Gieo hạt trên đất khó
15:24', 26/10/ 2004 (GMT+7)

Cái khó, cái khổ cứ cao như núi mà đồng lương lại quá nhỏ nhoi, nhưng các giáo viên mầm non (GVMN) vùng cao, vùng sâu, vùng xa vẫn cố gắng bám trụ trường lớp để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chúng ta hãy lắng nghe những tâm sự của họ.

    Cô Đinh Thị Nê

* Cô Đinh Thị Nê, sinh năm 1978, người dân tộc H're, GVMN xã An Vinh (An Lão): Tốt nghiệp THSP tôi không đi dạy tiểu học mà lại dạy mầm non. Nói là dạy mầm non nhưng thực tế các cháu đâu có trường, có lớp riêng mà phải học nhờ bên trường tiểu học. Cũng bởi đi học nhờ nên bàn ghế không phù hợp, đồ dùng, đồ chơi cho cả cháu và cô đều không có. Nhà tôi ở tổ 3 xã An Dũng, năm ngoái lên dạy học ở tổ 5 xã An Vinh, phải đi bộ, men theo sông Đinh mất cả buổi mới đến được chỗ dạy. Thời gian này, tôi lại đang có mang. Dân làng An Vinh thương các cô giáo nên làm cho chúng tôi một túp lều lợp bằng lá dừa. Trời mưa ngồi trong lều, nước cứ nhỏ xuống tong tóc. Tôi vừa lạnh, vừa sợ... phải rủ thêm em gái lên ở cùng. Bà con ở đây chưa có ý thức đưa con ra lớp mẫu giáo. Để có cháu mà dạy, tôi phải đến từng nhà xin bế trẻ đến lớp. Năm ngoái, tỉnh có triển khai chương trình "bữa trưa học đường" trẻ được ăn bánh, uống sữa còn chịu ra lớp. Năm nay, cô giáo phải bỏ tiền lương của mình mua bánh mới "dụ" được trẻ, nhưng chúng ăn hết bánh lại đòi về chèo chẹo. Nhìn mấy đứa trẻ đi học còn ở trần, ở truồng, mặt mũi nhem nhuốc, tóc tai vàng hoe, khét nắng, đến lớp chỉ biết khóc nhè, tôi thương lắm nên cố dạy cho chúng biết được mấy cái chữ để năm sau còn vào lớp một. Năm nay, tôi đã có con nhỏ. Phòng GD-ĐT luân chuyển tôi về dạy ở tổ 1, gần nhà hơn nhưng khó khăn vẫn còn rất nhiều. Có hôm đi dạy không gởi được con tôi phải bế luôn đến lớp. Trẻ người dân tộc, chưa nói được tiếng phổ thông, chưa quen gặp gỡ, tiếp xúc với người lạ mà đến lớp lại không có đồ chơi và cũng không có gì hấp dẫn thì rất khó dạy. Tuy nhiên, tôi đã xác định vì yêu nghề, mến trẻ nên phải bám trường, bám lớp mà dạy chứ cứ ngồi chờ cho đủ điều kiện thì đến bao giờ.

 Cô Trang Thị Quý

* Cô Trang Thị Quý, sinh năm 1962, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo xã Ân Hữu (Hoài Ân): Đội ngũ GVMG xã Ân Hữu hiện nay hầu hết đều đã lớn tuổi với thâm niên giảng dạy trên 20 năm. Nhớ lại, năm hai mươi tuổi, tôi đi dạy mẫu giáo, lúc đó học sinh phải đi học ở nhà đội của HTX, lớp học chỉ có mấy cái bàn, cái ghế tạm bợ. GV đi dạy được ăn công điểm khoảng 250 kg thóc/năm. Hai mươi mấy năm trôi qua, tình cảnh trường trại vẫn không có gì khác mấy. HS vẫn phải học chay, GV hầu như vẫn chỉ dạy chay. Từ khi HTX không còn bao cấp, GV phải thu học phí của HS, trước đây là 3.000 đồng/ tháng nộp về UBND xã để xã cân đối trả phụ cấp cho GV được 50.000 đồng/ tháng. Từ năm 2002, chúng tôi phải xin thu tăng học phí của HS lên 10.000 đồng/ tháng. Xã hỗ trợ sinh hoạt phí cho GV được 140.000 đồng/ tháng. Đời sống nhân dân ở xã miền núi Ân Hữu còn rất khó khăn nên GVMN cũng khó, khổ theo. Bây giờ, thực hiện Quyết  định 161 của Thủ tướng Chính phủ, Trường Mẫu giáo dân lập xã Ân Hữu ở vùng đặc biệt khó khăn được chuyển đổi sang mô hình trường công lập. Đời sống GV đã có sự thay đổi khá lớn. Với trách nhiệm hiệu trưởng, hơn 20 năm thâm niên trong nghề, lương của tôi bây giờ đã là 1,3 triệu đồng/tháng. Được Nhà nước quan tâm, GV chúng tôi hoan hỉ lắm. Ai cũng cố gắng tự hoàn thiện mình, dạy dỗ tốt hơn. Hè vừa rồi, 100% GV của trường đều đi học thêm các lớp đào tạo trung học mầm non, cử nhân mầm non để chuẩn hóa và nâng cao trình độ với ước mong trụ lại được với nghề.

Cô Nguyễn Thị An Nhơn

* Cô Nguyễn Thị An Nhơn, sinh năm 1969, GVMG Canh Liên (Vân Canh): Từ trung tâm thị trấn Vân Canh lên đến làng Canh Tiến (xã Canh Liên) dạy học phải 30 cây số. Nếu đi xe thồ phải mất 60-70.000 đồng. Với đồng lương của một GV dạy hợp đồng chỉ có 272.000 đồng/tháng chúng tôi chỉ dám chọn con đường đi bộ và phải băng rừng suốt một ngày đường mới tới điểm trường nơi mình dạy. Làng Canh Tiến năm nay đã xây dựng được một phòng học mẫu giáo và 10 bộ bàn ghế. Chúng tôi mở được một lớp với khoảng 20 học sinh. Nói là dạy mẫu giáo nhưng chủ yếu là dạy chữ. Các cháu nhỏ ngôn ngữ bất đồng, lại chưa quen tiếp xúc nên phát âm rất khó khăn. Cô nói gì cháu cũng không nghe được. Những ngày đầu đến lớp trẻ còn ở truồng tồng ngồng, tôi dạy cho chúng những bài lễ giáo đầu tiên như đi học phải chào cô, về nhà chào cha mẹ, chào ông bà… Vậy mà, nói mãi chúng cũng chỉ "thưa cô, cho tao vào lớp". Đầu năm, có 20 học sinh đến lớp, cuối năm chỉ còn 15 em. Cô giáo đến nhà vận động phụ huynh cho con ra lớp chỉ nhận được những cái lắc đầu "nó không thích đi học đâu!". Để có được học trò, chúng tôi phải đến nhà dỗ dành, mua bánh, kẹo cho đến khi nào quen cô rồi mới bế được cháu đến lớp. Ở đây, cha mẹ học sinh thường có thói quen đi làm thì dẫn con lên rẫy. Cô lại phải đến từng nhà dặn trước họ mới chịu để con ở nhà. Vậy là, dạy học một buổi, buổi chiều chúng tôi phải kiêm luôn nhiệm vụ giữ trẻ. Khổ cực là vậy, nhưng chúng tôi vẫn bám trụ với nghề. Chỉ mong sao tỉnh sớm thực hiện việc chuyển đổi các trường MGDL vùng khó khăn sang công lập để điều kiện dạy và học của GV, HS ở đây dược tốt hơn; đời sống GVMN chúng tôi bớt khổ cực hơn.

. Ngọc Quỳnh (ghi)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những khoảng cách và rút ngắn khoảng cách  (26/10/2004)
Nhớ mãi Trường Học sinh miền Nam số 16  (26/10/2004)
Gặp lại thầy Hiệu trưởng Trường HSMN cấp III đầu tiên trên đất Bắc  (26/10/2004)
Về cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh  (25/10/2004)
Chất độc da cam và nỗi đau của những trẻ thơ  (25/10/2004)
Tam Quan Bắc: Xây dựng tủ sách pháp luật đến tận thôn   (22/10/2004)
Dòng sông vẫn chảy  (22/10/2004)
Sử dụng điện thoại di động ngày càng phổ biến  (22/10/2004)
Vi phạm hành lang an toàn lưới điện: Bao giờ chấm dứt?   (21/10/2004)
27 năm gắn bó với Mầm non   (20/10/2004)
Qua phong trào xây dựng nhà tình thương cho phụ nữ nghèo: Ấm áp nghĩa tình  (20/10/2004)
Những ngôi nhà tình nghĩa ở Tuy Phước  (19/10/2004)
Mênh mông… tiền trường   (19/10/2004)
Học sinh khốn khổ vì... "trường chuẩn"  (18/10/2004)
Những cái tên tình nghĩa   (18/10/2004)