Có lẽ với nhiều người, ở cái tuổi ngoài 70 họ đã hưởng cảnh an nhàn nhưng đối với ông giáo già Lê Tuấn Lộc (74 tuổi) ở phường Nhơn Bình (TP. Quy Nhơn) thì lại khác. Suốt 12 năm qua, ông giáo Lộc đã âm thầm vượt lên bao khó khăn của cuộc sống thường nhật để giúp lớp lớp trẻ em ở đây được học cái chữ, có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.
|
Thầy giáo Lộc đang xem giáo án chuẩn bị cho buổi lên lớp |
Không riêng gì ở phường Nhơn Bình, mà đến đâu khi hỏi thăm người có nhiều năm liền gắn với lớp học tình thương, thì người ta sẽ nhắc ngay đến hai ông giáo già Lê Sỹ Nguyên và Lê Tuấn Lộc với tình cảm trân trọng. Mọi chuyện bắt đầu từ năm học 1991-1992, khi có chủ trương phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ. Lúc này, ông Lê Sỹ Nguyên đã tự nguyện đứng ra mở lớp và vận động con em trong ngoài phường tham gia vào lớp học. Chỉ sau 3 tháng, lớp học xóa mù của ông Nguyên "bị" quá tải, lại thiếu giáo viên. Thế là từ đó, ông giáo Lộc được mời ra đứng lớp cho đến nay.
Ông Lộc dạy học từ trước năm 1975. Sau ngày giải phóng, ông tiếp tục gõ đầu trẻ tại Trường Tiểu học số 2 Phước Thuận (Tuy Phước), đến năm 1988 thì nghỉ hưu. Trò chuyện với chúng tôi, ông nhớ lại những ngày đầu đầy gian khổ khi mở lớp học tình thương. Ông kể: "Ngày 6-3-1992, tôi bắt đầu nhận lớp. Lớp học do tôi phụ trách có 18 em thuộc khu vực 8 và 9 phường Nhơn Bình, các em này đều hoàn toàn mù chữ. Lúc đó, chưa có phòng học nên các em học nhờ tại chùa Thuận Nghi, nằm ở khu vực 9 của phường. Đến năm học 1993-1994, số học sinh đông lên rất nhiều, có đến hơn 30 em. Không đủ bàn ghế ngồi học, lớp thì lại chật, thế là tôi xin ý kiến lãnh đạo nhà trường cho sửa sang lại những bàn, ghế đã hư hỏng thừa ra; đồng thời xin dời lớp học về dạy tạm tại Đình Lạc Trường (nằm trong khuôn viên Trường tiểu học số 2 Nhơn Bình). Tuổi già, nghĩ mình có thể giúp được các em biết được cái chữ là tôi lại thấy mình khỏe ra và vui hơn."
|
Giờ ra chơi của các em học sinh lớp học tình thương |
Hiện nay, lớp học tình thương của thầy Lộc đã được chuyển về bên sông Hà Thanh, thuộc khu vực 7 phường Nhơn Bình. Lớp có tổng cộng 35 em, chia thành hai buổi học. Buổi sáng có 18 học sinh, trong đó có nhiều em bị thiểu năng trí tuệ, rất chậm trong việc tiếp thu kiến thức, nên thầy Lộc phải cố gắng rất nhiều trong việc giảng bài. Chưa kể một số em có hoàn cảnh rất đặc biệt, như trường hợp em Huỳnh Thị Kiều Oanh học lớp 2, bị khuyết tật cả hai tay và hai chân, gia đình lại rất khó khăn nhưng được thầy Lộc tận tâm dạy bảo, Kiều Oanh đã vượt qua tật nguyền và học rất khá.
Cho đến giờ này, thầy Lộc đã xóa mù chữ cho 115 em, trong đó có 15 em đã tốt nghiệp tiểu học. Đặc biệt có em Lê Văn Chín, hiện nay đang là học sinh lớp 12 chuyên ngoại ngữ của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP. Quy Nhơn). Chín bắt đầu biết cái chữ từ lớp học tình thương của thầy Lộc. Ông giáo già tâm sự: "Đến Ngày nhà giáo Việt Nam các em tề tựu về lớp học tình thương rất đông, chẳng có quà cáp gì lớn lao, chỉ có gói kẹo, gói trà do các em mang đến mà tình cảm tràn đầy. Thầy trò vừa ăn kẹo, vừa uống nước trà và kể cho nhau nghe những công việc đang làm. Nhiều em bây giờ cứ ríu rít cảm ơn tôi mãi. Vì nếu như không có lớp học thì các em không biết chữ, lấy gì được đi làm công nhân, rồi làm sao thi lấy giấy phép lái xe máy... Nghe được những lời chân tình như thế, tôi vui không thể nào nói hết và đó cũng là động lực cho tôi tiếp tục gắn bó với lớp dù tuổi đã cao".
Với những đóng góp của mình, trong những năm qua, ông Lê Tuấn Lộc đã được trao tặng nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp. Thế nhưng, với ông niềm vui lớn nhất và cũng là hạnh phúc lớn nhất của đời ông là làm sao cho lũ trẻ 2 bên bờ sông Hà Thanh này đều được đi học, đều biết cái chữ để có điều kiện vươn lên thoát khỏi cái nghèo đeo đẳng từ bao đời nay.
Nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, chúng tôi cầu chúc cho ông vẫn khỏe mạnh để tiếp tục "gieo" chữ cho các em, đúng như lời nguyện ước của ông: Phải dạy cho tất cả các em ở đây biết được cái chữ để học lên cao hơn nữa, đến lúc đó có nhắm mắt xuôi tay thì cũng cảm thấy thanh thản.
. Nguyễn Phúc |