Đa số giáo viên (GV) sống bằng lương và các khoản phụ cấp theo lương. Bên cạnh đó, một bộ phận GV có thu nhập lớn hơn rất nhiều nhờ dạy thêm và khoản thu nhập này ít nhiều đã tạo nên sự phân hóa trong đời sống nhà giáo.
* Người cao vẫn cao
|
Giáo viên mầm non có thu nhập thấp nhất trong đội ngũ nhà giáo |
Thầy Đ., một GV dạy Toán có tiếng ở một trường nọ tâm sự: "Lương và phụ cấp theo lương hiện nay của tôi là gần 1,7 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn có những khoản thu nhập khác như tiền dạy thêm cho học sinh tại trường, dạy luyện thi và thỉnh thoảng tham gia dạy ở các trung tâm nên thu nhập bình quân mỗi tháng 3-4 triệu đồng. Còn thầy B., GV dạy Hóa tâm sự: "Các tháng hè tham gia dạy luyện thi, tôi có thu nhập khoảng 4-5 triệu đồng/ tháng". Thực ra, GV có thu nhập như thế nào khó ai có thể biết được đích xác. Tuy nhiên, thu nhập cao chỉ rơi vào một số GV dạy giỏi và cũng chỉ ở một số môn như Toán, Lý, Hóa, Anh văn…
Một phụ huynh học sinh cho biết: "Con tôi học hành tấn tới, thi đâu đậu đó, chính là nhờ tôi đã tìm được thầy giỏi cho cháu theo học. Được học thầy giỏi dù tốn kém bao nhiêu tôi cũng không tiếc!". Bởi thế, những GV ở hàng "sao", dù muốn hay không, cũng phải chịu sức ép dạy thêm, học thêm khá lớn. Và vì thế, thu nhập của họ cũng phải vào hàng... sao. Có những GV dạy thêm dày kín các buổi trong ngày. Nếu mỗi HS chỉ phải trả tiền học thêm 50.000 đồng/tháng (cho 6 tiết/ tuần), mỗi "cua" có vài chục HS tham gia thì thu nhập của GV đó đã lên đến cả chục triệu đồng/tháng.
Đa phần GV phổ thông có thu nhập cao nhờ dạy thêm tại nhà, còn giảng viên đại học thì thu nhập cao nhờ dạy tăng giờ, tăng tiết. Ở Trường ĐHQN có những GV dạy môn chung, mỗi năm dạy thừa trên cả nghìn giờ cộng thêm các khoản thu nhập như tiền ăn sáng, ăn trưa, chấm bài tuyển sinh... thì thu nhập hàng năm cũng không phải nhỏ. Tuy nhiên, để có được thu nhập cao, công sức của GV bỏ ra rất nhiều.
* Người thấp cứ thấp
Ông Phạm Quang Bắc, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết: "Tuy được hưởng chế độ, chính sách của trường chuyên (phụ cấp ưu đãi 70% lương) nhưng GV các môn Sử, Địa, Thể dục, GDCD, Kỹ thuật công nghiệp, một số GV Văn, GV mới ra trường chỉ có thu nhập từ lương nên cũng rất thấp, có GV thu nhập chỉ 800.000 đồng/ tháng". Thấp nhất có lẽ là các GV mầm non ở các trường tư thục. H. một GV dạy mẫu giáo tư thục tâm sự: "Tôi phải lên lớp từ sáng đến chiều nhưng chỉ được chủ trường trả lương 350.000-400.000 đồng/tháng". GV trường bán công, thu nhập chủ yếu dựa trên nguồn thu học phí của HS nên cũng khó cải thiện. Năm 2003, Nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 210.000 đồng lên 290.000 đồng, các trường bán công, hệ B trong trường công đều phải nhờ Nhà nước bù để trả lương cho GV. Ông Nguyễn Văn Thuận, Phó hiệu trưởng Trường THPT bán công Trần Cao Vân than: "Sắp tới, lương GV tăng thêm 30% nhưng học phí vẫn không tăng và đối tượng HS được miễn giảm học phí (HS xã đảo, HS trong diện nghèo) ở trường tôi lại quá nhiều".
* GV thu nhập cao - chất lượng GD tốt ?
Trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển cho rằng: lương GV thấp nên chất lượng giáo dục chưa cao! Có đúng là như vậy? Theo ông Trần Văn Quí, Giám đốc Sở GD-ĐT: Hiện nay, 85% ngân sách GD-ĐT đã được dùng để chi lương và phụ cấp theo lương cho GV. Vậy, với 85% của 309 tỉ đồng (ngân sách GD năm 2004) chia lương cho gần 16.000 cán bộ, GV thì thu nhập bình quân của GV/tháng khoảng 1,4 triệu đồng. Đây là mức thu nhập cao so với các ngành khác trong khối hành chính, sự nghiệp. Với mức lương được hưởng hiện nay, đa số các nhà giáo ở nông thôn, ở vùng cao có đời sống tương đối cao so với cán bộ, công chức trong vùng. NGƯT Trương Tham nhận xét: "Lương GV dù có tăng đến đâu đi nữa thì chất lượng GD cũng không cải thiện được. Bởi cốt lõi của GV yếu, giảng dạy thiếu nhiệt tình, thiếu trách nhiệm lại nằm ở chỗ… khác".
Một GV ở Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn nhận xét: "Nếu một giờ dạy chính khóa đảm bảo được yêu cầu chất lượng thì mọi hình thức dạy thêm đều không hiệu quả".
HS có điều kiện thì tìm thầy giỏi để bổ sung kiến thức, còn những học sinh nghèo thì đành chấp nhận hưởng thụ chất lượng GD kém hơn. Sao còn là sự công bằng?
. Ngọc Quỳnh
|