Bà Năm chuyên ngồi ở góc chân cầu thang đi lên tầng hai ở chợ Lớn Quy Nhơn đã có thâm niên gần 10 năm đi... "cân sức khỏe" cho mọi người. Đồ nghề của bà chỉ là một cái cân đã cũ, bề mặt đã rạn, bên ngoài được bọc một lớp ni lông cẩn thận.
|
Chị Huyền đang ngồi chờ khách |
Ngồi với bà cả buổi sáng, tôi ước chừng có khoảng 8 người đến cân. Đi ngang qua, chẳng cần bà chào mời, họ leo lên bàn cân, chờ bà đọc chỉ số trọng lượng của mình rồi đưa bà tờ 200, 500 đồng lẻ. "Bao nhiêu?"- "53 kg rưỡi" - bà Năm cúi mặt xuống bàn cân đọc. "Vậy là giảm được kg rưỡi, cả tháng trời tập thể dục đấy" - bà khách người đeo đầy vàng leo xuống cân hoan hỉ, cầm tờ 1.000 đồng "cho bà luôn". Nhà ở tận khu vực 8, phường Đống Đa, cỡ chừng bảy giờ bà lại đạp xe lọc cọc xuống chợ Lớn. Bên cạnh chiếc cân, bà còn bày thêm một tủ nhỏ bán kèm cả thuốc lá, kẹo. Nhà chỉ một mẹ một con nhưng lại có tới 5 đứa cháu lộc ngộc nên bà phải đi làm. Ngày kiếm được mươi ngàn về phụ con cháu, dành khi đau ốm thuốc thang. "Tui thấy người mập muốn giảm thì lại lên cân, còn người ốm muốn lên cân thì cứ xuống miết. Ngược đời vậy đó" - bà Năm đúc kết.
So với bà Năm thì chỗ ngồi của chị Khánh ở tầng một lại "hoàn cảnh" hơn nhiều. Vì án ngữ ngay trước cổng nhà vệ sinh của chợ, đi ngang chỉ nghe mùi xú uế bốc ra đã thấy nhức đầu còn nói gì đến chuyện cân sức khỏe. Bởi vậy chỗ chị lúc nào cũng vắng khách. Chị chỉ tay về phía trước, cách chỗ chị đang ngồi không xa, nói: "Trước tôi ngồi chỗ kia kìa, nhưng sau lại chuyển ra đây ngồi để làm thêm việc trông nhà vệ sinh luôn, một công đôi chuyện. Nhưng giờ thi thoảng chỉ có những người đi vệ sinh không cần lấy lại tiền thối mới cân".
Tôi nhớ, cách đây chừng dăm năm trở lại, khi lần đầu tiên chiếc cân di động "biết nói" những câu: "Bạn cao..., nặng..., thể hình hơi béo, cần năng tập thể dục..." và sau đó in ra tờ giấy với những thông số về sức khỏe của thân chủ đã lôi cuốn sự hiếu kỳ của trẻ con và không ít người lớn. Trông nó có vẻ đáng tin cậy hơn chiếc cân sức khỏe tại chỗ kia mặc dù giá mỗi lần cân là 2.000 đồng - đắt gần gấp 10 lần.
"Trước là thế, nhưng bây giờ bọn em hạ xuống chỉ còn một nghìn đồng thôi. Nếu đo cả huyết áp, thử sức kéo thì mới hai, ba ngàn. Cả Quy Nhơn này chỉ có 3 cái cân chứ mấy, thế mà vẫn ế lắm. Bên kia là hai chú cháu ông ở làng trên thay nhau đứng đấy, cùng huyện cả đấy nhưng họ ở làng trên", chị Nguyễn Thị Huyền, chuyên cân trước sân Trung tâm Thương mại Quy Nhơn vừa chỉ người đàn ông cân sức khỏe bên kia vừa nói. Quê ở làng Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, chị Huyền lấy chồng dân làng Đại Trạch - làng nổi tiếng có nghề đi cân dạo - vậy là chị theo nghề của chồng. Cách đây bốn năm, hai vợ chồng gom góp mua được chiếc cân sức khỏe Trung Quốc trị giá 25 triệu, đi cân dạo nhiều nơi để con cho ông bà nuôi. Chỉ trong năm đầu tiên, chị đã lấy lại được vốn và bắt đầu có dư được chút ít gởi về quê.
Trước khi vào Quy Nhơn, chị Huyền đã ở Đà Nẵng hai năm. Chị ở chung với bà cô ruột, vợ chồng cậu em chồng, rồi cả chị dâu… đều làm nghề này. Buổi sáng, đàn ông đẩy cân đi, phụ nữ ở nhà lo cơm nước, buổi chiều thay phiên. Vợ chồng chị mới vào Quy Nhơn được 7 tháng. Hiện trung bình chị Huyền kiếm được 80.000-100.000 đồng/ngày, trừ mọi phí tổn, mỗi tháng dư ra hơn triệu gởi về quê. Vào những dịp lễ tết, vợ chồng chị dễ dàng kiếm được vài trăm, thậm chí cả triệu bạc mỗi ngày. Ở làng Dạ Trạch quê chị, nhiều người đã làm giàu, kiếm được 100-200 triệu đồng chỉ từ nghề đi cân dạo. Mua một chiếc cân mới giờ chỉ cần 17 triệu đồng nhưng bù lại phải làm hai năm mới gỡ hòa vốn vì nghề cân không còn thịnh như xưa...
. Thu Hà |