Huyện Vân Canh có 6 xã và 1 thị trấn, hiện có 5.287 hộ, 23.252 nhân khẩu, trong đó dân tộc thiểu số có 2.155 hộ với 9.954 nhân khẩu. Trong những năm gần đây, kinh tế của huyện có những bước tăng trưởng đáng kể, nhờ vậy đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Một trong những biểu hiện sự khá giả đó là nhiều gia đình sắm được mô tô, xe máy.
|
Công an huyện Vân Canh tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho bà con xã Canh Hòa |
Theo thống kê của Công an huyện, hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 3.000 mô tô, xe máy, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có khoảng 800 chiếc. Nhiều người mua được mô tô, xe máy - loại tài sản mà cách nay không lâu họ không dám ao ước - là một điều đáng mừng. Thế nhưng bên cạnh đó nỗi lo cũng không nhỏ.
Trong 800 mô tô, xe máy - con số chưa đầy đủ - hiện do bà con dân tộc thiểu số sở hữu chỉ một số rất ít có đăng ký còn lại là xe không biển số. Mặc dù xe được mua có đầy đủ hóa đơn, chứng từ nhưng người sở hữu không thể đăng ký được vì không có giấy phép lái xe theo quy định. Nhiều người không biết chữ nhưng nếu biết đọc, biết viết thì với phần lý thuyết như chương trình hiện nay họ cũng không thể nào trả lời đúng đáp án để được ra sân thực hành.
Do nhiều người điều khiển mô tô nhưng không hề biết Luật Giao thông đường bộ, các quy định để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông nên trên các tuyến đường ở Vân Canh đều tiềm ẩn những nguy cơ dẫn đến tai nạn, trong đó nguyên nhân phổ biến là điều khiển mô tô, xe máy trong lúc say rượu, chở quá số người quy định, cho xe lưu thông không đúng phần đường ưu tiên, chuyển hướng đột ngột, không sử dụng tín hiệu đèn... Ngày 22-9-2004, anh Đinh Văn Cu (sinh năm 1966) ở xã Canh Tiến, không có giấy phép lái xe, điều khiển mô tô chưa đăng ký chở anh Đinh Văn Hòa từ làng Chôm về gây tai nạn với mô tô của anh Nguyễn Văn Nam. Hậu quả anh Đinh Văn Cu bị thương nặng. Với những nguyên nhân tương tự, từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện Vân Canh đã xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông và trên dưới 10 vụ va quẹt khác làm chết 1 người, bị thương 8 người (đó là chưa tính số vụ tai nạn giao thông đường sắt làm chết 3 người khác).
Trước thực trạng đó, lãnh đạo Công an huyện Vân Canh đã tăng cường việc cử cán bộ về các bản làng tuyên truyền hướng dẫn việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2003 đến nay, cán bộ công an huyện đã đến 47 bản, làng trong huyện ít nhất 1 lần để tuyên truyền hướng dẫn việc chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn giao thông khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, biện pháp này vẫn chưa thể làm thay đổi tình hình, nhất là công tác quản lý phương tiện giao thông trên địa bàn.
Có nhiều ý kiến cho rằng, nên áp dụng hình thức thi vấn đáp đối với bà con để họ có điều kiện tham gia thi lấy giấy phép lái xe mô tô. Khi bà con có giấy phép lái xe, công an mới có thể vận động họ đăng ký phương tiện và mới quản lý được. Có lẽ các ngành chức năng cũng nên xem đây là một trong những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn giao thông có hiệu quả và quan tâm đến tính khả thi của hình thức sát hạch này.
. Đặng Tiến Quốc |