Quản lý kém, đất công bị xà xẻo
11:14', 27/10/ 2004 (GMT+7)

Nhiều năm qua, tình hình quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai của các địa phương trên địa bàn tỉnh còn nhiều thiếu sót. Hàng nghìn trường hợp sai phạm, hàng chục ha đất của Nhà nước đã bị xâm chiếm, chuyển nhượng và chuyển mục đích sử dụng trái phép; mặt khác, nhiều tổ chức, đơn vị kinh tế và cá nhân sử dụng đất không có hiệu quả và chưa đúng mục đích.

Người dân chiếm đất triền núi dựng nhà ở phường Nhơn Phú và Quang Trung (TP Quy Nhơn)

Lấn chiếm và chuyển nhượng đất trái phép: Có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, một là người dân không hiểu luật, hoặc coi thường pháp luật; mà làm ẩu coi thường pháp luật là chính. Hai là do chính quyền các cấp, nhất là cấp xã, phường buông lỏng quản lý, không ít trường hợp làm sai. Và hậu quả từ nguyên nhân thứ hai thường cũng trầm trọng hơn. Ví dụ: UBND cấp phường, xã cứ ký bừa xác nhận việc sử dụng đất, chuyển nhượng đất rồi "kính chuyển" cho cơ quan cấp trên xem xét, giải quyết, trong khi UBND cấp phường, xã không có chức năng này. Như trường hợp 129 hộ lấn chiếm, sang nhượng đất trái phép gần 27.000 m2 đất ở khu vực quy hoạch hồ sinh thái (KV5, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) và đã xây dựng nhà hơn 6.000m2; trong đó UBND phường Quang Trung (cũ) và UBND phường Ghềnh Ráng vừa qua đã ký xác nhận tạo điều kiện cho nhiều hộ trong số đó thực hiện việc chuyển nhượng trái phép. Mặt khác, không có lý do gì người dân đổ vật liệu xây cất nhà trái phép trong một thời gian nhất định, chính quyền cơ sở lại bảo rằng không biết! Chỉ có buông lỏng hoặc tiêu cực từ phía những cơ quan, những người có trách nhiệm mới để tình trạng lấn chiếm, sang nhượng đất trái phép xảy ra.

Đáng chú ý trong số những trường hợp lấn chiếm hoặc sang nhượng đất trái phép có nhiều trường hợp đầu cơ đất, nhằm mục đích trục lợi chứ không phải vì bức xúc chỗ ở. Như trường hợp gia đình ông Lê Đức Tỏ từ Quy Nhơn ra thôn Phú Hậu, Cát Chánh, Phù Cát để mua một lúc nhiều lô đất, có đến 1.150 m2 đất sang nhượng trái phép và 500 m2 tự lấn chiếm. Không phải ông Tỏ vì bức xúc chỗ ở, mà là biểu hiện của đầu cơ; hiện có gần một trăm trường hợp vi phạm tương tự dọc tuyến biển này.

Chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật: Đã có nhiều trường hợp chuyển từ đất sản xuất sang đất ở, từ đất ruộng lúa nước sang đất trồng màu, đất vườn và chuẩn bị một bước chuyển thành đất ởû một cách trái phép. Ví dụ ở dọc Quốc lộ 1D thuộc phường Ghềnh Ráng có 36 hộ chuyển nhượng trái phép hơn 43.000 m2 đất. Chuyển nhượng bất hợp pháp thường biểu hiện như: Người không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại viết giấy chuyển nhượng, người không làm nông nghiệp cũng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp. Mục đích nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp là để chờ "đón gió quy hoạch" để chuyển thành đất ở, để đầu cơ trục lợi. Việc chuyển nhượng này UBND cấp xã, phường biết nhưng không ai báo cáo cho huyện, thành phố biết. Đáng buồn, trong số người đi nhận chuyển nhượng đất vì ý đồ đầu cơ, trục lợi, lại có nhiều cán bộ, công chức nhà nước, cán bộ hưu trí, đảng viên… kể cả cán bộ lãnh đạo; chính vì thế dẫn đến việc cấp xã, phường nể nang không dám xử lý. Đó chính là lý do làm cho công dân coi thường pháp luật dẫn đến việc quản lý đất đai trở nên phức tạp hơn.

Nhiều tổ chức, đơn vị sản xuất kinh doanh sử dụng đất chưa có hiệu quả: Đợt thanh tra sơ bộ trong tháng 9 vừa qua của Sở Tài nguyên và Môi trường tại khu công nghiệp Phú Tài cho thấy: Có 9 doanh nghiệp có mức nộp cho ngân sách chỉ từ 3 đến 50 triệu đồng/năm, trong khi các doanh nghiệp này sử dụng ít nhất từ 2 ha đất trở lên cho mỗi doanh nghiệp. Như vậy hiệu quả sử dụng đất là vô cùng thấp. Không ít tổ chức được thành lập mới, từ doanh nghiệp cũ tách ra; mà thực chất quy mô đầu tư không tăng, rồi sau đó chuyển nhượng tài sản trên doanh nghiệp cũ. Đương nhiên họ chỉ được chuyển nhượng tài sản chứ họ không được chuyển nhượng đất, vì đất phải thuê; nhưng trong chuyển nhượng tài sản đó có phần lợi nhuận trên đất. Việc bán đấu giá quyền sử dụng đất, hoặc cho thuê đất phải dựa trên giá trị thực tế của nó, để khai thác nguồn lợi từ đất một cách tương xứng.

. Ngọc Diên

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Gieo hạt trên đất khó  (26/10/2004)
Những khoảng cách và rút ngắn khoảng cách  (26/10/2004)
Nhớ mãi Trường Học sinh miền Nam số 16  (26/10/2004)
Gặp lại thầy Hiệu trưởng Trường HSMN cấp III đầu tiên trên đất Bắc  (26/10/2004)
Về cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh  (25/10/2004)
Chất độc da cam và nỗi đau của những trẻ thơ  (25/10/2004)
Tam Quan Bắc: Xây dựng tủ sách pháp luật đến tận thôn   (22/10/2004)
Dòng sông vẫn chảy  (22/10/2004)
Sử dụng điện thoại di động ngày càng phổ biến  (22/10/2004)
Vi phạm hành lang an toàn lưới điện: Bao giờ chấm dứt?   (21/10/2004)
27 năm gắn bó với Mầm non   (20/10/2004)
Qua phong trào xây dựng nhà tình thương cho phụ nữ nghèo: Ấm áp nghĩa tình  (20/10/2004)
Những ngôi nhà tình nghĩa ở Tuy Phước  (19/10/2004)
Mênh mông… tiền trường   (19/10/2004)
Học sinh khốn khổ vì... "trường chuẩn"  (18/10/2004)