Vì sao nhiều bác sĩ tuyến xã, phường bỏ việc?
10:21', 12/11/ 2004 (GMT+7)

Việc tăng cường bác sĩ (BS) về làm việc tại trạm y tế (TYT) xã, phường nhằm củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở ở Bình Định đang gặp nhiều khó khăn. Tình trạng BS bỏ trạm đang tiếp tục diễn ra phần nào nói lên nguyên nhân thực trạng này.

* Những người đa năng

Y sĩ Đinh Thị Ríp (TYT xã An Hưng (An Lão) đang khám cho bệnh nhân

Có thể gọi các BS đang công tác tại các TYT như vậy, vì trong khi BS từ tuyến huyện trở lên chỉ làm công tác chuyên môn hoặc điều trị hoặc dự phòng thì BS ở xã lại "ôm" cả. BS Trương Quang Là, TYT phường Quang Trung (TP Quy Nhơn), cho biết: "Khi đưa BS về trạm, mục đích trước hết là tăng cường công tác KCB từ tuyến cơ sở, giảm bớt áp lực cho tuyến trên và đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong thời điểm cần thiết. Tuy nhiên, do nhân lực ở trạm thường rất thiếu so với khối lượng công việc nên ngoài công tác chuyên môn là khám, điều trị những bệnh thông thường, chúng tôi còn thực hiện các chương trình y tế quốc gia tại tuyến cơ sở".

TYT là đơn vị kỹ thuật y tế đầu tiên tiếp xúc với nhân dân, có nhiệm vụ thực hiện các dịch vụ kỹ thuật chăm sóc sức khỏe ban đầu và đỡ đẻ thông thường, phát hiện dịch sớm và phòng chống dịch bệnh, cung ứng thuốc thiết yếu, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp KHHGĐ và tăng cường sức khỏe. Hiện tại, các TYT thường có 4-5 cán bộ với 13 chương trình liên tục trong năm. Do đó, ngoài nhiệm vụ của mình, mỗi BS xã cũng đồng thời chia sẻ vài ba chương trình trong phần việc chung của trạm. BS Trương Quang Là ngoài nhiệm vụ trưởng trạm còn là chuyên trách của 4 chương trình y tế quốc gia. Cũng như vậy, BS Đỗ Ngọc Hoàng, TYT xã Nhơn Hậu (An Nhơn) khá tất bật với công việc hàng ngày. "Trước đây, khi trạm chưa triển khai khám BHYT thì mỗi ngày khám cũng được vài người trong diện chính sách và người nghèo. Nhưng bây giờ, trung bình một ngày tôi khám 15-20 bệnh nhân đồng thời phải kiêm thêm các chương trình người cao tuổi, người tàn tật…" - anh tâm sự.

* Thực trạng buồn

So với cả nước, Bình Định là một trong những địa phương sớm triển khai việc hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, trong đó rất chú trọng việc đưa BS về TYT. Tuy nhiên, trong lúc việc điều động BS về xã còn chưa đủ thì nhiều BS đang công tác lại… bỏ trạm.

Cán bộ y tế phường Trần Phú (Quy Nhơn) đang tiêm phòng cho trẻ sơ sinh

Những năm trước đây, huyện An Lão đã tìm được BS cho 2 xã An Quang và An Toàn trong số 9 xã, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, cả 2 BS này đều có lý do và lần lượt… bỏ ra đi. BS công tác tại TYT An Toàn là một y tá xuất thân từ bộ đội, được cử đi học hệ chuyên tu ở Huế với kinh phí bao gồm tiền lương và tiền tàu xe thanh toán 2 lần/năm. Sau 4 năm ra trường, về lại trạm làm một thời gian rồi xin chuyển đi vì điều kiện gia đình khó khăn. Còn T.V.T (trú tại xã An Hòa) làm việc tại TYT An Quang, được huyện cử đi học BS hệ chuyên tu 4 năm nhưng tốt nghiệp ra trường về làm việc chưa được một tháng đã tự bỏ việc mà không hề báo với Trung tâm y tế huyện lời nào!

9 TYT của huyện đến thời điểm này vẫn chưa có một BS nào. Trước đây, khi nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân các xã vùng núi cao trở nên cấp thiết, huyện An Lão đã triển khai biện pháp tăng cường BS từ huyện về. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai đã cho thấy đây chỉ là một giải pháp tạm thời. Theo dược sĩ Võ Thanh Tùng, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện, nếu điều động các BS ở trung tâm về xã thì không đủ nhân lực bởi, hiện tại cả trung tâm có 6 BS thì chỉ có 4 BS trực tiếp làm công tác điều trị. Thêm nữa, BS ở trung tâm chỉ quen với công tác chuyên môn, trong khi BS ở xã lại nặng về dự phòng. Còn hình thức BS tăng cường về xã theo kiểu một tháng ở được vài ngày cũng không thể phát huy hiệu quả trong công tác y tế cộng đồng.

Huyện Tuy Phước có 14 xã, thị trấn thì có 6 BS đang công tác tại 5 xã: Phước Hòa, Phước Hưng, Phước Sơn, Phước Thành, Phước Hiệp. Ông Nguyễn Lăng, Trưởng phòng Tổ chức-Hành chính-Quản trị Trung tâm Y tế (TTYT) huyện cho biết, từ khi triển khai đưa y sĩ của trạm đi học BS chuyên tu về đã có 3 BS của TYT bỏ việc. Năm 2000, BS T.D.T bỏ TYT thị trấn Tuy Phước; năm 2001, BS L.V.T bỏ TYT thị trấn Diêu Trì và mới năm ngoái, TYT Phước Lộc cũng không còn BS. Đây không chỉ là chuyện riêng của huyện Tuy Phước, một số huyện khác cũng có tình trạng này.

Theo thống kê của Sở Y tế, ở thời điểm đầu năm 2004, toàn tỉnh có 105 BS ở 84 TYT. Nhưng đến đầu tháng 11 này chỉ còn 101 BS ở 82 trạm. Như vậy từ trước đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 10 BS đã bỏ trạm. Điều đáng nói là những BS này đều bỏ trạm không có lý do, Sở Y tế và TTYT các huyện phối hợp tìm hiểu nguyên nhân, động viên tiếp tục làm việc nhưng họ vẫn kiên quyết. Do đó, dù đã nghỉ việc nhưng phải mất thời gian khá lâu Sở Y tế mới ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối tượng với lý do "tự ý bỏ việc, cơ quan thông báo nhiều lần không có mặt".

* Làm gì để giữ chân?

Xét về góc độ chuyên môn, lâu nay các TYT chỉ quen làm công tác dự phòng, do đó khi BS về trạm phần lớn thời gian dành cho công việc dự phòng. Các mặt bệnh đến khám chữa tại trạm chỉ là bệnh thông thường, giải quyết rất đơn giản, thậm chí để bệnh nhân tự mua thuốc điều trị cũng khỏi. Thêm vào đó, hiện tại tuyến y tế cơ sở vẫn còn khá nhiều tồn tại. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các TYT thiếu thốn, hầu như chỉ có ống nghe, huyết áp kế, do đó cơ hội nâng cao chuyên môn, tạo uy tín với người bệnh không đảm bảo.

Xét về góc độ xã hội, BS xã cũng chỉ có lương, các chế độ khác so với BS tuyến huyện trở lên không có, các chế độ độc hại thuộc các chương trình đặc thù của BS tuyến xã cũng ít ỏi và bất hợp lý.

Trong mấy năm gần đây, để tăng cường lực lượng BS ở xã, ngành y tế đã tiến hành nhiều hình thức: luân chuyển BS tuyến huyện về trạm, đào tạo nguồn tại chỗ song hình thức thứ nhất rất khó phát huy hiệu quả vì chuyên môn điều trị mà BS tuyến huyện có được không áp dụng nhiều, trong khi công tác dự phòng không thể đảm bảo, đó là chưa kể khó khăn trong việc áp dụng chế độ cho số BS này. Chính vì vậy các TTYT rất khó triển khai chủ trương điều động, luân chuyển BS theo quyết định của Sở Y tế. Giải pháp đào tạo nguồn tại chỗ vướng mắc lớn nhất lại nằm ở các huyện miền núi. Mỗi năm Sở Y tế được cử 2-3 y sĩ thuộc các xã vùng núi cao học BS chuyên tu nhưng nguồn đào tạo ở các huyện này lại không có.

Để giữ chân các BS ở TYT đồng thời thực hiện việc phủ đầy BS tại các xã trong tỉnh trong thời gian tới, ngoài việc tăng cường công tác đào tạo nguồn tại chỗ, cần phải nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng, bổ sung trang thiết bị thiết yếu, đảm bảo các chế độ và quyền lợi để các BS ở xã yên tâm công tác.

. Lê Thu Hiền

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Người nữ cựu chiến binh luôn vì cuộc sống bình yên  (10/11/2004)
Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu về xây dựng văn hóa  (10/11/2004)
Họ Trần ở Phước Thành khuyến học  (09/11/2004)
Phân cấp quản lý GD-ĐT: Bài học từ thực tiễn   (09/11/2004)
Ghi chép từ phiên tòa xét xử vụ án nhập lậu linh kiện xe gắn máy: Đua nhau đổ tội   (08/11/2004)
Bệnh viện tỉnh: Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý  (07/11/2004)
Ở thế kỷ XXI, Lênin vẫn cùng đi với chúng ta   (05/11/2004)
Quán café ca nhạc ở Quy Nhơn  (05/11/2004)
Nghề... cân sức khỏe  (04/11/2004)
Nhọc nhằn câu xốp   (04/11/2004)
Dạy thêm, học thêm - Thực trạng và nguyên nhân   (03/11/2004)
Quỹ "Vì người nghèo" ở Hoài Ân  (02/11/2004)
Mưu sinh bằng nghề cào ốc, dắc  (02/11/2004)
Sáng mãi bản chất Bộ đội Cụ Hồ   (01/11/2004)
Những khuất tất của vụ án sẽ được làm sáng tỏ?   (01/11/2004)