Xử lý rác thải rắn liên quan trực tiếp đến sức khỏe, cảnh quan môi trường và đời sống xã hội. Nhưng đến nay, công tác này ở TP Quy Nhơn vẫn chưa tốt vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó việc thiếu phương tiện thu gom và vận chuyển rác là một nguyên nhân.
|
Các xe rác cũ kỹ, độ chế bị hư hỏng thường xuyên |
Hiện nay, mỗi ngày Công ty Môi trường đô thị Quy Nhơn tiến hành thu gom và xử lý rác tại 16 phường nội thị và các huyện phụ cận với lượng rác trung bình khoảng 390m3.
Công ty có 21 xe vận chuyển rác, có tải trọng từ 2 đến 5 tấn, nhưng thực tế chỉ có 19 xe hoạt động thường xuyên; trong đó, xe chuyên dụng chỉ có 6 chiếc, số xe còn lại hầu hết được độ chế từ xe tải, xe ben. Vì xe quá cũ (một số sản xuất trước năm 1975, một số không xác định được năm sản xuất) lại chắp vá nên tình trạng xe hư hỏng thường xuyên xảy ra. Tại xưởng sửa chữa của Công ty, ngày nào cũng có từ 2 đến 3 chiếc nằm chờ đại tu; thậm chí, ngày chủ nhật, những thợ máy của xưởng sửa chữa vẫn làm việc để kịp sửa xe phục vụ công tác lấy rác. Lượng rác của TP ngày một nhiều, nhưng với thực trạng xe như vậy, Công ty không thể đáp ứng được nhu cầu.
Thực tế này dẫn đến hiện tượng một xe phải chạy từ 4 đến 5 chuyến/ngày, lộ trình bình quân 150 km/xe với lượng rác trung bình 5 tấn/xe/chuyến. Vào đợt khám định kỳ do Sở GTVT quy định (xe phải sửa rồi mới đi khám để được cấp phép lưu hành), hay những đợt lễ, tết, có xe phải chạy 8 chuyến/ngày. Anh Phùng Đức Nhãn - nhân viên Đội xe số 2 cho biết: "Xe ở đây hầu hết đều cũ, lúc nào cũng phải sửa. Chạy những chiếc xe cũ rất mệt. Có lúc đang chạy bỗng dưng nó "trở chứng", nhẹ thì mình tự khắc phục, còn nặng thì phải điện về nhờ anh em ở đội đến giúp. Có những đêm vì xe hư nên đành phải ngủ lại trên bãi rác". Với đặc trưng chứa chất thải, lại là xe độ chế nên xe xuống cấp rất nhanh. Những thông số kỹ thuật không đảm bảo, tình trạng xe mất phanh, đèn tín hiệu không hoạt động khi lưu thông, mặt nạ xe được cột, móc tạm bợ… là điều thường thấy ở các đội xe của Công ty hiện nay. Và do vậy sự cố, thậm chí tai nạn xảy ra từ những chiếc xe là điều tất yếu. Năm 2003, đã có một vụ tai nạn nghiêm trọng, gây chết người do xe rác gây ra. Không đủ xe vận chuyển rác, nên một số điểm trung chuyển rác ở nội thành, xe không đến thu gom đúng giờ như quy định, rác bị ứ đọng bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường.
Anh Tống Minh Dũng, cán bộ Phòng Tổ chức hành chính của Công ty, cho biết: "Đã có trường hợp một số người dân phản đối bằng những hành vi tiêu cực: đốt, cắt lốp xe cải tiến, phá dụng cụ lao động của công nhân vệ sinh… và đòi Công ty phải di dời điểm trung chuyển rác vì lượng rác tồn tại trước nhà họ quá lâu, gây hôi thối".
Ngoài việc phục vụ xử lý rác thải sinh hoạt của thành phố, Công ty còn phụ trách công tác xử lý rác thải ở các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh (19/26 cơ sở). Tuy khối lượng rác không lớn, nhưng lộ trình vận chuyển rác y tế từ điểm tập kết (An Nhơn, Phù Mỹ, Bồng Sơn…) đến nơi xử lý là rất xa mà xe chuyên dụng còn đang rất thiếu, Công ty đã phải cho một xe độ chế theo kèm để cùng "gánh" rác.
Theo bản tổng hợp niên hạn lưu hành các loại xe ô tô của Công ty, đến ngày 1-2-2005 có 8 xe đến thời hạn cấm lưu hành, trong đó có 4 xe vận chuyển rác. Trong khi đó, ước tính mỗi năm lượng rác của TP sẽ tăng từ 15% đến 20% và nếu như không có sự đầu tư kịp thời về phương tiện vận chuyển rác thì tình trạng quá tải trong thu gom, vận chuyển rác của Công ty trong tương lai gần là điều khó tránh khỏi.
Đứng trước tình cảnh thiếu xe mà lượng rác mỗi ngày một tăng như vậy, ông Ngô Hoàng Nam - Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Quy Nhơn - cho biết: "Mặc dù Công ty đã nhiều lần gửi tờ trình lên UBND thành phố để thông báo về hiện trạng phương tiện vận chuyển rác hiện nay và xin được hỗ trợ vốn để mua những xe chuyên dụng, nhưng đến nay, vẫn chưa thấy cơ quan chức năng trả lời".
. Quốc Việt - Lê Cường
|