Nhọc nhằn câu xốp
10:9', 4/11/ 2004 (GMT+7)

Dụng cụ là hai miếng xốp lớn ở hai đầu, nối nhau bằng hai thanh tre, giữa đan thêm tấm lưới làm chỗ ngồi, trông xa như một cánh chuồn chuồn. Vận chiếc quần cộc, đội thêm chiếc mũ, xách chiếc cần câu, chĩa sắt, mỗi sáng ông Nguyễn Văn Ngưu (thôn Chánh Oai, xã Cát Hải, huyện Phù Cát) lại ra biển, hành nghề câu xốp...

* Kiếm ăn trên mặt sóng

Sáng sáng, ông Nguyễn Văn Ngưu lại lên đường

Bây giờ đã vào mùa biển động, vậy mà sáng sáng ông Ngưu vẫn cắp miếng xốp, ôm cần câu ra biển. "Chỉ có mình ổng thôi, chứ mùa biển động này, ngay thanh niên trai tráng cũng đâu còn ai đi nữa" - một người dân thôn Chánh Oai nói với chúng tôi. Còn ông Ngưu thì chỉ miếng xốp trên vai, nói vui: "Chiếc thuyền của dân nghèo tụi tôi đây". Tôi nhìn kỹ, hóa ra đó là hai miếng xốp. Thế mà ông Ngưu lại thong dong ra biển, cách bờ hàng cây số, ở độ sâu 30 mét nước làm nghề biển như ai.

Ông Ngưu đã hành nghề này từ năm 1975. Ông cho biết: "Hồi đó, có miếng cơm ăn đã khó, nói chi chuyện cá mú. Mà biển thì ở ngay trước mặt. Vậy là bọn tôi nghiên cứu cách kiếm ăn này. Ít thì kiếm đủ bữa ăn, nhiều thì còn có thêm tí chút đem ra chợ. Tính ra, ngày cũng được vài chục ngàn chứ ít gì". "Nhưng bây giờ, cuộc sống đã đỡ hơn, sao bác vẫn còn làm cái nghề khá vất vả và nguy hiểm này?" - tôi hỏi. "Ừ! Thì đúng là có đỡ hơn, nhưng vẫn vất vả lắm. Mà như thôn Chánh Oai này, muốn đi chợ thì phải vào Tân Thanh hay ra chợ Cát Thành, Cát Khánh. Chi bằng xách cần câu đi làm một lúc, có con cá tươi, rồi hái thêm mớ rau trong vườn, vậy là có bữa ăn tươm tất rồi. Nhưng riêng với tôi, đây cũng không hẳn chỉ là một cái nghề…".

Ông Ngưu nói vậy rồi bỏ lửng. Cái lấp lửng buộc tôi phải suy nghĩ. Như đoán được ý nghĩ của tôi, ông chậm rãi: "Đúng là trước đây, tôi cũng từng đi bạn. Các vùng biển trong Nam, ngoài Bắc, có nơi nào mà tôi chưa đặt chân. Cả tuổi thanh niên của tôi, trừ mấy năm đi bộ đội, còn lại là lênh đênh trên biển cả. Nay già rồi, không ra biển nữa thì tôi cúm rúm làm nghề câu xốp ven bờ này cho đỡ nhớ biển vậy mà… Mà chú em nói nguy hiểm chi cho hung. Bận tôi ra ngoài Thanh Hóa, thấy họ cứ lên bè tre, dong buồm ra tận khơi xa còn hổng sợ nữa là mình chỉ ven bờ…".

Ngồi trên tấm lưới giữa hai thanh tre, ông Ngưu dùng hai miếng nhựa, mỗi miếng lớn cỡ hai bàn tay thay cho mái chèo, chèo ra biển. Đến độ sâu khoảng 4, 5m, ông lặn xuống nước một lúc, đâm cá bằng cây chĩa làm bằng sắt sáu đầu chẻ ngạnh. Rồi ông lại tiếp tục chèo ra đến độ sâu 30m nước, mới bắt đầu buông cần. Tính ra, nếu không dừng lại để đâm cá, thì ông mất 30 phút để bơi từ bờ đến cách bờ 2-3km, nơi ông vẫn buông câu.

Và cứ thế, cả ngày làm việc, ông Ngưu cứ bập bềnh giữa hai miếng phao xốp. Nửa dưới thân mình ông ngâm trong nước. "Những ngày biển yên, tôi có thể ngồi cả ngày trên phao để câu cá. Nhưng mùa này, tôi chỉ ngồi độ tiếng, hai tiếng rồi vào" - ông nói. "Ngâm mình hoài dưới nước như vậy, bác có thấy lạnh không?" - tôi hỏi. Ông cười khà khà: "Lạnh gì! Nước ngang thắt lưng mà ăn thua gì đâu!".

* Nghề của người nghèo

Ông Ngưu minh họa cách sử dụng chiếc "thuyền" độc đáo của mình

"Tôi mà có tiền thì tôi sắm sanh ghe thuyền để đi chứ làm cái nghề này làm chi. Nhưng hiện nay, tui cũng chủ yếu đi bạn, những ngày nghỉ mới làm cái nghề này" - anh Lê Văn Đồng, một "đồng nghiệp" của ông Ngưu nói. Anh Đồng đến với cái nghề này chỉ vì một lý do duy nhất: nghèo. Theo anh Đồng, nghề này rộ nhất vào mùa biển lặng, từ tháng 3 đến tháng 6, tháng 7, với chừng 60 người làm nghề. "Đám thanh niên thì tranh thủ những ngày nông nhàn, những ngày không đi bạn mới làm. Còn tụi trẻ 15, 16 cũng có nhưng ít. Có hộ, có ba người con trai thì cả ba đều cùng làm" - anh Đồng nói.

Ngoài Chánh Oai, ở thôn Tân Thanh (cũng thuộc xã Cát Hải) cũng có nghề câu xốp. Khác với Chánh Oai chủ yếu là câu xốp để bắt cá ven bờ, ở Tân Thanh còn câu mực. Cữ 7 giờ tối là họ đi, men ra mé gành để câu, đến sáng thì về. Có những con mực 5 lạng đến cả ký. "Thu nhập nghề câu mực vậy mà khá hơn, nhưng vất vả lắm. Đó là chưa kể nguy hiểm lúc đêm hôm. Thành thử, chỉ mùa biển êm, trời lặng gió tụi này mới dám ra, chứ mùa biển động, có thuê cũng chẳng dám làm" - anh Thành, người thôn Tân Thanh nói.

Tân Thanh và Chánh Oai là hai thôn bãi ngang, chủ yếu là làm nông nghiệp. Ít thuyền bè, chỉ có dăm chiếc thuyền câu tôm ven bờ, đám thanh niên muốn đi bạn phải ra tìm ghe, thuyền ở các địa phương khác. Nghề câu xốp với họ chỉ như chút "gia vị" của đời sống, họ làm thêm vào những ngày rảnh rỗi, kiếm tí thu nhập. Nhưng hẳn nhiên, đó là "gia vị" đắng cay, vì dù chưa ai gặp rủi ro gì với nghề này, nhưng thử tưởng tượng, một mình lênh đênh trên hai miếng xốp giữa biển, cách bờ cả cây số, chỉ cần một chút bất cẩn thì… Bởi vậy, theo ông Ngưu, ai không dẻo dai thì không thể trụ với nghề này.

* Thay lời kết

Trước khi chia tay, ông Ngưu hẹn: "Hôm nào, cữ tháng tư, tháng năm, trời yên, biển lặng, chú em ra đây mới thấy cảnh dân câu xốp tụi tôi ra khơi đẹp lắm. Những cánh xốp như những cánh chuồn chuồn lướt trên mặt biển. Đến như tôi mà cũng còn mê nữa là. Lúc đó chú em chụp ảnh mới đã!". Nghe ông Ngưu tả cảnh ra khơi mà tôi hơi ngạc nhiên. Hóa ra, ngay cả trên những gian khó, cơ cực của cuộc sống, con người ta vẫn có thể lạc quan và yêu đời "đã" đến vậy?...

. Lê Viết Thọ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Dạy thêm, học thêm - Thực trạng và nguyên nhân   (03/11/2004)
Quỹ "Vì người nghèo" ở Hoài Ân  (02/11/2004)
Mưu sinh bằng nghề cào ốc, dắc  (02/11/2004)
Sáng mãi bản chất Bộ đội Cụ Hồ   (01/11/2004)
Những khuất tất của vụ án sẽ được làm sáng tỏ?   (01/11/2004)
Phú Văn, làng nghèo - giàu chữ  (31/10/2004)
Những cặp vợ chồng cùng thành đạt  (29/10/2004)
Học sinh miền Nam - Trường học sinh miền Nam  (29/10/2004)
Doanh nghiệp Vạn Phát lại thải chất bẩn ra môi trường  (28/10/2004)
9 năm "cái kiến đi kiện…"  (28/10/2004)
Để sinh hoạt chi - đảng bộ cơ quan hấp dẫn, bổ ích  (27/10/2004)
Quản lý kém, đất công bị xà xẻo  (27/10/2004)
Gieo hạt trên đất khó  (26/10/2004)
Những khoảng cách và rút ngắn khoảng cách  (26/10/2004)
Nhớ mãi Trường Học sinh miền Nam số 16  (26/10/2004)