9 năm "cái kiến đi kiện…"
10:19', 28/10/ 2004 (GMT+7)

Hôm 27-10 tại UBND phường Trần Quang Diệu - TP Quy Nhơn, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Hà Tĩnh đã chính thức công khai xin lỗi bà Nguyễn Thị Bích Ngọc (trú tổ 1, khu vực 6, phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) do đã khởi tố oan bà này. Nhân đây, chúng tôi xin lật lại hồ sơ một vụ án "hy hữu": từ một bản fax vu khống vu vơ, dẫn đến một người dân phải "ngồi trại" oan gần 10 tháng, và mất gần 9 năm trời ròng rã vác đơn đi kiện...

* Từ một bản fax vu khống đến 10 tháng "ngồi trại" oan

Bà Ngọc và chiếc va li chứa đầy đơn, thư khiếu nại

Mọi chuyện bắt đầu từ một bản fax của ông Đinh Sỹ Tố (tạm trú tại xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Nguyên từ năm 1993, bà Ngọc góp vốn mở cây xăng với ông Tố tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Chuyện làm ăn chung bắt đầu có những rạn nứt nhưng chưa biểu hiện cụ thể. Ngày 14-2-1995, bà Ngọc đứng tên, ký hợp đồng vận chuyển gỗ cho Tỉnh Đội Bu-ly-khăm-xay (Lào). Sau khi thực hiện xong hợp đồng, bên B trả cho bà Ngọc 15.300 USD và 6,1 triệu đồng. Ngày 25-7-1995, bà Ngọc đem số tiền trên ra Vinh, đổi sang tiền Việt và đem về Bình Định.

Ngay sau khi bà Ngọc đi, ông Tố bèn làm đơn tố cáo với Công an huyện Nghi Xuân và gửi fax tố cáo bà Ngọc ăn trộm tiền. Điều phi lý là fax lại được gửi cho ông Lê Thành Lưu, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 huyện An Nhơn. 1 giờ sáng ngày 26-7-1995, xe bà Ngọc bị Đội Cảnh sát điều tra Công an huyện An Nhơn chặn giữ. Mặc cho bà Ngọc trình các hợp đồng, hóa đơn để chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số tiền trên, Công an huyện An Nhơn vẫn lập biên bản giữ toàn bộ số tiền 157,5 triệu đồng và 100 USD. Sau đó ba ngày, Công an huyện Nghi Xuân vào Bình Định và đem toàn bộ số tiền trên về. Ba tháng sau, VKSND huyện Nghi Xuân ra quyết định khởi tố bà Ngọc về tội "trộm cắp tài sản của công dân", nhưng đến ngày 22-10-1995, Công an huyện Nghi Xuân đã ra quyết định đình chỉ điều tra vì "không có dấu hiệu tội phạm xảy ra, không có vụ trộm cắp tài sản công dân". Vậy nhưng số tiền vẫn không được trả cho bà Ngọc.

Hai tháng sau, ngày 6-12-1995, VKSND tỉnh Hà Tĩnh lại xoay sang quyết định khởi tố bà Ngọc về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân". Ngày 7-3-1996, Công an Hà Tĩnh vào bắt bà Ngọc tại nhà bà ở phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn và dẫn về giam tại trại giam Cầu Đông (Hà Tĩnh). Ngày 6 và 7-8-1996, VKSND tỉnh Hà Tĩnh đã ký hai bản cáo trạng truy tố bà Ngọc về cùng một tội danh này nhưng áp dụng khung hình phạt khác nhau (!). Ngày 20-9-1996, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Hà Tĩnh đã đề nghị VKSND Hà Tĩnh rút quyết định truy tố với bà Ngọc. Ngày 27-12-1996, bà Ngọc mới được trả tự do sau 10 tháng tù oan. Đến ngày 18-3-1997, VKSND Hà Tĩnh mới ra quyết định đình chỉ điều tra bị can với một khẳng định mập mờ "vì không đủ cơ sở để kết luận bà Ngọc phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân".

Vậy nhưng, số tiền bị thu giữ sai vẫn không trả lại cho bà Ngọc mà tiếp tục được chuyển "vòng vo tam quốc" và giải quyết về mặt dân sự dù mãi đến ba tháng sau, ngày 10-6-1997, ông Tố mới có đơn khởi kiện nộp tại TAND Hồng Lĩnh. Án dân sự sơ thẩm TAND tỉnh Hà Tĩnh ngày 30-7-1997 tuyên số tiền bị bắt oan là tài sản chung giữa bà Ngọc và ông Tố và lấy số tiền này trả cho những người làm công (những lái xe) dù bà Ngọc không nợ tiền họ và họ cũng không yêu cầu tòa án giải quyết. Bà Ngọc tiếp tục kháng cáo. Mãi hai năm sau, TAND Tối cao mới mở phiên tòa phúc thẩm, tuyên bố hủy án sơ thẩm nhưng số tiền đang bị giữ trái pháp luật vẫn… "bặt vô âm tín".

* Đến hành trình đi đòi công lý

Ông Nguyễn Xuân Quang, chồng bà Ngọc, do quá lo nghĩ và đau buồn vì sự oan trái của vợ mà bị tai biến, mất cảm giác nửa người

Bước chân ra khỏi trại giam, bà Ngọc bước vào cuộc hành trình gần 9 năm đi đòi công lý. Chỉ cho chúng tôi hai chiếc va li to dùng để đựng hồ sơ, đơn thư, bà Ngọc nói: "Tôi đã đốt đi một mớ, nhưng vẫn còn chừng này. Tính ra, trong 9 năm qua, tôi đã viết hàng vài ngàn tờ đơn, đã phô-tô hàng mấy kg giấy tờ. Và bất kể, có tiền cũng đi, mà không còn tiền thì vay mà đi. Chi phí thì không thể kể hết cậu ơi!". Thời gian bà đi kiện còn nhiều hơn thời gian bà ở nhà với chồng, con. Có năm, cả mười tháng bà ăn chực nằm chờ ở Hà Nội. Cả cái phố Dã Tượng (nơi bà Ngọc thuê trọ để đi kiện) từ trẻ con đến ông già bà lão đều biết bà, đều quen với hình ảnh người đàn bà ôm hàng chồng đơn đi kiện. Trong suốt 9 năm, đã có gần trăm bài báo viết về nỗi oan khuất của bà, hàng chục công văn của các cơ quan Trung ương yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật Hà Tĩnh thực thi chân lý: Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Hội đồng Dân tộc Quốc hội… nhưng những kẻ làm oan vẫn chối bỏ trách nhiệm, cán bộ làm sai không bị xử lý, kẻ vu khống vẫn không hề bị trừng trị.

"Trong 9 năm đi kiện, có lúc nào mà bà cảm thấy tủi cực nhất?" - tôi hỏi. "Với tôi, nỗi tủi cực nhất không phải là những gian khổ trong suốt 9 năm đi kiện, mà là khi niềm tin của mình bị lung lay. Tôi còn có sức đi kiện là bởi tôi còn có niềm tin ở lẽ công bằng của pháp luật. Khi tôi gửi một lá đơn là tôi gửi vào đó một niềm tin. Cho nên khi bạn bè hay người trong gia đình mà nói: "Thôi bỏ đi! Cái kiến mà kiện củ khoai!" là tôi bực ghê lắm. Và khi các cơ quan Trung ương có công văn trả lời, tôi lại khấp khởi hy vọng. Nhưng rồi tất cả lại rơi vào im lặng. Lúc đó tôi chán nản hết sức".

Cùng với hành trình 9 năm đi đòi công lý, toàn bộ tài sản gia đình bà Ngọc đã phải bán đi để trang trải, cầm cố nhà cửa vay ngân hàng. "Trước kia, tôi đang làm ăn ngon lành lắm. Trong nhà có hai chục người thợ chuyên sửa máy ủi. Vậy mà bây giờ... Ông chồng tôi cũng vì suy nghĩ quá mà tai biến 3 lần. Còn tôi thì khỏi tính, có lần đã phải điều trị ở bệnh viện tâm thần vì trầm cảm phản ứng. Một cái khổ nữa là tôi thấy nhục với xã hội, vì họ cứ nghĩ mình là quân ăn cắp, lừa đảo". Hiện nay, bà Ngọc vẫn còn nợ ngân hàng, bạn bè đến hàng trăm triệu đồng.

* 157,5 triệu đồng còn ở đâu?

Nhiều công văn yêu cầu của các cơ quan Trung ương nhưng vụ việc vẫn rơi vào im lặng

Ngày 27-10, VKSND tỉnh Hà Tĩnh đã chính thức công bố nội dung xin lỗi bà Ngọc, nhưng bà Ngọc vẫn chưa hết ấm ức. Bà nói: "Mới chỉ xin lỗi thôi, chứ 157,5 triệu đồng bị thu giữ sai luật vẫn chưa được trả lại, kẻ vu khống và cán bộ tiếp tay gây oan sai vẫn chưa được xử lý thích đáng". Cũng cần nói thêm, sau khi Công an huyện Nghi Xuân vào Bình Định "ẵm" số tiền 157,5 triệu đồng đem về nhưng lại không nộp vào tài khoản tại Kho bạc Nhà nước huyện Nghi Xuân. Sau đó, Kho bạc Nhà nước Nghi Xuân đã lập khống chứng từ giả để cho Công an huyện Nghi Xuân hợp pháp hóa việc làm trái pháp luật. Nghiêm trọng hơn, so sánh ngày Công an huyện thu tiền và ngày nộp vào tài khoản thì thời gian số tiền lưu giữ tại Công an huyện Nghi Xuân kéo dài gần 3 tháng nhưng không có biên bản nộp vào quỹ tiền mặt của cơ quan. Những việc làm trên đây của Công an huyện Nghi Xuân, theo công văn số 39 (5-10-1997) của VKSND huyện Nghi Xuân, là vi phạm chế độ quản lý tang vật và chế độ quản lý kinh tế tài chính của Nhà nước.

Bên cạnh đó, theo bà Ngọc, đến nay hành vi vu khống của ông Tố vẫn chưa được xử lý. Đồng thời, việc ông Lê Thành Lưu, cán bộ quản lý thị trường huyện An Nhơn, đã sốt sắng trong việc "truy bắt tội phạm" sau khi nhận được bản fax của ông Tố gửi trực tiếp cho ông ta, có động cơ gì khác, vẫn chưa được làm rõ?

Điều đáng nói hơn, số tiền 157,5 triệu đồng là tang vật vụ án hình sự đến nay vẫn chưa trả lại cho bà Ngọc. Trong khi đó, theo khoản 1, điều 8, mục 2, Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội "Về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra" có ghi rõ: "Tài sản của người bị oan bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu phải được trả lại ngay".

Bà Ngọc cho biết, bà đề nghị bồi thường thiệt hại với số tiền 1,5 tỉ đồng. Hiện nay, việc thương lượng giữa VKSND tỉnh Hà Tĩnh và bà Ngọc đang được tiến hành. Về số tiền đề nghị bồi thường này, bà Ngọc cho biết: "Tôi có đầy đủ chứng từ. 1,5 tỉ đồng này là những tổn thất do những thiệt hại từ các hợp đồng đã ký, thiệt hại về vật chất do bị tổn hại sức khỏe, tiền lãi ngân hàng của 157,5 triệu đồng…".

. Lê Viết Thọ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
9 năm "cái kiến đi kiện…"  (28/10/2004)
Để sinh hoạt chi - đảng bộ cơ quan hấp dẫn, bổ ích  (27/10/2004)
Quản lý kém, đất công bị xà xẻo  (27/10/2004)
Gieo hạt trên đất khó  (26/10/2004)
Những khoảng cách và rút ngắn khoảng cách  (26/10/2004)
Nhớ mãi Trường Học sinh miền Nam số 16  (26/10/2004)
Gặp lại thầy Hiệu trưởng Trường HSMN cấp III đầu tiên trên đất Bắc  (26/10/2004)
Về cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh  (25/10/2004)
Chất độc da cam và nỗi đau của những trẻ thơ  (25/10/2004)
Tam Quan Bắc: Xây dựng tủ sách pháp luật đến tận thôn   (22/10/2004)
Dòng sông vẫn chảy  (22/10/2004)
Sử dụng điện thoại di động ngày càng phổ biến  (22/10/2004)
Vi phạm hành lang an toàn lưới điện: Bao giờ chấm dứt?   (21/10/2004)
27 năm gắn bó với Mầm non   (20/10/2004)
Qua phong trào xây dựng nhà tình thương cho phụ nữ nghèo: Ấm áp nghĩa tình  (20/10/2004)