Trong những thế hệ học sinh miền Nam (HSMN) quê ở Bình Định ra Bắc học tập tại các trường HSMN trước đây, có rất nhiều cặp vợ chồng thành đạt. Họ đã và đang đóng góp một phần trí tuệ, tài năng và công sức của mình cho quê hương, đất nước trên các lĩnh vực công tác.
* Những năm tháng không thể nào quên
|
Ông Tô Tử Thanh và bà Bùi Thị Thanh Vân |
Năm 12 tuổi, ông Tô Tử Thanh được Đảng và Nhà nước đưa ra miền Bắc học tập. Ra Bắc, ông tiếp tục học ở các Trường HSMN số 3 (Nghệ An), số 11 (Như Quỳnh), số 24 (Hải Phòng), 28 (Hà Nam), 16 (Đông Triều). Còn bà Bùi Thị Thanh Vân- sau này là vợ ông- cũng theo gia đình tập kết ra Bắc và học tập ở các trường HSMN khi mới 5 tuổi. Năm 1962, ông Thanh tốt nghiệp cấp 3 và tiếp tục học tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, sau đó về công tác ở Vụ Phương pháp, chế độ của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (KHNN). Năm 1974, ông được cử sang Bungari làm nghiên cứu sinh và trở thành Phó tiến sĩ khoa học kinh tế (nay là tiến sĩ), trở về nước, công tác tại Viện Nghiên cứu kế hoạch hóa và quản lý ở Ủy ban KHNN. Những năm tháng học ở các trường HSMN đã để lại cho ông-bà nhiều kỷ niệm sâu sắc. Ông tâm sự: "Được sự chăm lo của Đảng và Bác Hồ, đặc biệt, các thầy giáo, cô giáo, bảo dưỡng các trường HSMN, chúng tôi đã cố gắng học tập, tiếp thu những kiến thức văn hóa, khoa học và rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thực, thẳng thắn, dám bảo vệ lẽ phải, đấu tranh chống lại những biểu hiện sai trái, tin tưởng vào con đường độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội do Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Nhờ đó, chúng tôi đã có được thành công như ngày hôm nay. Vợ chồng chúng tôi không bao giờ quên những năm tháng ấy".
Còn bà Vân thì bùi ngùi nhớ lại: "Môi trường sống và học tập ở các trường HSMN thật thuần khiết. Có thể nói đây chính là thời điểm mà tình đồng đội, tình anh em của những HSMN xa nhà, xa quê được nảy nở, thăng hoa vượt lên trên những khó khăn, thiếu thốn của đời thường...". Thật vậy, với khả năng chuyên môn và bản lĩnh chính trị vững vàng, sau ngày thống nhất đất nước, ông Tô Tử Thanh đã được Đảng và Nhà nước tín nhiệm cử giữ các chức vụ: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Quy Nhơn; Phó Bí thư Tỉnh ủy; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh. Đại biểu Quốc hội các khóa IX và X. Trong quá trình công tác, ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huân chương Lao động hạng II; 46 huy chương và kỷ niệm chương do các ban ngành trung ương tặng; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Năm 2003, ông nghỉ hưu. Còn bà Bùi Thị Thanh Vân tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và trở về quê hương, công tác tại Ty Công nghiệp Nghĩa Bình. Hiện nay bà là Giám đốc Công ty Giày Bình Định, Ủy viên BCH Đảng ủy khối Doanh nghiệp, kiêm Bí thư Đảng ủy của công ty. Bà đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III; Chiến sĩ thi đua toàn quốc thời kỳ đổi mới; Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; bằng LĐST… Con đường công danh, sự nghiệp và gia đình riêng của ông bà đều vẹn toàn.
* Tâm đầu, ý hợp
Ông Nguyễn Minh Châu tốt nghiệp cấp 3 Trường HSMN số 24, sau đó tiếp tục học đại học ở Liên Xô. Còn bà Bùi Thị Xuân Mai, người bạn đời của ông, từng là nữ sinh các Trường HSMN số 2, 11, 6 và tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông, bà lập gia đình vào một ngày đầu thu năm 1972. Lúc đó, ông đang là cán bộ giảng dạy Trường Đại học Bách khoa Hà Nội còn bà là phóng viên, biên tập viên Đài Phát thanh Giải phóng ở Hà Nội. Ngày ông, bà tổ chức cưới cũng là thời điểm Mỹ tiến hành chiến tranh đánh phá miền Bắc, đặc biệt là ở Hà Nội rất ác liệt.
|
Ông Nguyễn Minh Châu và bà Bùi Thị Xuân Mai |
Vợ chồng ông bà Châu - Mai rất tâm đầu, ý hợp. Vượt qua những khó khăn của bản thân trong hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh và suốt thời gian dài của thời bao cấp, ông - bà đã tạo điều kiện cho nhau cùng tiến bộ. Ông bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ ở Liên Xô (nay là Tiến sĩ) và trở về quê hương phục vụ tại Trường ĐHSP Quy Nhơn (nay là Đại học Quy Nhơn). Ông đã giữ các chức vụ Hiệu trưởng và Bí thư Đảng ủy, được Nhà nước tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Huân chương Lao động hạng 3. Còn bà, sau giải phóng đã chia tay đồng nghiệp ở Hà Nội trở về quê hương Bình Định, công tác tại Sở VHTT. Bà đã từng giữ các chức vụ Giám đốc Trung tâm VHTT tỉnh; Phó Tổng Biên tập Báo Bình Định, Ủy viên BCH Đảng ủy Dân- Chính - Đảng, Bí thư Chi bộ Báo Bình Định. Ngoài công tác chuyên môn làm báo, bà Xuân Mai còn có niềm vui hoạt động văn học. Bà đã xuất bản 3 tập thơ, được Chính phủ tặng bằng khen, UBND tỉnh Bình Định 2 lần tặng giải thưởng Văn học nghệ thuật Xuân Diệu- Đào Tấn.
* Từ bạn học thành bạn đời
Năm 1963, ông Phạm Văn Thanh, khi mới còn là chàng trai trẻ 14 tuổi (quê ở xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn), được đưa ra miền Bắc học tập. Ông vào học Trường HSMN số 11, cùng lớp với bà Đỗ Thị Kim Tiến (vợ ông sau này). Bà Tiến cũng là HSMN, quê ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam và đã theo gia đình tập kết ra Bắc từ năm 1954. Hai người biết nhau từ đó. "Hồi đó, gia đình tôi vẫn ở Bình Định, nên với tôi, trường lớp, bạn bè và tình cảm của người dân miền Bắc với HSMN là tất cả. Mà tình cảm đó thì thật nồng ấm. Nhớ nhất là hơi ấm ổ rơm của những gia đình nông thôn miền Bắc. Dẫu vậy, nhưng tâm trạng của những HSMN như tôi lúc nào cũng hướng về quê hương đang trong khói lửa của chiến tranh. Nơi đó, có gia đình, có quê hương, làng xóm, có những bạn bè đang chiến đấu" - ông Thanh nhớ lại.
Học đến lớp 7, bà Tiến chuyển ra học trường ngoài, còn ông Thanh thì vẫn tiếp tục học trường miền Nam. Vậy rồi, cũng thật tình cờ, năm 1970, cả hai cùng được cử sang Liên Xô học đại học. Họ lại gặp nhau trong một lớp dự bị tại Minxcơ (Bêlarút). Và tình cảm giữa họ đã nhen lên từ đó. Có lẽ, chính cái tâm trạng thường trực lúc nào cũng hướng về quê hương, mong ngóng được đem những kiến thức đã học về phục vụ quê hương, đã đưa họ lại gần nhau hơn. Sau một năm học dự bị, ông Thanh theo học ngành cơ khí tại Trường Đại học Bách khoa tại Lêningrát (St. Peterbourg hiện nay), còn bà Tiến lại học sinh - hóa ở Viện Đại học Matxcơva. Cách nhau hơn 700 km, những ngày nghỉ, ông Thanh lại đáp chuyến tàu tốc hành lên Matxcơva.
Năm 1976, tốt nghiệp đại học, ông Thanh về nước. Có tiêu chuẩn dạy tại Đại học Bách khoa Hà Nội, nhưng ông Thanh xin trở về quê hương, giảng dạy tại Trường Kỹ thuật Cơ điện (nay là Trường Công nhân Kỹ thuật Bình Định). Còn bà Tiến, về nước sau đó nửa năm, được phân công giảng dạy tại một trường đại học ở Hà Nội, nhưng bà xin vào Bình Định làm việc. Kinh qua nhiều vị trí công tác, đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau, nhưng kỷ niệm về những ngày là HSMN trên đất Bắc, tình cảm ấm nồng của người dân miền Bắc, tấm lòng của các thầy cô trường HSMN, vẫn như ngọn lửa, thôi thúc họ không ngừng học tập, phấn đấu. Hiện nay ông Thanh đã là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Quy Nhơn, còn bà Tiến là Giám đốc Xí nghiệp Giày An Phú.
. Quỳnh Hoa - Viết Thọ |