Vốn là người không theo học các trường sư phạm nên con đường đến với nghề dạy học của thầy giáo Nguyễn Đình Minh, giáo viên bộ môn Toán của trường THCS xã Canh Hiển (Vân Canh) gặp rất nhiều chông gai.
Anh Minh quê ở xã Phước An, huyện Tuy Phước. Năm 1987, sau khi tốt nghiệp khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Đà Lạt, không tìm được việc làm phù hợp nên anh xuống thị trấn Diêu Trì học nghề sửa chữa điện tử rồi lấy vợ và cùng lên xã Canh Thuận (Vân Canh) lập nghiệp. Trong 10 năm ròng, từ 1987 đến 1997, anh Minh phải bươn chải và xoay xở bằng đủ mọi nghề từ việc sửa chữa điện tử, làm bình ắc quy, tráng bánh tráng, nuôi heo, đến làm ruộng, làm rẫy, trồng rừng... để nuôi sống gia đình.
Đến năm học 1997-1998, anh Minh muốn được thử sức mình khi có cơ hội được ký hợp đồng tham gia giảng dạy bộ môn Toán cho Trường THCS Canh Vinh. Và qua một năm đi dạy, anh cảm thấy mình rất hợp với nghề này. Mãi cho đến bây giờ, khi đã đi dạy được hơn 7 năm nhưng trong câu chuyện với chúng tôi, anh Minh cũng không nghĩ là mình lại có duyên với nghề dạy học đến vậy. Những năm đầu mới đi dạy, đồng lương ít ỏi, điều kiện kinh tế gia đình và việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn nhưng anh Minh vẫn kiên trì bám trường, bám lớp. Đặc biệt, anh đã dành thời gian và đồng lương ít ỏi của mình để đi học các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm.
Dạy tại Trường THCS Canh Vinh được 4 năm, đến năm 2001, Sở GD-ĐT Bình Định có quyết định tách trường và thành lập Trường THCS Canh Hiển, anh Minh được phân công về trường mới giảng dạy cho đến giờ. Trong những năm qua, mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn: mẹ già, vợ không có việc làm lại hay đau yếu và 3 con còn nhỏ, nhưng anh Minh đã âm thầm vượt lên tất cả để làm tròn nhiệm vụ của người thầy giáo. Sau những giờ lên lớp, khi về nhà, ngoài những giờ soạn bài hay chấm bài, anh Minh vẫn còn tiếp tục làm nghề sửa chữa điện tử cùng những nghề lặt vặt khác đã nuôi sống gia đình anh trong suốt 10 năm trời trước khi anh đi dạy để có thêm đồng ra đồng vào. Vốn là người đã từng trải qua mọi gian khổ, khốn khó nên hơn ai hết, anh Minh luôn thấu hiểu những vất vả, thiếu thốn của đám học trò trong trường, trong lớp của mình. Vì vậy, anh đã cố gắng đem hết những hiểu biết, kiến thức và kinh nghiệm của mình để truyền đạt lại cho học sinh. Anh luôn quan tâm bồi dưỡng cho những học sinh học yếu, kém và bồi dưỡng thêm cho những học sinh giỏi nhưng không lấy tiền công.
Ông Nguyễn Văn Ninh, một phụ huynh ở thôn Tân Quang, xã Canh Hiển có con theo học tại trường, kể với chúng tôi: "Thầy Minh là một thầy giáo rất nhiệt tình và có trách nhiệm với học sinh. Từ ngày thằng Phong con tôi được thầy dạy môn Toán và làm chủ nhiệm thì nó tiến bộ rất mau. Nhiều học sinh cũng như phụ huynh ở Canh Hiển đều rất quý trọng và yêu mến ổng."
Một điểm đáng quý khác ở thầy giáo Nguyễn Đình Minh là trong công tác giảng dạy, sinh hoạt hằng ngày, anh luôn gần gũi, quan tâm giúp đỡ những đồng nghiệp trẻ về nhiều mặt. Cô giáo Đào Thị Cẩm Phi, Hiệu trưởng nhà trường và thầy giáo Dương Ngọc Ẩn, một giáo viên trẻ của trường còn cho chúng tôi biết: "Trường THCS Canh Hiển là một trường mới thành lập nên đa số giáo viên đều còn rất trẻ. Là người đi trước, anh Minh luôn nhiệt tình quan tâm giúp đỡ, truyền đạt kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy giúp cho anh em cùng tiến bộ. Trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày anh luôn vui vẻ, hòa nhã với mọi người, được anh em đồng nghiệp tin tưởng, yêu mến".
Là một giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, được đồng nghiệp quý mến, phụ huynh và học sinh tin yêu nhưng khi nói về mình, anh Minh tỏ ra rất khiêm tốn, đúng mực như cái chất nhà giáo trong con người anh. Anh Minh cho rằng những kết quả mà anh có được ngày hôm nay ngoài sự nỗ lực của bản thân còn có sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhiều người. Bên cạnh đó, tuy cuộc sống gia đình còn khó khăn nhưng mẹ, vợ và các con anh luôn động viên, giành những việc khó về mình để anh yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Chia tay với chúng tôi, thầy giáo Nguyễn Đình Minh cho biết, nếu có điều kiện, anh sẽ tiếp tục đi học để nâng cao trình độ chuyên môn nhằm giúp thêm nhiều trẻ em ở vùng đất còn nghèo khó này kiếm được cái chữ "lận lưng", có cơ hội cải thiện cuộc sống. Niềm mong ước giản dị của anh thật đáng trân trọng.
. Xuân Nguyên
|