Nghị định 181 thi hành Luật đất đai 2003:
Xác định rõ quyền lợi và trách nhiệm của người sử dụng đất
10:30', 24/11/ 2004 (GMT+7)

Tại buổi họp báo công bố Nghị định số 181/2004/NĐ-CP về thi hành Luật Đất đai 2003, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Mai Ái Trực đã nói: "Nghị định này đem lại lợi ích rõ ràng cho cả doanh nghiệp và người dân, giúp khắc phục được hiện tượng thu hồi đất tràn lan, đầu tư không theo quy hoạch, thuận tiện hơn trong cơ chế cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).

Một buổi tiếp dân khiếu nại về đất đai của UBND tỉnh

Một trong những điểm nổi bật của Nghị định này là người dân có quyền tham gia ý kiến trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Theo Nghị định, Bộ TN-MT, Sở TN-MT, Phòng TN-MT và UBND các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm công bố công khai toàn bộ tài liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời UBND các cấp có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương. Khi phát hiện những trường hợp sử dụng đất không đúng quy hoạch, kế hoạch đã được công bố thì xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý.

Không bị thiệt thòi như trước, những hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở có vườn, ao liền kề cũng được cấp "sổ đỏ", với diện tích sát với thực tế sử dụng hơn. Theo Nghị định, diện tích đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân đã được cấp GCN trước ngày Nghị định 181 có hiệu lực thi hành, được xác định theo quy định: Trường hợp đất ở có vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư được sử dụng trước ngày 18-12-1980 mà trong hồ sơ địa chính hoặc các loại giấy tờ về QSDĐ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai có ghi nhận rõ ranh giới thửa đất ở (hoặc thổ cư) thì toàn bộ diện tích đất đó được xác định là đất ở theo quy định tại khoản 2 Điều 87 của Luật Đất đai. Trường hợp ranh giới thửa đất chưa được xác định trong hồ sơ địa chính hoặc trên các giấy tờ quy định thì diện tích đất ở được xác định không quá 5 lần hạn mức diện tích giao đất của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định tại khoản 2 Điều 83 và khoản 5 Điều 84 của Luật Đất đai nhưng tổng diện tích không vượt quá diện tích đất mà hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng. Phần diện tích đất còn lại sau khi đã xác định thửa đất ở, thì được xác định theo hiện trạng sử dụng đất. Trường hợp đất ở có vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư được sử dụng từ ngày 18-12-1980 đến trước ngày 1-7-2004 thì diện tích đất ở được xác định theo quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 87 của Luật Đất đai.

Việc xem xét cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất cũng được quy định rõ trong Nghị định. Theo đó, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà toàn bộ thửa đất hoặc một phần thửa đất có một trong các loại giấy tờ về QSDĐ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai không có tranh chấp, thì được cấp GCN, trừ trường hợp đất thuộc khu vực phải thu hồi theo quy hoạch, đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp đang sử dụng đất mà toàn bộ thửa đất hoặc một phần thửa đất không có một trong các loại giấy tờ quy định thì vẫn được cấp GCN đối với phần diện tích đất không có giấy tờ khi có đủ các điều kiện: Đất không có tranh chấp; đất đã được sử dụng trước thời điểm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn được xét duyệt; trường hợp đất được sử dụng sau thời điểm quy hoạch kế hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn được xét duyệt thì phải phù hợp với quy hoạch hoặc kế hoạch đó. Thời điểm sử dụng đất do UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất xác nhận.

Về vấn đề cấp GCNQSDĐ cho nhà chung cư, nhà chung cư vẫn được cấp GCN như các trường hợp khác nhưng QSDĐ trên giấy đó là QSDĐ chung đối với thửa đất xây dựng nhà chung cư. Tuy nhiên, "sổ đỏ" nhà chung cư không có giá trị pháp lý khi đem cầm cố, thế chấp hoặc thực hiện các giao dịch khác về mặt tài chính với ngân hàng.

Tổ chức, công dân khi bị phát hiện các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai có quyền và trách nhiệm chuyển phát hiện, kiến nghị của mình đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Người dân cũng có thể gửi phát hiện, kiến nghị của mình đến các cơ quan thông tấn, báo chí và các cơ quan đó xem xét việc công bố công khai phát hiện, kiến nghị trên các phương tiện thông tin đại chúng và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền.

Đối với cán bộ quản lý đất đai có vi phạm Luật Đất đai, hình thức kỷ luật gồm: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức, buộc thôi việc. Những trường hợp vi phạm có dấu hiệu tội phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về sử dụng đất đai, sẽ bị xử lý theo Nghị định số 182/2004/NĐ-CP được ban hành cùng ngày với Nghị định 181.

. P.L

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Một già làng giàu uy tín   (23/11/2004)
Thu nhập của giáo viên: Cao hay thấp?   (23/11/2004)
Một người thầy yêu nghề   (23/11/2004)
Góp phần nâng cao vai trò, vị trí của công nghệ thông tin   (22/11/2004)
Tuổi trẻ với 5 cuộc vận động lớn của Hội   (22/11/2004)
Xây dựng nhà cho hộ nghèo ở An Nhơn: Chậm, vì sao?  (21/11/2004)
Chuyện về một giáo viên vượt khó dạy giỏi   (19/11/2004)
Nhà giáo - nghề giáo: Cho và nhận   (19/11/2004)
Tòa bênh vực huyện…  (19/11/2004)
Trái tim không tật nguyền   (19/11/2004)
Vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân  (18/11/2004)
Ông giáo già 12 năm gắn bó với lớp học tình thương  (17/11/2004)
Lương tăng không kịp giá  (17/11/2004)
Nghề thêu cũng lắm công phu   (16/11/2004)
Bức xúc ở Công ty Môi trường đô thị Quy Nhơn: Xe chở rác sắp thành rác!   (16/11/2004)