên những khó khăn của đời thường, bỏ "tiền túi" đi học chuẩn hóa và nâng cao trình độ năng lực sư phạm với mong muốn được tiếp tục đứng vững và cống hiến cho nghề.
. Quỳnh Hoa |