Phú Văn, làng nghèo - giàu chữ
15:18', 31/10/ 2004 (GMT+7)

. Ghi chép của Xuân Nguyên

Chúng tôi đến Phú Văn, một ngôi làng nhỏ thuộc xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, mảnh đất nằm giữa 2 con sông Kim Sơn và An Lão, vào những ngày cuối tháng 10 này. Chẳng biết cái tên Phú Văn có phải là tên gọi của một mảnh đất văn chương, khoa bảng hay không nhưng đã từ lâu vùng đất này nổi tiếng về truyền thống học hành, đỗ đạt.

Lúc trước, Phú Văn có ông Lê Truân đậu thủ khoa kỳ thi Cử nhân cuối cùng của Bình Định thời phong kiến (năm Bính Ngọ - 1906) khi vừa tròn 23 tuổi. Phát huy truyền thống quí báu đó, lớp trẻ Phú Văn ngày nay đã vượt khó vươn lên, học hành "đến nơi đến chốn".

Đến Phú Văn, điều làm chúng tôi ngạc nhiên hơn cả là những người nông dân chấn chất ở đây quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", cả cuộc đời chỉ biết quanh quẩn, tảo tần với mảnh ruộng, thửa vườn, nhiều nhà còn nghèo, nhà cửa còn rất đơn sơ nhưng họ cùng có chung quyết tâm chăm lo việc học cho con em mình. Và đến giờ, ở Phú Văn đã có hơn 20 nhà có con đã và đang học đại học, cao đẳng. Nhà nhiều nhất có 6 con học đại học, cao đẳng, như gia đình ông Trương Công Quý; có 4 con như gia đình ông Nguyễn Khắc Sinh; có 3 con học đại học, cao đẳng như gia đình các ông Nguyễn Văn Độ, Lâm Văn Hòa, Đỗ Đình Long...

Ông Lê Trọng Hy, Phó chủ tịch Hội khuyến học huyện Hoài Ân cho chúng tôi biết: Phú Văn còn rất nhiều gia đình nghèo nhưng không vì thế mà họ để con em mình học hành dang dở. Làm ruộng không đủ lo cho con ăn học thì họ đã mạnh dạn đi vay tiền để lo cho con ăn học. Trong kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng vừa qua, làng Phú Văn lại có thêm 8 học sinh trúng tuyển, nâng tổng số người đã và đang học tại các trường đại học, cao đẳng của mảnh đất nhỏ bé này lên con số trên dưới 40. Đây quả thật là một điều hết sức đáng trân trọng.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Trương Công Quý, một lão nông ở Phú Văn đã có 6 con học đại học, cao đẳng. Năm nay dù đã bước sang tuổi 80 và trên gương mặt vẫn còn hằn rõ nét khắc khổ của một người suốt đời lam lũ vì con nhưng trông ông Quý còn khỏe lắm. Ngồi trong ngôi nhà mới khang trang còn thơm mùi vôi, vữa, ông Quý khoe các con ông vừa gởi tiền về để dựng lại ngôi nhà ngói ba gian này với mong muốn vợ chồng ông bớt cơ cực, vui hưởng tuổi già. Ông Quý nói như tâm sự: Vợ chồng ông có tất cả 8 người con. Gia đình đông con lại chỉ làm ruộng nên thường thiếu trước, hụt sau. Thế nhưng thấy các con chịu khó học hành, ông đã quyết tâm cho con ăn học đến nơi đến chốn với hy vọng đời con, đời cháu ông sẽ khá hơn. Trong những năm qua, vợ chồng ông Quý đã lao động cật lực và chắt chiu dành dụm để lo cho các con ăn học. Những năm mùa màng thất bát, vợ chồng ông phải vay tiền tại Quỹ tín dụng nhân dân Phú Cường (Hoài Ân) để lo cho các con có điều kiện theo đuổi việc học. Hiện nay gia đình ông Quý đã có 5 người con tốt nghiệp đại học, cao đẳng và đã có việc làm ổn định. Cô con gái út của ông cũng vừa trúng tuyển vào trường Cao đẳng Công nghệ TPHCM.

Cũng như gia đình ông Quý, gia đình ông Nguyễn Khắc Sinh cũng có 4 con học đại học. Anh con trai đầu tốt nghiệp Đại học Y về làm bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn. 2 cô con gái kế tiếp cũng đã tốt nghiệp đại học hiện đang công tác tại TPHCM, còn cô con gái út năm nay đang học năm thứ ba Đại học Kinh tế. Ông Sinh kể: Cũng như nhiều gia đình ở Phú Văn, vợ chồng ông làm ruộng nên cuộc sống gia đình khá vất vả nhưng bù lại là các con ông đều chăm học và học giỏi. Cô con gái Nguyễn Thị Thu Vân từng là thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của trường Tăng Bạt Hổ (Hoài Nhơn) và thi đậu cùng một lúc 3 trường đại học ngay năm đầu. Thấy các con chăm học lại học giỏi nên vợ chồng ông đã nung nấu quyết tâm cực mấy cũng nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Nói thì dễ vậy nhưng theo ông Sinh, để nuôi được các con ăn học đại học với những nông dân như vợ chồng ông, thì lại là một chuyện lớn. Ông Sinh nhớ lại: Những năm anh con trai đầu là Nguyễn Khắc Tuấn sắp tốt nghiệp trường Y rồi cô con gái kế là Nguyễn Thị Thu Vân vào đại học, vợ chồng ông đã chạy vạy tất tả để lo cho các con ăn học. Vợ chồng ông đã thuê đất, xoay xở trồng đủ thứ hoa màu để nâng cao thu nhập mà lo cho con. Những lúc khó khăn vợ chồng ông vay mượn tiền của bạn bè, vay của Quỹ tín dụng nhân dân Phú Cường để có tiền cho con đeo đuổi việc học. Bây giờ, những nhọc nhằn, vất vả của vợ chồng ông Sinh đã được bù đắp bằng việc các con học hành đến nơi đến chốn, hoàn thành tâm nguyện của cha mẹ. Vợ chồng ông Sinh vui và mãn nguyện lắm.

Chia tay với chúng tôi, nhiều người dân ở Phú Văn còn cho biết: Mảnh đất nghèo này hiện còn nhiều học sinh hiếu học, học giỏi nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn đành phải bỏ học. Mong sao, ngành giáo dục đào tạo, Hội khuyến học các cấp cùng các tổ chức và cá nhân hảo tâm hãy tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ để lớp trẻ Phú Văn hôm nay tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, góp sức xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp hơn.

. Xuân Nguyên

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những cặp vợ chồng cùng thành đạt  (29/10/2004)
Học sinh miền Nam - Trường học sinh miền Nam  (29/10/2004)
Doanh nghiệp Vạn Phát lại thải chất bẩn ra môi trường  (28/10/2004)
9 năm "cái kiến đi kiện…"  (28/10/2004)
Để sinh hoạt chi - đảng bộ cơ quan hấp dẫn, bổ ích  (27/10/2004)
Quản lý kém, đất công bị xà xẻo  (27/10/2004)
Gieo hạt trên đất khó  (26/10/2004)
Những khoảng cách và rút ngắn khoảng cách  (26/10/2004)
Nhớ mãi Trường Học sinh miền Nam số 16  (26/10/2004)
Gặp lại thầy Hiệu trưởng Trường HSMN cấp III đầu tiên trên đất Bắc  (26/10/2004)
Về cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh  (25/10/2004)
Chất độc da cam và nỗi đau của những trẻ thơ  (25/10/2004)
Tam Quan Bắc: Xây dựng tủ sách pháp luật đến tận thôn   (22/10/2004)
Dòng sông vẫn chảy  (22/10/2004)
Sử dụng điện thoại di động ngày càng phổ biến  (22/10/2004)