Xét xử vụ buôn lậu của Công ty Cencoopimex:
Những khuất tất của vụ án sẽ được làm sáng tỏ?
10:0', 1/11/ 2004 (GMT+7)

Ngày mai (2-11), tại TP. Quy Nhơn, TAND tỉnh Bình Định sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm công khai vụ án Trương Đình Xuân và đồng bọn can tội "buôn lậu", xảy ra tại Công ty Sản xuất, xuất nhập khẩu tiểu thủ công nghiệp Miền Trung (Cencoopimex). Dư luận mong mỏi những khuất tất xung quanh vụ án sẽ được làm sáng tỏ tại phiên tòa này…

* Lật lại hồ sơ vụ án

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh đang kiểm tra lô hàng linh kiện xe máy của Công ty Cencoopimex

Vụ việc xảy ra vào khoảng tháng 10-2002. Ngày 11-10-2002, Công ty Sản xuất, xuất nhập khẩu công nghiệp Phú Yên (gọi tắt là Công ty Phú Yên) được Bộ Thương mại cấp giấy phép nhập khẩu 22.000 bộ linh kiện xe hai bánh gắn máy để lắp ráp. Công ty đã nhập khẩu 10.000 bộ, còn lại chưa nhập là 12.000 bộ. Ngày 25-10-2002, ông Trần Quang Bình, Giám đốc Công ty Phú Yên, cùng với ông Trương Đình Xuân, Giám đốc Cencoopimex đã bàn bạc, thống nhất ký biên bản ghi nhớ với nội dung: Công ty Phú Yên đồng ý nhượng lại hạn ngạch nhập khẩu linh kiện xe máy hai bánh theo tỉ lệ nội địa hóa cho Cencoopimex với số lượng 12.000 bộ. Giá trị bên Cencoopimex phải trả cho Công ty Phú Yên là 20USD/bộ. Cencoopimex chịu trách nhiệm ứng toàn bộ vốn mở LC và thanh toán LC để nhập khẩu linh kiện, đồng thời nộp thuế nhập khẩu, thuế VAT theo thông báo thuế của Hải quan và mua toàn bộ linh kiện nội địa hóa theo nội dung danh mục mà Công ty Phú Yên đăng ký. Cencoopimex chịu toàn bộ chi phí giao nhận hàng nhập khẩu và nội địa, thủ tục đăng kiểm. Công ty Phú Yên đồng ý cho Cencoopimex lắp ráp tại xưởng của Cencoopimex và cam kết nhượng lại đủ hạn ngạch nhập khẩu cho Cencoopimex là 12.000 bộ.

Ngày 2-11-2002, để hợp thức hóa việc mua bán hạn ngạch nhập khẩu nêu trên, 2 ông Bình, Xuân lại thống nhất ký Biên bản thỏa thuận về việc "Hợp tác kinh doanh, lắp ráp và mua bán xe máy" với nội dung: Cencoopimex có trách nhiệm làm việc với khách nước ngoài mua hàng và tự chịu trách nhiệm chất lượng và chủng loại hàng hóa; còn Công ty Phú Yên thì mua các chi tiết linh kiện nội địa hóa trong nước (giá mua do Công ty Phú Yên tự thỏa thuận với nhà cung cấp). Ngược lại, Công ty Phú Yên có trách nhiệm ký hợp đồng ngoại thương, mở LC thanh toán cho khách hàng theo đề nghị của Công ty Phú Yên; ký hợp đồng bán toàn bộ 12.000 xe thành phẩm cho Cencoopimex, mở tờ khai hải quan, làm thủ tục đăng kiểm lô hàng…

Thủ đoạn của việc ký kết các hợp đồng nói trên là nhằm để Cencoopimex được vay tiền ngân hàng và hợp thức hồ sơ để được hưởng chính sách của Nhà nước giảm thuế nhập khẩu đối với cơ sở sản xuất có đăng ký nội địa hóa.

Trên cơ sở đó, ngày 7-11-2002, ông Trương Đình Xuân đã sang Trung Quốc đặt mua của Công ty Chong Qing 12.000 bộ linh kiện xe máy. Ngày 8-11-2002, Công ty Phú Yên đã ký hợp đồng (có chữ ký nháy của ông Xuân) mua của Chong Qing 12.000 bộ linh kiện xe gắn máy mới 100% (không có khung xe) giá 208USD/bộ, gồm: 4.000 bộ kiểu Dream II cao, 4.000 bộ kiểu Dream II lùn, 4.000 bộ kiểu Best. Tổng trị giá của lô hàng là gần 2,5 triệu USD. Để có tiền nhập khẩu lô hàng trên, Trương Đình Xuân đã làm thủ tục vay của Ngân hàng Ngoại thương Quy Nhơn trên 63 tỉ đồng.

Ngày 24-12-2002, lô hàng 12.000 bộ linh kiện xe máy về tới Cảng Quy Nhơn. Mặc dù phát hiện lô hàng không đúng với tờ khai, nhưng một số cán bộ, nhân viên Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Quy Nhơn (HQCKCQN) đã "lờ" đi và cho thông quan.

Tháng 3-2003, phát hiện lô hàng 12.000 bộ linh kiện xe máy có biểu hiện nhập lậu, Cục Cảnh sát Kinh tế - Bộ Công an đã tiến hành xác minh, kiểm tra lô hàng. Qua giám định, cơ quan chức năng xác định: Tổng trị giá hàng nhập lậu là trên 21 tỉ đồng. Trên cơ sở đó, ngày 30-6-2003, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án về tội "buôn lậu" đối với Cencoopimex. Tiếp đó, trong 2 năm 2003,2004, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã liên tiếp ra các quyết định khởi tố bị can đối với 13 bị can liên quan đến vụ án. Ngày 11-8-2004, Viện trưởng VKSND Tối cao đã ra cáo trạng truy tố 13 bị can liên quan đến vụ án. Trên cơ sở đó, ngày 19-10-2004, TAND tỉnh Bình Định quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm công khai.

* Dư luận chờ đợi gì ở phiên tòa?

Ngày mai, 13 bị can sẽ phải ra đứng trước vành móng ngựa. Trong số này có 3 bị can bị truy tố về tội "buôn lậu" là Trương Đình Xuân (nguyên Giám đốc Cencoopimex); Lê Văn Thành (nguyên Phó giám đốc Cencoopimex), và Trần Quang Bình (nguyên Giám đốc Công ty Phú Yên); 8 bị can nguyên là cán bộ HQCKCQN bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" gồm: Trần Điền (nguyên Chi cục trưởng); Trần Phi Long (nguyên Đội phó Đội thủ tục); Trần Vĩnh Phước (nguyên Tổ trưởng Tổ kiểm hóa); Ngô Hữu Tuấn, Tô Văn Minh, Ngô Lê Phương, Bùi Bá Hùng, Võ Tuấn (nguyên các cán bộ kiểm hóa); 1 bị can bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" là Ngô Hữu Chính (nguyên Cục trưởng Cục HQBĐ) và 1 bị can bị truy tố về tội "che giấu tội phạm" là Đào Minh Tùng (nguyên Phó phòng Tin học - Cencoopimex).

Vấn đề mà dư luận quan tâm và đặt ra nhiều câu hỏi là: Làm thế nào Cencoopimex lại được "ưu tiên" về thuế, vay tiền ngân hàng để mua linh kiện xe máy dễ dàng như vậy? Bằng cách nào mà 12.000 bộ linh kiện xe máy có thể dễ dàng lọt qua HQCKCQN? Vai trò của bị can Ngô Hữu Chính trong vụ án này thế nào? Vì sao bị can Ngô Hữu Chính từng bị truy tố về tội "buôn lậu" theo Điều 153 BLHS, rồi lại chuyển thành tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"? Tất cả sẽ được trả lời qua phiên tòa.

. V. Công

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Phú Văn, làng nghèo - giàu chữ  (31/10/2004)
Những cặp vợ chồng cùng thành đạt  (29/10/2004)
Học sinh miền Nam - Trường học sinh miền Nam  (29/10/2004)
Doanh nghiệp Vạn Phát lại thải chất bẩn ra môi trường  (28/10/2004)
9 năm "cái kiến đi kiện…"  (28/10/2004)
Để sinh hoạt chi - đảng bộ cơ quan hấp dẫn, bổ ích  (27/10/2004)
Quản lý kém, đất công bị xà xẻo  (27/10/2004)
Gieo hạt trên đất khó  (26/10/2004)
Những khoảng cách và rút ngắn khoảng cách  (26/10/2004)
Nhớ mãi Trường Học sinh miền Nam số 16  (26/10/2004)
Gặp lại thầy Hiệu trưởng Trường HSMN cấp III đầu tiên trên đất Bắc  (26/10/2004)
Về cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh  (25/10/2004)
Chất độc da cam và nỗi đau của những trẻ thơ  (25/10/2004)
Tam Quan Bắc: Xây dựng tủ sách pháp luật đến tận thôn   (22/10/2004)
Dòng sông vẫn chảy  (22/10/2004)