Quán café ca nhạc ở Quy Nhơn
12:40', 5/11/ 2004 (GMT+7)

Nhu cầu giải trí, thưởng thức văn hóa của người dân thành phố Quy Nhơn, nhất là thanh niên vẫn chưa được đáp ứng một cách thỏa đáng. Trừ việc vào quán karaoke, các hoạt động ca nhạc diễn ra ở thành phố chỉ là những cuộc thi mang nặng hình thức giao lưu hoặc chào mừng các ngày lễ hơn là để phục vụ khán giả. Trám vào chỗ khuyết này, nhiều quán café đã tổ chức thêm chương trình nhạc sống. Tuy nhiên, cách làm thì mỗi nơi một khác...

* Từ những sân khấu "hát cho nhau nghe"...

Café ca nhạc tại quán Thu Vàng

Vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, tại TP Quy Nhơn, café ca nhạc phát triển rầm rộ ở một số khu vực nhất là đầu đường Nguyễn Tất Thành. Nhiều quán lập nên những sân khấu ngoài trời đua nhau đưa loại hình "nghệ thuật" này vào nhằm thỏa mãn số khách dễ tính hoặc thích... quậy. Những quán này hầu như nhường sân khấu ngay từ đầu cho khán giả (dù vẫn tính tiền phụ thu phí ca nhạc). Thế là những ai muốn thể hiện "khả năng trời phú" của mình đều có thể lên trình bày một cách tự nhiên, không cần biết cảm giác của người nghe như thế nào, đôi khi còn có những nhóm "múa minh họa" mà ngay cả "ca sĩ chính" cũng không biết mặt mũi lên phô bày những điệu nhảy không giống ai. Rất nhiều "ca sĩ" khi lên sân khấu đã có... chút men nên việc muốn biến sân khấu thành "live show" của riêng mình cũng không phải là chuyện hiếm. Việc tranh giành hát trước, hát sau rồi đưa ra những lời khích bác, chê bai nhau giữa các "ca sĩ" dẫn đến những màn "múa võ dương oai" xảy ra như cơm bữa, ảnh hưởng đến sinh hoạt của những người dân sống xung quanh. Đoàn kiểm tra văn hóa của TP cũng đã lập biên bản, xử phạt một số quán dùng những ca khúc trong danh sách cấm sử dụng, hoạt động quá giờ quy định, gây mất an ninh trật tự.

Trong vòng 2 năm qua, vì nhiều lý do khác nhau, lần lượt các quán café ca nhạc ở khu vực đường Nguyễn Tất Thành đã không còn hoạt động, ngày 24-10 vừa qua, café Phượng Cát cũng đã tổ chức chương trình ca nhạc cuối cùng trước khi giao đất lại cho đơn vị chủ quản, chấm dứt "thời kỳ hoàng kim" của café ca nhạc ngoài trời ở khu vực này.

Cuối tháng 8-2004, khách sạn Cosevco đã khai trương quầy bar ở tầng 11 và đưa chương trình "hát cho nhau nghe" vào phục vụ nhu cầu của khách. Tại đây không có tình trạng lộn xộn, xô bồ như những quán café ca nhạc ngoài trời vì đối tượng khách cũng đã được chọn lựa bởi... giá thức uống và tính lịch sự của nơi tổ chức. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng dàn âm thanh ở đây vẫn chưa xứng với quy mô của một khách sạn thuộc loại tầm cỡ của thành phố.

* Đến những quán nhạc trữ tình

   Độc tấu Ghi ta

Hoạt động từ năm 1995, có thể nói café Thu Vàng (số nhà 70 Trần Cao Vân) là nơi tiên phong đưa loại hình giải trí này vào TP Quy Nhơn. Chọn dòng nhạc trữ tình, sâu lắng với nhiều giọng ca được khán giả đánh giá rất cao (ca sĩ Quang Dũng từng nhiều năm hát cho Thu Vàng), đã khiến quán thu hút được một lượng khách quen khá ổn định, đặc biệt là lứa tuổi trung niên. Tiếng tăm của quán cũng đã được cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn biết đến, và ông cùng nhiều thành viên trong Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng từng đến với Thu Vàng, nơi những ca khúc của ông thường xuyên được các ca sĩ sử dụng và có những đêm diễn chỉ dành riêng cho nhạc Trịnh. Chị Thu Trang, chủ quán, cho biết: "Vài tháng nay, vì một số lý do, quán không còn hoạt động ca nhạc hàng đêm nhưng tôi sẽ sớm khôi phục lại, có thể còn quy mô hơn vì đây không chỉ đơn thuần là kinh doanh mà còn là niềm đam mê của tôi". Năm 2001, café Thu Vàng còn được chọn làm nơi tổ chức cuộc thi Liên hoan Tiếng hát phát thanh truyền hình Bình Định lần thứ 3.

Cùng niềm "đam mê" như chị Trang còn có vợ chồng chị Huỳnh Thị Tú Lệ, chủ quán café Du Mục (trên đường Trần Hưng Đạo) bỏ ra hơn trăm triệu để sửa sang lại quán và mua sắm dàn âm thanh, nhạc cụ... Khoảng đầu năm 2004, Du Mục bắt đầu đón những vị khách đầu tiên. Đến nay, hàng đêm từ thứ Tư đến Chủ nhật (có phục vụ ca nhạc) lượng khách đến với quán đã trên dưới 100 người. "Nhiều người vẫn chưa quen với loại hình ca nhạc này nảy sinh nhiều phức tạp, khách vào quán đôi khi nói chuyện, đùa giỡn vô tư hoặc bỏ về trong khi ca sĩ đang hát. Nhiều khách không biết đến chủ đề của từng đêm nhạc là gì nên hát những ca khúc không phù hợp gây phản cảm cho khán giả", chị Lệ tâm sự. Mức phí ca nhạc 7.000 đồng/người là không cao đối với những người thực sự đến đây để thưởng thức âm nhạc.

Ở một TP mà việc uống café hàng ngày đã trở thành thói quen đối với nhiều người thì việc các quán đưa ra nhiều loại hình dịch vụ mới để thu hút khách không còn là điều mới mẻ. Tuy nhiên, hoạt động như thế nào để vừa mang lại lợi ích kinh tế vừa góp phần cải thiện đời sống âm nhạc và phản ánh sự văn minh của người dân là điều mà các quán café ca nhạc cần hướng tới...                        

. Lê Cường

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nghề... cân sức khỏe  (04/11/2004)
Nhọc nhằn câu xốp   (04/11/2004)
Dạy thêm, học thêm - Thực trạng và nguyên nhân   (03/11/2004)
Quỹ "Vì người nghèo" ở Hoài Ân  (02/11/2004)
Mưu sinh bằng nghề cào ốc, dắc  (02/11/2004)
Sáng mãi bản chất Bộ đội Cụ Hồ   (01/11/2004)
Những khuất tất của vụ án sẽ được làm sáng tỏ?   (01/11/2004)
Phú Văn, làng nghèo - giàu chữ  (31/10/2004)
Những cặp vợ chồng cùng thành đạt  (29/10/2004)
Học sinh miền Nam - Trường học sinh miền Nam  (29/10/2004)
Doanh nghiệp Vạn Phát lại thải chất bẩn ra môi trường  (28/10/2004)
9 năm "cái kiến đi kiện…"  (28/10/2004)
Để sinh hoạt chi - đảng bộ cơ quan hấp dẫn, bổ ích  (27/10/2004)
Quản lý kém, đất công bị xà xẻo  (27/10/2004)
Gieo hạt trên đất khó  (26/10/2004)