Một người thầy yêu nghề
9:41', 23/11/ 2004 (GMT+7)

25 năm dạy học và sự thăng trầm của một nửa đời người, thầy Trương Hoài Phương, giáo viên (GV) dạy môn Lịch sử của Trường Quốc Học Quy Nhơn vẫn luôn giữ cho mình ngọn lửa của tình yêu nghề.

Thầy Trương Hoài Phương trong phòng truyền thống của trường

Thầy Phương dẫn tôi đi tham quan phòng truyền thống của nhà trường. Những gương mặt HS Trường Quốc Học qua từng thời kỳ lần lượt hiện lên từ những cái tên đã thành danh như: Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Tứ, Trần Duy Thệ (HS đạt giải Vật lý quốc tế - năm 1982) đến những HS đã đạt giải nhất, giải nhì qua các kỳ thi HS giỏi quốc gia gần đây. Một ngôi trường có truyền thống yêu nước, hiếu học gần một thế kỷ mà những lớp HS sau này không hiểu hết để tự hào và phấn đấu thì thật là đáng buồn. Trăn trở với điều ấy, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và nhà trường, trong suốt ba tháng hè, thầy Phương đã cùng các GV trong tổ Lịch sử sưu tầm tư liệu, hình ảnh, xây dựng ý tưởng cho phòng truyền thống. Được trường tạo điều kiện, thầy còn biên soạn 2 bài giảng "giới thiệu lịch sử phát triển của Trường Quốc Học" và "những gương mặt đã làm rạng danh mái trường"  để đưa vào chương trình giảng dạy cho HS khối 10 ở bộ môn Giáo dục công dân.

Tốt nghiệp Trường ĐHSP Huế năm 1979, rời quê hương Đông Hà (Quảng Trị), thầy Phương vào dạy học tại Trường Quang Trung (nay là Trường Quốc Học Quy Nhơn). 25 năm lên lớp, thầy đã bước lên bục giảng không biết bao nhiêu lần nhưng chắc một điều là ngày lên lớp đầu tiên khác xa so với ngày hôm nay. Thầy kể: "Mới bước chân vào nghề, tôi còn "tham" kiến thức, muốn bê tất cả những điều mình đã được học vào bài giảng, HS nghe xong ít đọng lại được gì". Còn hôm nay, bài giảng của thầy là sự chắt lọc của phương pháp và những hình tượng lịch sử sâu đậm. Để có được những giờ dạy thăng hoa, thầy Phương đã phải mất rất nhiều thời gian để học, đọc và nghiên cứu tư liệu. Thầy nhớ lại những năm còn bao cấp, hai vợ chồng đều là giáo viên, thu nhập chẳng đủ để mua sữa cho con đang đau ốm. Có lúc, cô định liều bán đi những cuốn sách quý của thầy… Nhưng rồi, tình yêu nghề đã giúp thầy, cô chèo chống qua mọi khó khăn. Thầy Phương cho biết: "Tôi vẫn còn cảm nhận được niềm sung sướng, hãnh diện khi lần đầu tiên mình có HS đạt giải HS giỏi quốc gia môn Lịch sử. Đây chính là động lực để tôi tiếp tục miệt mài, đầu tư cho những giờ dạy và đào tạo, bồi dưỡng những HS giỏi sử".

Nhờ tận tụy với công việc, thầy Phương đã liên tục có HS đạt được giải cao. Riêng trong hai năm (2001-2002), đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia môn Sử do thầy phụ trách có 100% số HS dự thi đạt giải. Trong 7 năm có tổ chức thi học sinh giỏi môn Lịch sử, thầy đã đào tạo, bồi dưỡng được 37 HS giỏi cấp tỉnh và 24 HS giỏi cấp quốc gia. Với những thành tích này, thầy đã nhận được nhiều danh hiệu cao quý: GV dạy giỏi, GV giỏi, lao động giỏi, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và nhiều bằng khen của UBND tỉnh, Bộ GD-ĐT. Mới đây, thầy đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

. Minh Quang

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Góp phần nâng cao vai trò, vị trí của công nghệ thông tin   (22/11/2004)
Tuổi trẻ với 5 cuộc vận động lớn của Hội   (22/11/2004)
Xây dựng nhà cho hộ nghèo ở An Nhơn: Chậm, vì sao?  (21/11/2004)
Chuyện về một giáo viên vượt khó dạy giỏi   (19/11/2004)
Nhà giáo - nghề giáo: Cho và nhận   (19/11/2004)
Tòa bênh vực huyện…  (19/11/2004)
Trái tim không tật nguyền   (19/11/2004)
Vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân  (18/11/2004)
Ông giáo già 12 năm gắn bó với lớp học tình thương  (17/11/2004)
Lương tăng không kịp giá  (17/11/2004)
Nghề thêu cũng lắm công phu   (16/11/2004)
Bức xúc ở Công ty Môi trường đô thị Quy Nhơn: Xe chở rác sắp thành rác!   (16/11/2004)
Để mọi trẻ em đều có nụ cười   (15/11/2004)
Nhân lên sức mạnh nội sinh của cộng đồng dân cư   (15/11/2004)
Nỗi lo tai nạn giao thông ở một huyện miền núi   (14/11/2004)