Nhân Ngày nhà giáo Việt Nam (20-11)
Nhà giáo - nghề giáo: Cho và nhận
14:58', 19/11/ 2004 (GMT+7)

Nếu như mỗi chúng ta luôn phải đấu tranh để tâm hồn không bị chi phối bởi mặt trái của quan hệ kinh tế thị trường, thì điều này đối với các nhà giáo - những người đang làm nhiệm vụ đặc biệt là giáo dục thế hệ trẻ cũng không ngoại lệ.

* Ngày của thầy cô

Cô giáo như mẹ hiền

Ngày 20-11 nào cũng vậy, anh Thạch - một phụ huynh học sinh (HS) ở khu vực 9, phường Nguyễn Văn Cừ- đều chu đáo trong việc đi "lễ thầy". Anh diện áo sơ mi trắng, thắt cà vạt và cầm theo gói quà nhỏ mà mình tự mua từ chiều hôm trước, đến nhà thầy giáo, cô giáo chủ nhiệm của hai con để chúc mừng. Anh kể: "Tôi phải đích thân làm việc này vì đây là dịp để các bậc phụ huynh chúng tôi thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của mình đối với các thầy cô giáo. Trong ngày này, tôi còn có dịp trò chuyện với các thầy cô để hiểu hơn về việc học tập của các cháu ở trường". Được hỏi về món quà tặng nhà giáo mà anh đã chọn, anh Thạch ra vẻ bí mật: "Đó là một món quà giá trị không lớn nhưng có ý nghĩa!".

Tặng thầy, cô giáo những gì trong ngày 20-11? Đó là điều băn khoăn của rất nhiều phụ huynh HS. Người thì quan niệm, quà cho cô chỉ nên là những bó hoa mang ý nghĩa tinh thần. Người thì cho rằng, nên tặng những món quà có giá trị sử dụng thiết thực hơn như vải, dầu gội đầu, sữa tắm, ly tách… Và cũng đã có một số phụ huynh chọn giải pháp gọn nhẹ hơn: phong bì. Anh L.A, một phụ huynh nhiều năm làm chi trưởng chi hội phụ huynh HS của một trường nọ cho biết: "Chẳng đợi đến ngày 20-11, ngay từ cuộc họp phụ huynh đầu năm học, chúng tôi đã bàn đến chuyện lễ nghĩa cho thầy, cô giáo trong ngày Nhà giáo Việt Nam. Hầu hết các bậc phụ huynh rất vui vẻ tán thành chuyện đóng góp để tổ chức cho các thầy cô giáo đang dạy ở lớp một buổi gặp mặt, liên hoan và tặng cho mỗi thầy, cô một món tiền nhỏ".

Thầy Võ Công Trí, giáo viên (GV) Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn nhận xét: "Đa phần các GV không câu nệ được tặng món quà gì. Điều cốt lõi ở đây là tình cảm của người tặng và cách tặng… Còn tặng phong bì ư? Đó là điều không đúng và không nên làm bởi GV chúng tôi luôn có lòng tự trọng…". Mới đây, tôi đã được nghe một GV THPT ở huyện Phù Cát kể chuyện: "HS trường tôi phần lớn ở các xã vùng sâu, vùng xa, ngày 20-11, các em thường đạp xe khoảng 11-12 cây số đến thăm tôi. Món quà của chúng có khi chỉ là vài trái ổi vườn nhà, cô trò cùng ngồi ăn với nhau và trò chuyện cho đến trưa, tôi nấu cơm và cùng ăn với các em. HS ở lại chơi với gia đình cô giáo đến khoảng chiều mới chia tay. Nói chung, ngày 20-11 năm nào cũng rất mệt nhưng tràn đầy niềm vui".

* Cho...

Ông Phạm Tích Hiếu, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tuy Phước kể lại: "Vừa qua, Phòng GD-ĐT đã thực hiện một đợt kiểm tra chất lượng tay nghề GV toàn huyện để làm cơ sở đánh giá, sàng lọc đội ngũ. Có một thầy giáo sắp nghỉ hưu ở Phước Thành đã thẳng thắn bày tỏ: Trong suốt cuộc đời làm nghề dạy học, thầy chưa bao giờ đọc thêm một cuốn sách chuyên môn nào ngoài sách giáo khoa. Nay vì miếng cơm, manh áo… buộc tôi phải nghiên cứu, tìm tòi để mở mang kiến thức". Tâm sự thật của người thầy giáo sắp rời bục giảng trên đây làm cho chúng ta cảm thấy xót xa. Trong số hàng vạn GV của tỉnh, đã có bao nhiêu nhà giáo luôn trăn trở, đổ mồ hôi, công sức để làm "mới", "thổi hồn" cho từng tiết giảng? Bao nhiêu nhà giáo hết năm này qua năm khác, chỉ dẫm vào lối mòn quen để truyền thụ cho HS những giờ giảng "chết", những kiến thức cũ kỹ, sáo mòn? Ông Trần Văn Quí, Giám đốc Sở GD-ĐT đã có lần thừa nhận: "Chỉ có khoảng 50% số GV còn giảng dạy bằng sự tận tâm với nghề, với HS. Số còn lại, hầu hết chỉ giảng dạy ở mức độ hoàn thành nhiệm vụ". Nhà giáo ưu tú Trương Tham thì có vẻ khắt khe hơn: "Ở bộ môn Văn của tôi, GV thật sự tâm huyết với nghề, chịu học hỏi, trăn trở với bài giảng rất ít". Ông bàn luận: "Chuyên tâm với nghề nghiệp là một trong những khía cạnh của đạo đức nhà giáo. Người dân bao giờ cũng hiếu học và cần chữ. Nếu như, đức và trí của thầy cô giáo chưa đáp ứng được yêu cầu thì làm sao nhận được sự "tôn sư trọng đạo" của xã hội".

*... và nhận

Ngày nay, hầu hết các phụ huynh HS đều có ý thức đầu tư cho việc học của con cái. Họ quan niệm rằng, đã cho con đi học là phải đầu tư và chấp nhận sự tốn kém. Cũng từ suy nghĩ đó mà không ít người đã quan tâm một cách thái quá đến nhà giáo. Chị Thu Trang, một phụ huynh HS tâm sự: "Ngày 20-11, thấy vị phụ huynh nọ đến tặng cô giáo chủ nhiệm của con món quà "sộp" hơn quà của mình, tôi cứ băn khoăn mãi. Không biết cô giáo có "nhất bên trọng, nhất bên khinh" hay không?".

Trong cơ chế thị trường, tri thức cũng được coi là một hàng hóa - hàng hóa đặc biệt. Do đó, nhà giáo đang chịu tác động mạnh mẽ bởi một bên là đạo đức nghề nghiệp có tính truyền thống bền vững và một bên là những đòi hỏi đời thường. Và, bên cạnh một số ít thầy, cô giáo đã tự làm tầm thường vị trí xã hội cao quý của mình thì sự tác động thái quá của một số phụ huynh HS cũng góp phần thúc đẩy lối ứng xử mang tính thị trường trong quan hệ của nhà giáo với xã hội và phần nào làm hạ thấp uy tín nhà giáo. Một GV dạy môn "phụ" đã thừa nhận: "Có lúc, tôi đã so sánh về thu nhập của người này, người nọ trong trường, giữa ngành này, ngành khác trong xã hội để rồi tự bằng lòng với lượng kiến thức trong SGK của mình vì cho rằng "tiền nào của nấy". Nhưng rồi, tôi cảm thấy xấu hổ khi nhìn thấy những ánh mắt thất vọng của học trò".

Có lẽ, chưa bao giờ hình ảnh của nhà giáo lại soi rọi như hiện nay. Xã hội nói chung và các bậc phụ huynh, HS nói riêng luôn kỳ vọng rất lớn vào lương tâm, trách nhiệm của các nhà giáo.

. Ngọc Quỳnh

 

* Cô Võ Hạnh - GV Trường THCS Ân Thạnh (Hoài Ân)

Tôi có may mắn lớn trong cuộc đời là được làm cô giáo giảng dạy trên quê hương, trên chính ngôi trường tôi đã gắn bó thời thơ ấu. Ngày ngày, được làm việc cùng các thầy cô giáo cũ và bạn bè thân quen, tôi cảm thấy yêu công việc của mình hơn. Đối với những người làm nghề giáo chúng tôi, không gì quý hơn tình cảm của học trò, quý hơn tấm lòng "tôn sư trọng đạo". Ngày trước, tôi ngưỡng mộ các thầy cô tôi dù cuộc sống khó khăn vẫn say mê giảng dạy và tận tụy với học trò. Giờ đã ở trong nghề, tôi càng tự hào hơn khi được làm người kỹ sư tâm hồn, được cống hiến cho sự nghiệp trồng người của quê hương... Ngày 20-11 hàng năm, thầy, cô giáo được nhắc đến với sự ghi nhận công lao đóng góp cho sự nghiệp trồng người, đào tạo nhân tài cho đất nước. Với tôi, khi nhận được những tấm thiệp chúc mừng của HS cũ, được nhìn lại những nét chữ thân thương và biết các em dù đang học tập, công tác ở đâu vẫn luôn nhớ đến thầy cô mình thì nhiệt huyết với nghề được tiếp thêm rất nhiều. Có lần, vào ngày 20-11, tôi đã nhận được một món quà rất đặc biệt. Đó là một quyển vở học trò. Khác với những lời chúc "cô giáo mạnh khỏe", "cô giáo dạy giỏi"… là một dòng chữ nắn nót dễ thương đầu trang vở "Gởi tặng các bạn HS nghèo vùng lũ. Mong các bạn vươn lên để học tập tốt. Chào thân ái!" Thì ra, đây là quà các em HS nghèo trường tôi vừa nhận được. Ngày của các thầy cô giáo, HS của tôi không có tiền mua hoa, mua thiệp nên trích quà vừa nhận được để tặng cô. Trong món quà nhỏ chứa đựng những tấm lòng cao cả: tấm lòng nhường cơm, xẻ áo của em học trò không muốn để lại tên và tấm lòng biết ơn thầy cô của cô học trò nghèo. Niềm hạnh phúc lớn lao ấy đâu phải ai cũng có được!

* Chị Nguyễn Thị Nguyệt, phụ huynh HS

Ngày xưa, khi chưa có ngày Nhà giáo Việt Nam, phụ huynh HS đến thăm thầy cô giáo vào các ngày lễ, ngày Tết. Vào "mồng ba tết thầy", cha mẹ thường dẫn con đến nhà thầy cô để bày tỏ lòng biết ơn vì nếu để con đi một mình sợ rằng sẽ ăn nói không nên, làm phiền lòng thầy cô. Rồi những HS thành danh tìm về thăm thầy cũ thể hiện tấm lòng thành của người đi xa nhớ cội nhớ nguồn. Thầy cô giáo thấy lại gương mặt học trò mà mình đã dạy dỗ nay đã nên người mà thêm yêu nghề, quý nghiệp.

Ngày nay, cuộc sống có nhiều thay đổi, cách thức ứng xử với thầy cô giáo cũng đổi thay dần. Hình ảnh thầy, cô giáo có thánh thiện trong mắt học trò hay không phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của các bậc cha mẹ. Có người thăm thầy cô giáo của con chỉ mang đến một cành hoa nhưng qua cách thể hiện tình cảm, cách ứng xử của họ, cả người cho và người nhận đều cảm thấy hài lòng. Còn ngược lại, dù họ có mang những món quà vật chất đắt tiền nhưng không xuất phát từ tình cảm thật thì cả hai bên đều cảm thấy miễn cưỡng, xa lạ. Một phụ huynh quá coi trọng vật chất, đối xử với thầy cô giáo bằng thước đo vật chất, vô hình chung, họ đã tập cho con em lối ứng xử quy tình nghĩa ra thành vật chất. Không ít những HS trở nên hãnh tiến, ỉ lại, không muốn học bắt đầu từ lối ứng xử này. Bởi thế, giáo dục sao cho các thế hệ mai sau có lối ứng xử đẹp với nhà giáo phụ thuộc rất lớn vào cách nhìn, cách suy nghĩ của các bậc phụ huynh HS hôm nay.

. Q.H (ghi)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tòa bênh vực huyện…  (19/11/2004)
Trái tim không tật nguyền   (19/11/2004)
Vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân  (18/11/2004)
Ông giáo già 12 năm gắn bó với lớp học tình thương  (17/11/2004)
Lương tăng không kịp giá  (17/11/2004)
Nghề thêu cũng lắm công phu   (16/11/2004)
Bức xúc ở Công ty Môi trường đô thị Quy Nhơn: Xe chở rác sắp thành rác!   (16/11/2004)
Để mọi trẻ em đều có nụ cười   (15/11/2004)
Nhân lên sức mạnh nội sinh của cộng đồng dân cư   (15/11/2004)
Nỗi lo tai nạn giao thông ở một huyện miền núi   (14/11/2004)
3 gương mặt xuất sắc của Điện lực Bình Định   (12/11/2004)
Nước sạch đã về Canh Thành   (12/11/2004)
Vì sao nhiều bác sĩ tuyến xã, phường bỏ việc?  (12/11/2004)
Người nữ cựu chiến binh luôn vì cuộc sống bình yên  (10/11/2004)
Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu về xây dựng văn hóa  (10/11/2004)