Kỷ niệm 50 năm thành lập các trường HSMN trên đất Bắc (10.1954 - 10.2004)
Học sinh miền Nam - Trường học sinh miền Nam
10:58', 29/10/ 2004 (GMT+7)

Xuất hiện từ những năm 1954-1955, kết thúc vào giữa năm 1975, trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước vĩ đại, học sinh miền Nam (HSMN) - Trường HSMN đi vào lịch sử giáo dục như một ngôi sao sáng chói giữa những ngôi sao trường học Việt Nam, và đã trở thành một hiện tượng lịch sử giáo dục.

Bác Hồ đến thăm cô giáo và các cháu HSMN ở Hải Phòng trong dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6-1957

Đi đôi với những biến động của cách mạng miền Nam, các lớp cán bộ, chiến sĩ và nhiều học sinh, con em của đồng bào miền Nam ruột thịt từ đồng bằng sông Cửu Long đến sông Bến Hải, đã lần lượt lên đường ra miền Bắc, chủ yếu ở ba thời điểm và thời kỳ: sau tập kết (1954-1959); sau Đồng khởi (1960-1968); sau Tết Mậu Thân (1969-1975).

Tùy từng thời kỳ và hoàn cảnh cũng như đối tượng cụ thể của từng khu, từng miền trong Nam ra mà tổ chức, phân loại, sắp xếp HSMN vào học tại các trường phổ thông của học sinh miền Bắc, hoặc học tại các trường nội trú: Trường HSMN.

Trường HSMN, lúc nhiều nhất có đến 28 trường, có từ vỡ lòng, cấp 1, cấp 2 đến cấp 3; có trường dành cho con em các dân tộc ít người, Hoa kiều; có trường học theo chương trình phổ thông, có trường học theo chương trình bổ túc văn hóa; có trường nam riêng, nữ riêng. Các trường HSMN được xây dựng tại nhiều địa phương trên miền Bắc: Hà Nội, Sơn Tây, Hà Đông, Hòa Bình, Kiến An, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Yên, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An và ở Quế Lâm (Trung Quốc)…

Trong hoàn cảnh miền Bắc còn nghèo khổ, lại phải tập trung ưu tiên số một nhân tài, vật lực cho cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước, nhưng các trường HSMN đã được Đảng, Bác Hồ và nhân dân miền Bắc đầu tư ưu tiên về xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho việc nuôi và dạy học sinh; đầu tư về ngân sách; đầu tư ưu tiên về đội ngũ giáo viên, cán bộ công nhân viên và cán bộ quản lý chỉ đạo.

Để quản lý, Bộ Giáo dục tổ chức Khu giáo dục HSMN, rồi Cục I, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của một thứ trưởng, chuyên trách về các vấn đề giáo dục và sinh hoạt của các trường HSMN.

Cán bộ, giáo viên điều về các trường HSMN đều được chọn lọc kỹ càng trong số cán bộ, giáo viên tốt của miền Bắc, của miền Nam tập kết. Vừa có trình độ chuyên môn tốt vừa có phẩm chất đạo đức "thật thà đoàn kết, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình" (thư của Hồ Chủ tịch gửi học sinh và cán bộ các trường miền Nam ngày 1-6-1955). Với tình thương, tinh thần trách nhiệm, đội ngũ cán bộ, giáo viên đã vượt qua bao nhiêu khó khăn, thử thách của một loại nhà trường mới - trường nội trú, của một đối tượng học sinh mới, vươn tới thực hiện được mục tiêu đào tạo, sáng tạo được mô hình nhà trường mới: nuôi tốt, dạy tốt, học tốt.

Trường nội trú HSMN vừa là nhà thay mặt cha mẹ gia đình học sinh, chăm lo nuôi dưỡng con em nên người; vừa là trường có trách nhiệm nuôi dạy các em thành chiến sĩ, cán bộ nòng cốt theo mục tiêu đào tạo. Nội dung, phương pháp, tổ chức đào tạo "vừa là nhà, vừa là trường" là một đặc trưng lịch sử của trường HSMN. Đây là sự kết hợp hữu cơ giữa phương pháp giáo dục truyền thống của gia đình với các phương pháp sư phạm của nhà trường.

Bí quyết thành công của nhiều giáo viên trường HSMN là tiến hành công tác giáo dục bằng tình thương yêu học sinh đi đôi với tinh thần trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp. Cách dạy của giáo viên trường HSMN là vừa nghiêm túc vừa đi sâu vào kỹ thuật giảng dạy, phấn đấu dạy hay, dạy tốt chứ không dừng lại ở yêu cầu dạy đúng, dạy đủ.

Cô chú phục vụ các trường HSMN đã chăm lo cho học sinh như chăm lo cho con em mình. Cô chú đã dạy cho học sinh từ cách tắm rửa, giặt giũ, cách mặc quần áo. Mỗi khi học sinh ốm đau, hoặc những lo âu… trong những giây phút ấy, thầy cô là nơi nương tựa, là chỗ dựa tâm hồn, là nguồn an ủi để các em vươn lên.

Các HSMN được giáo dục toàn diện về văn - thể - mỹ và được chăm lo đầy đủ mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần. Trong điều kiện được dạy dỗ như vậy, đa số HSMN có phẩm chất chính trị tốt, có đủ kiến thức văn hóa, trở thành đội ngũ cán bộ quý, cung cấp nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý nhà nước, cán bộ khoa học - kỹ thuật của đất nước, cán bộ chỉ huy trong lực lượng vũ trang. Anh chị em HSMN khi rời ghế nhà trường đã tích cực tham gia vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiều người đã anh dũng hy sinh. Ngày nay, trong công cuộc xây dựng đất nước, nhiều HSMN trở thành những cán bộ quản lý chủ chốt, cán bộ khoa học- kỹ thuật nòng cốt của các tỉnh, thành phố trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị xã hội, văn hóa nghệ thuật, giáo dục, y tế, khoa học kỹ thuật…

Tính chung, HSMN được ra ăn học ở miền Bắc từ sau hiệp định Giơnevơ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng lên đến gần 30.000 học sinh, trong đó có hơn 1.000 học sinh tỉnh Bình Định. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có trên 160 thầy cô giáo, cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ các trường HSMN và hơn 900 HSMN (trong đó có gần 90 là người dân tộc thiểu số) đang sinh sống ở tỉnh nhà. Có 10 tiến sĩ, hơn 620 người có trình độ thạc sĩ, chuyên khoa 2, chuyên khoa 1 và đại học; 17 người có trình độ cao đẳng và hơn 80 người có trình độ trung học chuyên nghiệp đã và đang công tác trên nhiều lĩnh vực. Nhìn chung, ở bất kỳ lĩnh vực nào, ở bất kỳ địa phương nào trong tỉnh, đa số anh chị em đều đã phát huy những điều đã học được khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cống hiến hết sức mình phục vụ cho sự phát triển kinh tế - văn hóa- xã hội và an ninh của địa phương, của tỉnh, xứng đáng là HSMN.                    

.  Huỳnh Đăng Khanh

(Trưởng ban Liên lạc HSMN tỉnh Bình Định)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Doanh nghiệp Vạn Phát lại thải chất bẩn ra môi trường  (28/10/2004)
9 năm "cái kiến đi kiện…"  (28/10/2004)
Để sinh hoạt chi - đảng bộ cơ quan hấp dẫn, bổ ích  (27/10/2004)
Quản lý kém, đất công bị xà xẻo  (27/10/2004)
Gieo hạt trên đất khó  (26/10/2004)
Những khoảng cách và rút ngắn khoảng cách  (26/10/2004)
Nhớ mãi Trường Học sinh miền Nam số 16  (26/10/2004)
Gặp lại thầy Hiệu trưởng Trường HSMN cấp III đầu tiên trên đất Bắc  (26/10/2004)
Về cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh  (25/10/2004)
Chất độc da cam và nỗi đau của những trẻ thơ  (25/10/2004)
Tam Quan Bắc: Xây dựng tủ sách pháp luật đến tận thôn   (22/10/2004)
Dòng sông vẫn chảy  (22/10/2004)
Sử dụng điện thoại di động ngày càng phổ biến  (22/10/2004)
Vi phạm hành lang an toàn lưới điện: Bao giờ chấm dứt?   (21/10/2004)
27 năm gắn bó với Mầm non   (20/10/2004)