Lương tăng không kịp giá
12:47', 17/11/ 2004 (GMT+7)

Tin tăng lương làm nức lòng công chức nhưng chưa kịp hưởng niềm vui, thì họ lại phải đối mặt với thực tế vật giá leo thang. Nhưng khổ nhất vẫn là những người thu nhập thấp...

* Các mặt hàng thiết yếu đều tăng

Vật giá tăng - người đi chợ thêm phần tính toán

Từ ngày 1-11, xăng đã tăng thêm 500 đồng/lít: 7.500 đồng/lít (đối với xăng A92), 7.300 đồng/lít (xăng A90) và 7.100đ/lít đối với xăng A83. Đây là lần tăng giá thứ ba trong năm sau thời điểm tháng 2 và tháng 6. Cũng bắt đầu từ đầu tháng 11, giá gas đã tăng lên 150.000 - 155.000 đồng/bình 12 kg, tăng gần 40% so với cuối năm ngoái.

Theo Cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng ở Bình Định trong tháng 10-2004 đã tăng 9,77% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các mặt hàng thuộc nhóm lương thực, thực phẩm tăng cao: như thóc gạo tăng 18,37%, thịt bò tăng 34,97%, gia cầm tăng 42,28%, trứng các loại tăng 51,36%. Ngoài ra các nhóm hàng phi lương thực, thực phẩm như may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình, vật liệu xây dựng, các dịch vụ khác… đều tăng từ 0,7 đến 7,79%. Tại Siêu thị Co.op Mart Quy Nhơn hơn một tháng nay, một số mặt hàng đã tăng giá bán vì nhà sản xuất báo giá lên. Rõ rệt nhất là nhóm hàng nhựa tăng 5-10%, hóa mỹ phẩm (bột giặt, chất tẩy rửa) tăng 10%, đồ sành sứ, thủy tinh đều tăng giá. Ở bên ngoài, các mặt hàng như sữa bột (ngoại), dầu ăn, bột ngọt đều đã tăng giá bán từ 3-5%.

Nguyên nhân tạo ra cơn sốt giá là do thời gian qua, trên thị trường thế giới giá xăng dầu, vàng, phân bón không ổn định, thêm vào đó là thông tin tăng lương đồng thời trong nước lại xảy ra dịch cúm gia cầm, hạn hán...

* Nỗi khổ của người thu nhập thấp

Với tình hình một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đều đã tăng quá 30% so với cùng thời điểm năm ngoái thì niềm vui đối với việc tăng thêm 30% lương của công chức chưa thể trọn vẹn.

Xăng tăng nhưng xe thồ khó tăng giá

Gia đình chị T., nhân viên của ngành đường sắt có tổng thu nhập hàng tháng của cả 2 vợ chồng là 1,8 triệu đồng. Nếu tính cả lương tăng thì tổng ngân quỹ của nhà chị cũng chỉ chừng trên 2 triệu đồng. Chỉ tính tiền cho con đi nhà trẻ và bồi dưỡng thêm hàng tháng cho con đã mất hơn 500.000 đồng. Số tiền còn lại phải tằn tiện lắm mới đủ chi tiêu hàng ngày và các khoản sinh hoạt phí khác như: điện, nước, đau ốm, hiếu hỉ… Với tình hình vật giá bây giờ, thay vì mua sữa ngoại cho con chị đã chuyển sang dùng các loại sữa trong nước. Chị B.P giáo viên tại thị trấn Bình Dương (Phù Mỹ) tâm sự: "Nói tháng 10, rồi tháng 11 tăng lương nhưng đã cầm thêm được đồng nào đâu mà ra chợ thì cái gì cũng tăng giá. Mỗi thứ tăng mỗi ít, nhưng dồn lại thì nhiều".

Công chức hưởng lương đã đành vậy, còn đối với người dân lao động, thu nhập thấp, mỗi lần vật giá tăng là mỗi lần "ná thở". Cánh chạy xe lam, xe ôm than thở: "Xăng lại tăng giá nữa mà giá xe từ hồi nào vẫn vậy. Tăng giá cước thì khách không đi. Phải cắn răng mà chạy thôi!". Họ tính toán: nếu 1 cuốc xe ôm cách đây 3 năm lấy giá 3.000 đồng (hồi ấy xăng giá có hơn năm ngàn). Bây giờ xăng đã 7.500 đồng họ vẫn phải lấy theo giá cũ. Người đi xe đâu có chịu hiểu là xăng tăng thì cước phải tăng, không đi thì họ kêu người khác, thậm chí đi xích lô lại càng rẻ hơn.

* Giá cả sẽ dừng?

Theo báo cáo của UBND tỉnh, chỉ số giá cả tiêu dùng của tháng 10-2004 trên thị trường Bình Định đã giảm nhẹ so với tháng trước 0,23%. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Chỉ số giá tiêu dùng cả nước hiện đã dừng ở mức 8,6% và không tiếp tục tăng nữa. Tuy nhiên, theo báo cáo tháng 10 của Tổ điều hành trong nước hầu hết các loại hàng hóa quan trọng đều có thể giữ giá ở mức cao hoặc tăng. Ngoài giá dầu thô, giá hàng loạt hàng hóa quan trọng vẫn đứng ở mức cao. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành phải bám sát diễn biến tình hình thực tế, thực hiện nghiêm túc các biện pháp đã đề ra, phấn đấu để chỉ số giá tiêu dùng không vượt qua hai con số.

Vấn đề quan trọng hiện nay là Nhà nước cần phải tiến hành các biện pháp kiểm soát chặt chẽ tiền tệ, giữ giá đồng Việt Nam, không tăng lãi suất; giữ ổn định và hạn chế thấp nhất việc tăng giá các mặt hàng mang tính chiến lược như than, điện, xi măng... cũng như một số dịch vụ quan trọng khác như xe buýt, xe khách liên tỉnh, nội địa, vận tải đường sắt để giảm áp lực gánh nặng chi phí, chi tiêu trong nhân dân.

. Thu Hà

 

Anh Trần Hồng Diệp, lái xe ôm ở KV3 phường Lê Hồng Phong: Một ngày trung bình tôi kiếm cỡ 20.000-25.000 đồng. Vợ đi làm gỗ, lương 600.000 đồng/tháng. Nhà hai vợ chồng, hai đứa con, tiền ăn sáng cho cả nhà mất 7.000 đồng, tiền chợ mười mấy nghìn nữa, rồi còn tiền chi dùng học hành cho sắp nhỏ. Tính ra phần tôi phải làm cật lực lắm mới đủ chi dùng. Lương vợ để trả các khoản điện, nước, hiếu hỉ, đau ốm thuốc men.

Bà Nguyễn Thị Nhung, cán bộ về hưu ở phường Trần Phú: Lương hưu của vợ chồng tôi được gần hai triệu đồng nhưng phải dành ra 1 triệu đồng để chu cấp cho đứa con học trong thành phố Hồ Chí Minh. Vừa rồi con điện về bảo xăng tăng, mẹ phải gửi thêm. Tôi thấy, ở Quy Nhơn giá cả có tăng nhưng không cao như ở các thành phố lớn, ăn sáng chỉ cần 2.000 đồng là có thể no bụng. Tuy vậy, cứ với tình hình này, nếu lương không tăng thì cuộc sống sẽ khó hơn trước. Với cán bộ như chúng tôi dù sao cũng còn đỡ chỉ có người lao động, buôn bán nhỏ là khổ.

Bà Vân, chủ tiệm bán đồ cũ ở đường Lê Lợi, Quy Nhơn: Tôi thấy từ ngày giá tăng, việc buôn bán của tôi không suôn sẻ như trước. Năm ngoái mua vào một kiện quần áo cũ chỉ 3,8 triệu đồng nhưng nay lên đến 4,8 triệu đồng mà hàng lại xấu hơn trước. Lương cho những người làm thêm cũng phải tăng lên, trước chỉ 12.000 đồng/ngày thì nay tăng lên 15.000-16.000 đồng. Người mua thì vẫn giữ giá mua như trước, rẻ thì mua chơi mắc thì thôi nên buộc lòng tôi vẫn phải giữ nguyên giá cũ. Lãi ít hơn trước cũng được, chỉ mong khách đến nhiều.

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nghề thêu cũng lắm công phu   (16/11/2004)
Bức xúc ở Công ty Môi trường đô thị Quy Nhơn: Xe chở rác sắp thành rác!   (16/11/2004)
Để mọi trẻ em đều có nụ cười   (15/11/2004)
Nhân lên sức mạnh nội sinh của cộng đồng dân cư   (15/11/2004)
Nỗi lo tai nạn giao thông ở một huyện miền núi   (14/11/2004)
3 gương mặt xuất sắc của Điện lực Bình Định   (12/11/2004)
Nước sạch đã về Canh Thành   (12/11/2004)
Vì sao nhiều bác sĩ tuyến xã, phường bỏ việc?  (12/11/2004)
Người nữ cựu chiến binh luôn vì cuộc sống bình yên  (10/11/2004)
Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu về xây dựng văn hóa  (10/11/2004)
Họ Trần ở Phước Thành khuyến học  (09/11/2004)
Phân cấp quản lý GD-ĐT: Bài học từ thực tiễn   (09/11/2004)
Ghi chép từ phiên tòa xét xử vụ án nhập lậu linh kiện xe gắn máy: Đua nhau đổ tội   (08/11/2004)
Bệnh viện tỉnh: Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý  (07/11/2004)
Ở thế kỷ XXI, Lênin vẫn cùng đi với chúng ta   (05/11/2004)