Phân cấp quản lý GD-ĐT: Bài học từ thực tiễn
10:49', 9/11/ 2004 (GMT+7)

Từ năm học 2002-2003, ngành Giáo dục- đào tạo (GD-ĐT) được thực hiện phân cấp nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục mầm non, tiểu học và THCS. Theo đó, từ tổ chức, biên chế, tiền lương đến quy hoạch, kế hoạch phát triển, tài chính và cơ sở vật chất của các bậc học mầm non, tiểu học và THCS được Sở GD-ĐT chuyển giao cho UBND các huyện, thành phố quản lý.

* Câu chuyện thứ nhất: trách nhiệm hơn, sâu sát hơn

Chất lượng giáo dục sẽ được nâng cao khi cơ chế quản lý vận hành hiệu quả

Huyện Tuy Phước có một điều khá đặc biệt là các vị lãnh đạo chủ chốt cấp huyện hầu hết đều "xuất thân" từ ngành GD-ĐT và do vậy, họ cũng thấu hiểu nội tại của ngành hơn. Một cơ chế làm việc theo nguyên tắc: ngành GD chủ động thực hiện các hoạt động theo kế hoạch đã được huyện thống nhất về quan điểm, đường lối; tuân thủ những quy chế đã được thiết lập vì mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng GD. Bởi thế, công tác tham mưu của ngành có rất nhiều thuận lợi. Từ những vấn đề ở tầm vĩ mô như xây dựng, phát triển trường lớp, luân chuyển cán bộ quản lý theo điều lệ nhà trường, tuyển chọn cán bộ, GV đến những hội nghị, hội thảo chuyên đề… ngành đều được huyện chỉ đạo xây dựng kế hoạch và chủ động thực hiện. Về tài chính, trên cơ sở ngân sách đã duyệt, ngành được chủ động chi trong "túi tiền" của mình. Bởi thế, có lẽ đây là một trong những huyện chi trả được tiền chấm bài ngoài định mức cho GV, đầu tư mua sắm trang bị thiết bị dạy học cao nhất … "Vai trò của trưởng phòng GD nặng nề hơn, đòi hỏi ngành phải tham mưu tốt và biết tranh thủ lãnh đạo huyện bằng hiệu quả công việc"- ông Phạm Tích Hiếu, Trưởng phòng GD- ĐT huyện đã phát biểu như vậy. Để mở rộng xã hội hóa việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, huyện chỉ đạo các địa phương thực hiện theo cơ chế 60-40 (huyện chịu 60% kinh phí, xã chịu 40%). Nhờ đó mà việc chăm lo xây dựng trường học được các địa phương quan tâm hơn. Và sẽ có rất nhiều vấn đề lớn của GD được bàn trong các "hội nghị diên hồng" ở cấp xã như đề án phát triển giáo dục huyện đến 2010, việc củng cố lại các Hội đồng GD, thực hiện đề án GD mầm non… Hai cái được lớn nhất từ khi phân cấp quản lý ngành được trưởng phòng GD huyện đánh giá là lãnh đạo huyện có trách nhiệm hơn, chỉ đạo GD sâu sát hơn.

* Câu chuyện thứ hai: lại chuyện "xin" và "cho"

Tuy nhiên, vấn đề phân cấp quản lý giáo dục về huyện, thành phố không phải địa phương nào cũng thuận lợi. Đã có một thời, các trưởng phòng GD rất ngao ngán cái cảnh đi "xin" và được "cho". Muốn tổ chức một hoạt động GD, cán bộ phòng GD phải mất rất nhiều thời gian lo thủ tục để được duyệt chi tiền, mà đây lại là đồng tiền của mình (ngân sách GD). Đã là người đi "xin" thì bao giờ cũng chịu "lép vế" bởi một lý do nào đó, người "cho" (phòng tài chính các huyện) cắt bớt một phần kinh phí so với dự trù chi thì thật là gay go… Câu chuyện của những năm xưa ấy đang tái hiện khi thực hiện "phân cấp" ở một vài huyện. Từ những chuyện đại sự như công tác tổ chức, tuyển GV đến những khoản chi mua sắm lặt vặt trong kế hoạch… trưởng phòng GD-ĐT đều không được quyền quyết định mà đều phải được lãnh đạo huyện và ngành tài chính huyện quyết định. Và như thế việc xây dựng và thực hiện những kế hoạch phát triển "dài hơi" của ngành GD- ĐT luôn bị xáo trộn. Những năêm gần đây, số lượng học sinh tiểu học giảm mạnh trong toàn tỉnh, ngành GD hầu như không có nhu cầu tuyển GV tiểu học. Thế nhưng, trưởng phòng GD-ĐT vẫn bị  cấp trên "ép" hợp đồng thêm GV. Những GV được tuyển ngoài nhu cầu này lại được sắp xếp vào các trường ở thị tứ, thị trấn thuận lợi. Do đó, GV nơi thừa cứ thừa, nơi thiếu cứ thiếu, trong khi nguồn chi lương không tăng. Trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, việc đầu tư xây dựng trường lớp luôn được đặt trong kế hoạch. Năm nào, ngành GD cũng phải khảo sát, lên danh mục sửa chữa, xây mới theo nguyên tắc nơi nào bức xúc nhất, đầu tư trước. Kế hoạch là vậy, nhưng thực hiện đến đâu, đầu tư cho những nơi nào thì đến trưởng phòng GD… cũng chịu vì huyện luôn chủ động làm. Trong một năm học, có bao nhiêu là chuyện phải mua, phải chi, vậy mà, từ việc lớn đến việc nhỏ, chi gì, mua gì đều phải có sự duyệt chi của tài chính.

* Vĩ thanh

Phân cấp quản lý ngành GD-ĐT nhằm đạt được các mục tiêu: tăng cường quyền chủ động của cơ sở, sự sâu sát của UBND huyện, thành phố làm cho hiệu quả GD ở địa phương ngày càng cao; từ đó, nâng cao trách nhiệm của chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ xã hội hóa GD, huy động tiềm lực của nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc phát triển sự nghiệp GD… Những mục tiêu của phân cấp quản lý GD-ĐT sẽ chỉ có thể thực hiện được khi người được nắm quyền chỉ đạo GD ở các huyện, thành phố nhận thức đúng vai trò và trách nhiệm của mình trong quản lý, điều hành sự nghiệp GD địa phương.   

. Ngọc Quỳnh

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ghi chép từ phiên tòa xét xử vụ án nhập lậu linh kiện xe gắn máy: Đua nhau đổ tội   (08/11/2004)
Bệnh viện tỉnh: Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý  (07/11/2004)
Ở thế kỷ XXI, Lênin vẫn cùng đi với chúng ta   (05/11/2004)
Quán café ca nhạc ở Quy Nhơn  (05/11/2004)
Nghề... cân sức khỏe  (04/11/2004)
Nhọc nhằn câu xốp   (04/11/2004)
Dạy thêm, học thêm - Thực trạng và nguyên nhân   (03/11/2004)
Quỹ "Vì người nghèo" ở Hoài Ân  (02/11/2004)
Mưu sinh bằng nghề cào ốc, dắc  (02/11/2004)
Sáng mãi bản chất Bộ đội Cụ Hồ   (01/11/2004)
Những khuất tất của vụ án sẽ được làm sáng tỏ?   (01/11/2004)
Phú Văn, làng nghèo - giàu chữ  (31/10/2004)
Những cặp vợ chồng cùng thành đạt  (29/10/2004)
Học sinh miền Nam - Trường học sinh miền Nam  (29/10/2004)
Doanh nghiệp Vạn Phát lại thải chất bẩn ra môi trường  (28/10/2004)