Ghi chép từ phiên tòa xét xử vụ án nhập lậu linh kiện xe gắn máy: Đua nhau đổ tội
10:3', 8/11/ 2004 (GMT+7)

Lần đầu tiên TAND tỉnh Bình Định đưa ra xét xử vụ án hình sự sơ thẩm có thời gian phiên tòa dài nhất (6 ngày, vượt dự kiến 3 ngày); trị giá hàng buôn lậu đến 21 tỉ đồng; có đến 13 bị cáo, với 4 tội danh: buôn lậu; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và che giấu tội phạm. Đây là vụ án mà tất cả các bị cáo đều là cán bộ, công chức, trong đó hơn một nửa là đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt.

* Tổ chức buôn lậu

Dẫn giải các bị cáo về trại tạm giam

Năm 2002, Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu tiểu thủ công nghiệp Miền Trung (CENCOOPIMEX) không có chỉ tiêu nhập linh kiện xe gắn máy, trong khi đó Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu công nghiệp Phú Yên (CTSX-XNKCNPY) còn chỉ tiêu nhập khẩu 12.000 bộ linh kiện trong năm 2002. Biết được thông tin đó, ngày 25-10-2002, Ngô Hữu Chính - Cục trưởng Cục Hải quan Bình Định đã sắp đặt cho Trương Đình Xuân và Trần Quang Bình có cuộc thương lượng, để Xuân mua lại chỉ tiêu hạn ngạch nhập khẩu 12.000 bộ linh kiện xe máy của Bình. Liên minh "ma quỷ" này nhanh chóng được hình thành, và triển khai thực hiện ngay. Để đối phó với pháp luật và nhằm mục đích tạo điều kiện cho CENCOOPIMEX vay Ngân hàng Ngoại thương Quy Nhơn (hơn 63 tỉ đồng) Bình và Xuân đã lập Hợp đồng mua bán 12.000 xe gắn máy nguyên chiếc, bằng phương thức mua 12.000 bộ linh kiện nước ngoài, về lắp với phụ tùng nội địa hóa tại xưởng CENCOOPIMEX. Thực chất, nhờ mua lại hạn ngạch nhập khẩu, Xuân đã lợi dụng để buôn lậu với số lượng hàng hóa rất lớn, trị giá gần 21 tỉ đồng.

Bình thừa nhận do áp lực về thời gian, giữa tháng 10-2002 mới có chỉ tiêu nhập 22.000 bộ linh kiện xe gắn máy, CTSX-XNKCNPY đã nhập được 10.000 bộ, còn lại 12.000 bộ mà thời gian chỉ còn 2 tháng là hết năm, mặt khác năng lực tài chính của công ty hiện khó khăn, nên đang rất lúng túng. Bình cho rằng: "Nếu tôi trả lại hạn ngạch cho Bộ Thương mại thì sợ họ đánh giá năng lực công ty yếu kém, ảnh hưởng chỉ tiêu năm sau. Cho nên khi anh Chính, anh Xuân đặt vấn đề mua lại chỉ tiêu với giá 20 USD/1 bộ linh kiện, công ty có được 240.000USD là tôi đồng ý ngay". Bình khai: Khi nhập 10.000 bộ linh kiện CTSX-XNKCNPY chỉ đóng trong 10 container. Thế nhưng, khi Xuân đưa 12.000 bộ linh kiện về Cảng Quy Nhơn, có tới 50 container. Về mặt danh nghĩa Bình là chủ hàng, Bình có nghi ngờ Xuân kèm thêm hàng lậu nhưng khi hỏi thì Xuân nói: "Muốn bảo quản hàng cẩn thận phải đóng nhiều kiện hàng".

Trước tòa, Trương Đình Xuân không thừa nhận 50 container hàng nhập về Cảng Quy Nhơn, bởi tờ khai hải quan mang tên chủ hàng CTSX-XNKCNPY. Nhưng dù diễn giải rất dài, Xuân cũng không thể giải thích được lý do dịch chuyển hàng từ kho này đến kho khác nhiều lần, mà Bình (danh nghĩa chủ hàng) hoàn toàn không biết. Lê Văn Thành - nguyên Phó giám đốc CENCOOPIMEX được hơn mươi ngày, chỉ là người thực hiện theo mệnh lệnh của Xuân. Thành có biết việc làm phi pháp của Xuân, nhưng Thành không dám chống lại, vì "miếng cơm manh áo". Thành rất ân hận và thật thà khai báo, mong được xem xét. HĐXX đã quyết định đổi tội danh của Thành từ "Buôn lậu" sang "Che giấu tội phạm" (Điều 313 BLHS)

* Lạc đà qua được lỗ kim

Bị cáo Trương Đình Xuân

Ngày 24-12-2002, chuyến hàng linh kiện xe gắn máy do Trương Đình Xuân mua của Công ty CHONG QING International Trade Centre (Trung Quốc) đã cập Cảng Quy Nhơn. Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Quy Nhơn (HQCKCQN) đã tiếp nhận hồ sơ nhập khẩu 12.000 bộ linh kiện xe máy của CTSX-XNKCNPY (danh nghĩa), Trần Điền - Chi cục trưởng đã phê duyệt kiểm hóa lô hàng với tỉ lệ 5 % (theo quy định là 10%).

Bị cáo Trần Điền bị truy tố tội danh "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" (Điều 281 BLHS), đã không nhờ luật sư bào chữa. Điền khai - chiều ngày 26-12-2002, Điền đã cử 6 cán bộ hải quan do Trần Hữu Phước làm tổ trưởng, tiến hành kiểm hóa lô hàng theo tờ khai thứ nhất (số 437) gồm 25 container. Tổ kiểm hóa đã phát hiện trong các container đã mở có nhiều mặt hàng sai danh mục với số lượng rất lớn. Phước đã gặp Điền để báo cáo. Trần Điền nhận được ý kiến chỉ đạo của Ngô Hữu Chính - Cục trưởng Cục Hải quan Bình Định qua điện thoại và chỉ đạo: "Mở 25 container hàng để kiểm tra, nếu chỉ là linh kiện xe máy thì tạo điều kiện cho thông quan". Sáng ngày 27-12 tiếp tục kiểm hóa và cho thông quan lô hàng tờ khai 437. Tiếp đó, Trần Điền phân công Tổ kiểm hóa khác gồm 6 người (có 4 người tham gia kiểm hóa lô hàng trước), do Trần Phi Long làm Tổ trưởng, kiểm hóa 25 container còn lại, theo tờ khai thứ hai (số 441). Sự qua loa, đại khái có chủ định của các cán bộ kiểm hóa đã giúp số hàng hóa tiếp theo của CTSX-XNKCNPY "chui" qua Cảng Quy Nhơn một cách dễ dàng, để về kho của CENCOOPIMEX trú ẩn. Điền khai: "Bị cáo không thể chống lại lệnh của thủ trưởng cấp trên". Tự bào chữa cho mình, Điền còn có một câu nói thật xót xa, khiến nhiều người chú ý: "Bị cáo rất đau lòng khi phải lên án hành vi tội lỗi của thủ trưởng mình, một người thầy, một người anh trong ngành, nhưng vì anh Chính đã đổ hết tội lỗi cho tôi, nên bị cáo phải làm thế. Ngay phiên tòa này anh Chính có thể trốn tội, nhưng tòa án lương tâm sẽ dày vò anh, vì anh mà bao nhiêu nhân viên của anh đã phải đứng trước vòng móng ngựa".

Cùng trong tội danh "Lợi dụng chức quyền trong khi thi hành công vụ", các bị cáo Trần Phi Long, Trần Vĩnh Phước, Ngô Lê Phương, Ngô Hữu Tuấn, Tô Văn Minh, Bùi Bá Hùng và Võ Tuấn đều nhận tội và khai báo trước tòa rất thành khẩn, để mong được lượng khoan hồng của pháp luật. Riêng Trần Đăng Lân, cán bộ kiểm hóa lô hàng thứ nhất, sau khi phát hiện có hàng thừa có đến báo cáo với cán bộ Tổng cục Hải quan đang công tác ở Bình Định, nên được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

* Dũng cảm nhận mức... xử lý hành chính!

Để bào chữa cho mình, Ngô Hữu Chính viện dẫn những chủ trương của UBND tỉnh về việc kêu gọi các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Quy Nhơn, với những chính sách ưu đãi thuế. Nhưng Chính đã quên rằng việc sắp đặt cho Bình và Xuân mua bán hạn ngạch nhập khẩu là trái với Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg; và trái với chủ trương của UBND tỉnh. Khi phát hiện có sai phạm của cấp dưới, Chính đã không kịp thời kiểm tra và khắc phục hậu quả qua các giai đoạn phúc tập hồ sơ thông quan. Chính nại rằng: "Sau khi trình bày với Bí thư và Chủ tịch tỉnh là lô hàng không có hàng lậu, tôi chỉ được nghe nhắc nhở về kiểm tra lại, không bảo tôi phải báo cáo". Chính phải biết rằng, lô hàng có nghi ngờ hàng lậu đã đến tai các cơ quan chức năng và lãnh đạo tỉnh, là vấn đề rất nhạy cảm, trách nhiệm của Chính phải triển khai phúc tập hồ sơ thông quan một cách khẩn trương và phải báo cáo kết quả kiểm tra. Tự đánh giá tội lỗi của mình, Chính đã trình bày: "Thưa HĐXX! Tôi có sai phạm nhỏ, nên tôi xin nhận mức… xử lý hành chính là nặng rồi"!

. Ngọc Diên

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bệnh viện tỉnh: Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý  (07/11/2004)
Ở thế kỷ XXI, Lênin vẫn cùng đi với chúng ta   (05/11/2004)
Quán café ca nhạc ở Quy Nhơn  (05/11/2004)
Nghề... cân sức khỏe  (04/11/2004)
Nhọc nhằn câu xốp   (04/11/2004)
Dạy thêm, học thêm - Thực trạng và nguyên nhân   (03/11/2004)
Quỹ "Vì người nghèo" ở Hoài Ân  (02/11/2004)
Mưu sinh bằng nghề cào ốc, dắc  (02/11/2004)
Sáng mãi bản chất Bộ đội Cụ Hồ   (01/11/2004)
Những khuất tất của vụ án sẽ được làm sáng tỏ?   (01/11/2004)
Phú Văn, làng nghèo - giàu chữ  (31/10/2004)
Những cặp vợ chồng cùng thành đạt  (29/10/2004)
Học sinh miền Nam - Trường học sinh miền Nam  (29/10/2004)
Doanh nghiệp Vạn Phát lại thải chất bẩn ra môi trường  (28/10/2004)
9 năm "cái kiến đi kiện…"  (28/10/2004)