Dạy thêm, học thêm (DTHT) tràn lan là vấn đề nổi cộm đáng suy nghĩ hiện nay. Ngoài lý do chủ quan từ phía giáo viên (GV), học sinh (HS), phụ huynh, có những lý do dẫn đến DTHT thuộc dạng bất khả kháng như: chương trình học còn nặng, phương thức thi cử không sát chương trình học, áp lực học tập từ phụ huynh với con em mình... Từ đó đã hình thành tâm lý không thể không học thêm nếu muốn con mình có kết quả học tập tốt.
* Học thêm: từ mẫu giáo đến lớp 12
|
Để con em mình học giỏi là điều phụ huynh nào cũng mong muốn |
DTHT hiện có ở tất cả các lớp của các bậc học phổ thông. Các cháu mẫu giáo học thêm để biết chữ trước khi vào lớp 1. Đến khi vào lớp 1 cho đến lớp 12, hầu hết HS đều không tránh khỏi chuyện học thêm. Giỏi thì đi học thêm để giỏi hơn, dở thì càng phải đi học thêm, không giỏi không dở cũng phải đi học thêm để vươn lên, để không "khác người", để khỏi bị thầy cô "để ý", cuối cấp lại càng phải đi học thêm để thi tốt nghiệp, ĐH...
Thời khóa biểu của Phương- HS lớp 12 Trường Quốc Học (Quy Nhơn): thứ Hai, Tư, Sáu, buổi chiều, 14h đến 16h học Toán, 16h đến 18h học Lý; chiều thứ Ba, Năm, Bảy, 16h đến 18h học Hóa. Em than rằng với lịch học gần như kín hết cả tuần, em không còn thời gian tự học, giải trí. Và bạn bè em cũng ở vào tình cảnh như vậy. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc DTHT tràn lan: chương trình học còn nặng; phương thức thi cử không sát chương trình học; áp lực về việc học của phụ huynh đối với con cái; và không thể không đề cập đến nguyên nhân một số GV ép HS học thêm để kiếm tiền...
Hiện nay, bên cạnh các lớp dạy thêm do trường tổ chức (hợp pháp), một số GV vẫn lén lút hoặc công khai dạy thêm tại nhà, dù biết là trái quy định. Lớp học thêm tại nhà có thể được tổ chức ở nhà riêng của thầy cô hoặc là một địa điểm thuê mướn. Chỉ cần một căn phòng chừng hơn chục mét vuông, kê năm bảy bộ bàn ghế, một cái bảng mica, vậy là thành lớp học. Phó hiệu trưởng một trường THPT có tiếng ở Quy Nhơn thừa nhận: "Thực tế là trường cũng có một số GV dạy thêm ở nhà. Việc này thì Sở biết, trường biết, GV cũng nói thẳng là họ có dạy. Nhưng chúng tôi cũng chỉ động viên họ về trường dạy, chứ làm căng quá thì hơi khó vì nhiều GV trường khác cũng dạy thêm, cấm thì GV trường mình phân bì. Hơn nữa, mức thu học thêm mỗi môn ở trường theo quy định chỉ có 20.000đ/em/tháng là quá thấp, trong khi đó dạy thêm ở nhà hay ở trung tâm thì GV thu 40.000 - 50.000đ/em/tháng. Chúng tôi đang kiến nghị Sở GD-ĐT thống nhất quy định mức thu giữa dạy thêm ở trường với dạy ở trung tâm và nếu cấm DTHT ở nhà thì phải có biện pháp mạnh, triệt để, đồng bộ".
* Nguyên nhân từ đâu?
Người viết bài này không có ý bênh vực cho chuyện DTHT tràn lan nhưng khách quan mà nói, có những nguyên nhân khiến HS và GV phải trở thành người trong cuộc bất đắc dĩ. Chuyện DTHT, không phải thầy cô muốn dạy là dạy được, mặc dù họ có thể có nhiều mánh để bắt HS phải học thêm như: để dành kiến thức của giờ chính khóa dạy ở lớp học thêm; kiểm tra chất lượng đầu năm bằng đề quá khó để HS làm bài điểm thấp, buộc phải đi học thêm; dùng những bài tập đã dạy ở lớp học thêm để cho bài kiểm tra ở lớp chính khóa...
Với chương trình giáo dục như hiện nay thì, trong một chừng mực nào đó, thầy cô, nhà trường, HS và phụ huynh đều muốn DTHT. Trường THPT Trưng Vương tổ chức dạy thêm vào buổi chiều cho cả 3 khối lớp. HS học lực yếu học thêm miễn phí 1 buổi/tuần; HS khối 12 phải học thêm tất cả các buổi chiều để rèn luyện kỹ năng làm bài tập và bổ trợ kiến thức nhằm thi đậu ĐH, CĐ; HS khối 10 và 11 thì có 5 môn để chọn học. Theo bà Bùi Thị Thanh Thủy- Hiệu trưởng nhà trường - thì đó là biện pháp để nâng cao chất lượng HS của trường. Nhiều trường THCS, THPT khác trong tỉnh cũng tổ chức dạy thêm tại trường cho HS.
Với các em HS cấp I, chuyện phải đi học thêm quả là vô lý, nhưng có những lý do rất cần được thông cảm. Chị Thu Hiền, có con học lớp 4 Trường Tiểu học Ngô Mây (Quy Nhơn) nói: "Tôi cũng muốn dạy con học nhưng với nhiều bài khó thì đành phải bó tay, vả lại dù sao cô giáo dạy cháu cũng tiếp thu tốt hơn học với cha mẹ nên tôi cho cháu đi học thêm". Một GV (giấu tên) dạy lớp 1 Trường Tiểu học Lê Hồng Phong đã xác thực điều này: "Chương trình cấp I hiện nay nặng và không sát với thực tế. Nhiều em học không theo được cùng các bạn trên lớp. Lớp 1 là lớp nền móng nên đòi hỏi các em phải nắm vững kiến thức. Việc học thêm là cần thiết vì chương trình cao hơn, lại mới thay đổi nên cha mẹ không thể dạy con theo đúng phương pháp, đúng cách được. Nhưng cũng có một số phụ huynh nghĩ gởi con cho cô là con mình được xếp loại giỏi nên cứ cho trẻ đi học thêm dù không cần thiết".
HS học yếu đã đành, có khi học khá, giỏi cũng phải đi học thêm, bởi một lý do hết sức tế nhị nhưng cần được chia sẻ. Anh Sanh, có con học lớp 7 cho biết con anh học giỏi và rất lanh lợi. Vậy nhưng anh vẫn phải cho con đi học thêm nhà cô giáo đang dạy cháu trên lớp. Lý do là sau một thời gian không đi học thêm, con anh ít hòa đồng được với bạn cùng lớp vì đa số các bạn khác đều đi học thêm. Nhìn con bé như thuộc về một thế giới khác giữa các bạn cùng lớp, anh cầm lòng không đậu bèn cho con đi học thêm.
Với HS cấp II và cấp III thì chuyện học thêm thường được chấp nhận như một điều tất yếu. Với phương thức thi cử như hiện nay, không một học sinh và phụ huynh nào có thể khẳng định 100% rằng có thể đậu ĐH mà không cần học thêm. Vì vậy, các biện pháp nhắm vào mục tiêu đậu ĐH đã được triển khai từ khi HS còn học lớp 1. Anh Ngọc, có con học lớp 10 Trường THPT Trưng Vương, nhà ở phường Trần Phú, cho biết: "Trước đây, tôi cố gắng cho cháu học cấp I và II ở trường Lê Hồng Phong, dù phải đóng tiền trái tuyến cũng được. Suốt thời gian học cấp II cháu thường xuyên đi học thêm, mục tiêu lúc ấy là lên cấp III phải vào trường công lập. Bây giờ thì phải cố gắng để thi đậu ĐH. Biết làm sao được, thi cử càng ngày càng khó mà".
DTHT không nâng cao chất lượng giáo dục mà chỉ bù lại phần nào việc học ở nhà trường. Mặt trái của DTHT có nguyên nhân từ nhiều phía. HS học thêm tin học, ngoại ngữ; HS yếu được cha mẹ thuê GV về nhà dạy riêng; GV dạy thêm ngoài giờ hành chính và không dạy HS lớp mình, đó là những nhu cầu DTHT chính đáng. Và, để hạn chế nạn DTHT tràn lan, trước mắt cần xử lý nghiêm những GV có biểu hiện chèn ép, trù dập HS không học thêm, bởi họ là những "con sâu làm rầu nồi canh" DTHT - vốn đã lắm người khen kẻ chê.
. Nguyên Sương
Những người trong cuộc nói gì
Ông Trần Xuân Bình - Phó hiệu trưởng Trường Quốc Học Quy Nhơn: Học thêm là một nhu cầu của phụ huynh và HS nhằm giúp các em mở rộng kiến thức. Tuy nhiên, học thêm nhiều quá thì không có thời gian tự học. Có lẽ đó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho ý thức tự học của HS bây giờ rất kém.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - phụ huynh HS lớp 6 Trường THCS Lê Lợi: Tôi chỉ có thể dạy cháu những môn xã hội, môn học bài, còn các môn tự nhiên thì tôi phải cho cháu đi học thêm. Thật tình tôi cũng không muốn cho con đi học thêm nhiều, môn Toán là được rồi, nhưng tâm lý của cháu là bạn đi học thêm thì mình cũng đi. Cháu học 3 môn, tổng cộng mỗi tuần cháu phải học thêm 18 tiết, tiền học phí là 50.000đ/môn/tháng.
Ông Phạm Ngũ Kim Hoàng - GV Lý Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn: Thời gian trên lớp chỉ có thể dạy lý thuyết chứ không thể để làm bài tập được. Vì vậy đi học thêm, GV sẽ giúp HS hệ thống lại kiến thức cơ bản và có cách dạy phù hợp với trình độ của mỗi học sinh.
Một GV dạy môn Sinh vật Trường THCS Hải Cảng: Tôi không phản đối chuyện DTHT. Nhưng chỉ một số lớp cuối cấp thì mới cần được đầu tư nhiều kiến thức hoặc chỉ nên DTHT cho các em thật sự có học lực yếu kém. Thầy cô, phụ huynh cần phải hướng cho HS, con em mình chuyện tự giác học tập, rèn luyện ở nhà. Khi cần giúp đỡ thật sự thì hãy đến gặp thầy cô, hơn là tạo "lối mòn" phải DTHT.
. Hải Yến
|