Ốc, dắc là loại ốc gạo chỉ nhỏ bằng hạt bắp thường sinh sống ở vùng đầm Thị Nại kéo dài từ thành phố Quy Nhơn đến dọc các xã ven đầm Thị Nại của huyện Tuy Phước. Ốc - dắc chính là nguồn thức ăn không thể thiếu của nghề nuôi gia cầm đặc biệt là nghề nuôi vịt đẻ. Và khi chăn nuôi phát triển, nhu cầu ốc, dắc tăng cao, việc đi cào loài nhuyễn thể này trở thành một nghề khiến bà con sinh sống ven đầm khá hẳn lên.
|
Nhiều phụ nữ kiếm sống bằng nghề cào súc, đào phễnh ở bãi sông |
Xóm Tân Cường (còn gọi là xóm Trủ vì người dân ở đây ngày trước chuyên làm nghề trủ lưới) ở thôn Tân Giản, xã Phước Hòa là nơi nghề cào ốc, cào dắc phát triển mạnh. Ông Nguyễn Văn Ba - trưởng thôn Tân Giản cho biết: "Thật ra, nghề cào ốc, cào dắc chỉ mới phát triển mạnh từ 5 năm trở lại đây. Nghề này đầu tiên chỉ có ông Nguyễn Minh Tú bỏ vốn mua ghe máy đi cào để kiếm đồng ra đồng vô cải thiện chút ít đời sống gia đình. Về sau nghề chăn nuôi gia cầm phát triển mạnh, nhu cầu tiêu thụ ốc, dắc tăng cao, nghề đi cào đem lại thu nhập khá, bà con trong xóm thấy vậy cũng bắt chước sắm sõng, sắm ghe máy làm theo. Hiện tại, cả xóm có 40 ghe máy và từ 40 - 50 chiếc sõng làm nghề này. Nhờ nghề cào ốc, cào dắc mà xóm nghèo Tân Cường khá lên trông thấy".
Làm nghề cào ốc, dắc phải đi theo con nước thủy triều. Theo con nước cuối tháng Giêng, người ta đi lúc 4 giờ sáng, cỡ giữa trưa thì về. Nếu con nước ròng, phải đi từ lúc chiều, cào đến sáng hôm sau; con nước ròng buổi chiều cào đến nửa đêm mới về. Thường thì lúc triều xuống, bà con ở xóm Tân Cường lại kéo sõng hay chạy ghe máy xuôi theo dòng sông Gò Bồi tiến ra đầm Thị Nại bắt đầu hành nghề. Theo dòng nước, người đứng sau đuôi ghe hoặc sõng cầm chiếc cào (làm bằng tre, dài hơn 3m, miệng cào làm bằng sắt gắn lưới thép) xuống nước. Người cầm cào tùy theo độ nông sâu của con nước mà điều khiển cây cào cho phù hợp, vừa cho ghe - sõng tiến về phía trước vừa cào liên tục. Thường thì trên mỗi sõng hoặc ghe máy có 2 người đi để thay phiên nhau cào. Anh Bảy Thời - một thợ cào chuyên nghiệp cho biết: "Nghề này cần phải có sức khỏe thật tốt, nếu không thì làm không nổi. Khi cào được chừng 20 thúng thì có thể cho ghe quay về".
Khi ghe cào về đến bến đỗ thì người hành nghề lại xúc ốc, dắc ra đãi lại lần nữa để loại sạch cát sạn rồi chất thành đống chờ tiêu thụ. Đã quen hàng nên cứ thế đầu nậu đến đong, trả tiền và chở đi bỏ khắp các chòi chăn nuôi vịt. Vì đây là món ăn mà lũ vịt đẻ rất "khoái khẩu" nên ốc, dắc chưa bao giờ ế. Ốc, dắc bán theo ký, cứ mỗi ký như vậy có giá từ 700 - 1.000 đồng, hôm có nhiều thì giá nhẹ hơn một chút. Nhiều hộ hành nghề cào ốc, dắc cho biết: Một buổi đi cào nếu đi bằng sõng thì kiếm được từ 30.000 - 50.000đ/người. Còn cào bằng ghe máy thì được gấp đôi. Anh Bảy Thời cho chúng tôi biết: "Tôi làm nghề này được 7 năm rồi, 2 năm đầu chưa sắm được ghe. Sau thấy nghề này có thu nhập khá nên tôi cũng mạnh dạn đi vay Quỹ Tín dụng Phước Hòa được 5 triệu đồng, cộng với 2 triệu đồng để dành được mua ngay 1 chiếc ghe máy trị giá 7 triệu đồng. Bây giờ chẳng những trả xong nợ tín dụng mà còn xây dựng được nhà cửa đàng hoàng".
Ốc, dắc sinh sản rất nhanh, liên tục quanh năm nhưng mạnh nhất là vào mùa lũ. Mùa lũ lại là lúc thợ cào nghỉ việc nên nguồn lợi này có điều kiện phát triển ổn định. Sự tồn vong của loài nhuyễn thể này cũng như đời sống của thợ cào, chỉ sợ có đám xung điện, xiếc máy - Nhiều thợ cào cho biết như vậy.
Gần đây, nghề nuôi vịt đẻ ở vùng ven đầm phát triển mạnh, chỉ tính riêng 3 thôn Tân Giản, Huỳnh Giản và Kim Đông (Phước Hòa) đã có thêm gần 350 hộ nuôi vịt đẻ, nhiều hộ nuôi trước tăng gấp đôi gấp ba số lượng đàn, nhu cầu mua ốc, dắc làm thức ăn chăn nuôi tăng đột biến. Anh Đoàn Văn Minh - một người nuôi vịt đẻ ở Phước Hòa (Tuy Phước) cho biết: "Thức ăn của vịt đẻ phải được bổ sung các loài nhuyễn thể thì trứng mới đạt yêu cầu. Ốc, dắc vừa rẻ, vừa dễ chế biến nên rất phù hợp. Tính bình quân mỗi ngày 100 con vịt đẻ cần 12 - 13 kg cám thực phẩm và 1 thúng ốc, dắc. Nếu thiếu ốc, dắc thì lượng thức ăn thực phẩm sẽ tăng lên tới 16 kg. Chi phí cao hơn nhưng chất lượng trứng lại thua kém rất xa (vỏ trứng mỏng, lòng đỏ giảm nhiều). Người nuôi vịt nếu không được cung cấp đủ ốc, dắc, không dám tăng đàn".
Hiện nay, huyện Tuy Phước đang tạo nhiều điều kiện thuận lợi để bà con thiếu vốn được vay vốn mua ghe máy hành nghề, đồng thời cơ quan khuyến ngư cũng vận động các hộ hành nghề xung điện, xiếc máy chuyển sang nghề này.
. Hải Âu |